LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Công tác kiểm tra công đoàn và Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp (theo qui định Điều lệ Công đoàn Việt Nam khoá XI và Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ, ngày 04/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam) 
          I. CÔNG TÁC KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN
* Điều 39, Điều lệ Công đoàn Việt Nam qui định:
Công tác kiểm tra của công đoàn là nhiệm vụ của ban chấp hành công đoàn mỗi cấp nhằm đảm bảo việc thực hiện Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của tổ chức công đoàn. Mỗi cấp công đoàn phải tổ chức, tiến hành công tác kiểm tra ở cấp đó và chịu sự kiểm tra của công đoàn cấp trên.
* Mục 27, Chương VIII,  Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ qui định:
Công đoàn các cấp có nhiệm vụ tiến hành công tác kiểm tra ở cấp mình, cấp dưới và chịu sự kiểm tra của công đoàn cấp trên.
Ban chấp hành công đoàn các cấp quyết định chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra của cấp mình và chỉ đạo công đoàn cấp dưới xây dựng chương trình kế hoạch công tác kiểm tra toàn khoá, hàng năm về việc chấp hành Điều lệ công đoàn, thực hiện nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chương trình của ban chấp hành cấp mình và cấp trên, giải quyết  và tham gia giải quyết  khiếu nại tố cáo, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra.
Ban chấp hành công đoàn các cấp báo cáo công tác kiểm tra (trong báo cáo chung) trước đại hội. 
Ban thường vụ công đoàn các cấp chịu trách nhiệm trước ban chấp hành về tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra về chấp hành Điều lệ Công đoàn, thực hiện nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chương trình của ban chấp hành cấp mình và cấp trên, giải quyết và tham gia giải quyết  khiếu nại tố cáo, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra.
II. UỶ BAN KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN
* Điều 40,  Điều lệ Công đoàn Việt Nam qui định:
1. Uỷ ban kiểm tra là cơ quan kiểm tra của công đoàn được thành lập ở các cấp công đoàn, do ban chấp hành công đoàn cấp đó bầu ra và phải được công đoàn cấp trên trực tiếp công nhận.
2. Uỷ ban kiểm tra công đoàn mỗi cấp chịu sự lãnh đạo của ban chấp hành công đoàn cấp đó và sự chỉ đạo của uỷ ban kiểm tra công đoàn cấp trên.
3. Số lượng uỷ viên uỷ ban kiểm tra do ban chấp hành công đoàn cùng cấp quyết định, gồm một số uỷ viên trong ban chấp hành và một số uỷ viên ngoài ban chấp hành; số uỷ viên ban chấp hành không được vượt quá một phần ba (1/3) tổng số uỷ viên uỷ ban kiểm tra.
4.Việc bầu uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín. Người trúng cử phải có số phiếu bầu quá một phần hai (1/2) so với tổng số phiếu thu về:
Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra công đoàn mỗi cấp, do ban chấp hành công đoàn cấp đó bầu, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra do ủy ban kiểm tra bầu.
Tổ chức cơ sở của công đoàn có dưới ba mươi đoàn viên thì cử một uỷ viên ban chấp hành công đoàn làm nhiệm vụ kiểm tra.
5. Khi mới thành lập hoặc tách, nhập tổ chức công đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp chỉ định uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra lâm thời.
6. Nhiệm kỳ của uỷ ban kiểm tra theo nhiệm kỳ của ban chấp hành công đoàn cùng cấp.
7. Uỷ viên uỷ ban kiểm tra các cấp là cán bộ chuyên trách công đoàn khi thôi không là cán bộ chuyên trách công đoàn thì thôi tham gia uỷ ban kiểm tra. Uỷ viên uỷ ban kiểm tra khi chuyển công tác ra khỏi ngành hoặc địa phương, đơn vị thì thôi tham gia uỷ ban kiểm tra công đoàn ở ngành, địa phương, đơn vị đó. Uỷ viên uỷ ban kiểm tra các cấp khi nghỉ hưu, thôi việc thì thôi tham gia uỷ ban kiểm tra kể từ thời điểm nghỉ hưu hoặc thôi việc ghi trong quyết định.
* Mục 28, chương VIII,  Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ qui định:
1. Uỷ ban kiểm tra các cấp được thành lập từ công đoàn cơ sở trở lên, do ban chấp hành cùng cấp bầu, gồm một số uỷ viên ban chấp hành và một số uỷ viên ngoài ban chấp hành.
2. Số lượng uỷ viên uỷ ban kiểm tra do ban chấp hành công đoàn cùng cấp quyết định theo quy định sau:
- Uỷ ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không quá 15  uỷ viên.
- Uỷ ban kiểm tra LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn không quá 11 uỷ viên.
- Uỷ ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không quá 9 uỷ viên.
- Uỷ ban kiểm tra công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn không quá 7 uỷ viên (công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận không có uỷ ban kiểm tra). Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn có dưới 30 đoàn viên thì cử  một uỷ viên ban chấp hành làm nhiệm vụ kiểm tra.
3. Tiêu chuẩn uỷ viên uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp: Vận dụng  theo tiêu chuẩn như uỷ viên ban chấp hành công đoàn cùng cấp, ngoài ra uỷ viên uỷ ban kiểm tra cần có sự hiểu biết về kiến thức pháp luật, kinh tế, quản lý tài chính… có nghiệp vụ và kinh nghiệm làm công tác kiểm tra.
Không cơ cấu những cán bộ, đoàn viên là trưởng, phó ban, phòng tài chính công đoàn; kế toán trưởng, chủ tài khoản và người được uỷ quyền chủ tài khoản của công đoàn cùng cấp tham gia uỷ ban kiểm tra.
4. Nhiệm kỳ của uỷ ban kiểm tra theo nhiệm kỳ của ban chấp hành công đoàn cùng cấp. Thời gian hoạt động của uỷ ban kiểm tra lâm thời không quá 12 tháng.
Nếu quá thời hạn 12 tháng chưa tổ chức được đại hội thì công đoàn cấp trên xem xét quyết định bằng văn bản cho phép kéo dài thêm nhưng không quá 6 tháng, hoặc giải thể uỷ ban kiểm tra lâm thời cũ và chỉ định uỷ ban kiểm tra lâm thời mới.
5. Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra liên đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương phải là cán bộ công đoàn chuyên trách.
6. Bầu phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra.
- Bầu phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, trong số ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn.
- Trường hợp hội nghị lần thứ nhất ban chấp hành cùng cấp đã quyết định số lượng, cơ cấu phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi kết thúc hội nghị lần thứ nhất của ban chấp hành, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra phải triệu tập hội nghị lần thứ nhất của ủy ban kiểm tra để bầu phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.
- Trường hợp bầu bổ sung phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra vượt quá số lượng do hội nghị lần thứ nhất ban chấp hành công đoàn cùng cấp quyết định phải được sự đồng ý bằng văn bản của công đoàn cấp trên trực tiếp.
7. Uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra phải được công đoàn cấp trên trực tiếp công nhận. Uỷ ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn công nhận. Khi điều động chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra sang làm công tác khác phải báo cáo và được sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp.
8. Bầu bổ sung, cho thôi ủy viên ủy ban kiểm tra:
- Khi khuyết uỷ viên, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra thì uỷ ban kiểm tra báo cáo ban chấp hành cùng cấp và tiến hành thực hiện quy trình bầu bổ sung.
- Cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra, nếu là uỷ viên uỷ ban kiểm tra khi chuyển công tác không làm công tác kiểm tra thì thôi tham gia uỷ ban kiểm tra.  
- Thôi tham gia và bầu bổ sung ủy viên uỷ ban kiểm tra và các chức danh trong uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp thực hiện như thôi tham gia và bầu bổ sung ban chấp hành công đoàn các cấp.
III. NHIỆM VỤ CỦA UỶ BAN KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN
*Điều 41,  Điều lệ công đoàn Việt Nam, qui định (UBKT Công đoàn có 5 nhiệm vụ):
1. Giúp ban chấp hành, ban thường vụ thực hiện kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn đối với công đoàn cùng cấp và cấp dưới.
2. Kiểm tra công đoàn cùng cấp và cấp dưới khi tổ chức, cán bộ và  đoàn viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn.
3. Kiểm tra việc thu, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản, hoạt động kinh tế của công đoàn cùng cấp và cấp dưới theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
4. Giúp ban chấp hành, ban thường vụ: giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn; tham gia với các cơ quan chức năng nhà nước và người sử dụng lao động giải quyết khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, người lao động theo quy định của pháp luật.
5. Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra đối với uỷ viên uỷ ban kiểm tra công đoàn cùng cấp và cấp dưới.
*Mục 29, Chương VIII,  Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ qui định:
1. Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp có trách nhiệm giúp ban chấp hành, ban thường vụ xây dựng kế hoạch kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm tra theo kế hoạch.
2. Uỷ ban kiểm tra chủ động tìm hiểu, phát hiện, tổ chức kiểm tra và kiến nghị xử lý kịp thời khi tổ chức, cán bộ, đoàn viên công đoàn cùng cấp và cấp dưới có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Công đoàn, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn.
3. Uỷ ban kiểm tra chủ động kiểm tra việc thu, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn cùng cấp và cấp dưới theo quy định của pháp luật và tổ chức công đoàn.
4. Những khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn, uỷ ban kiểm tra có nhiệm vụ giúp ban thường vụ, ban chấp hành tham gia với các cơ quan chức năng nhà nước giải quyết theo quy định của pháp luật.
5. Uỷ ban kiểm tra các cấp hoạt động theo quy chế, quy định do ban chấp hành cùng cấp ban hành.
6. Uỷ ban kiểm tra công đoàn cấp trên tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ hàng năm cho các uỷ viên uỷ ban kiểm tra cấp mình và chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra công đoàn cấp dưới.
7. Ủy viên ban chấp hành được phân công làm công tác kiểm tra ở công đoàn cơ sở có dưới 30 đoàn viên có nhiệm vụ sau:
- Tiếp nhận và nghiên cứu, đề xuất với ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn cơ sở giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Phát hiện và tham mưu, đề xuất với ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn cơ sở kế hoạch kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Công đoàn Việt Nam, kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn.
IV. QUYỀN CỦA UỶ BAN KIỂM TRA
*Điều 42, Điều lệ Công đoàn Việt Nam qui định:
1. Uỷ viên uỷ ban kiểm tra được tham dự các hội nghị của ban chấp hành và đại hội hoặc hội nghị đại biểu công đoàn cùng cấp.
2. Báo cáo với ban chấp hành công đoàn cùng cấp về hoạt động kiểm tra công đoàn và đề xuất các nội dung, chương trình công tác của uỷ ban kiểm tra trong các kỳ họp thường kỳ của ban chấp hành.
3. Yêu cầu đơn vị và người chịu trách nhiệm của đơn vị được kiểm tra báo cáo, cung cấp các tài liệu cho công tác kiểm tra và trả lời những vấn đề do uỷ ban kiểm tra nêu ra.
4. Báo cáo kết luận kiểm tra và đề xuất các hình thức xử lý với cơ quan thường trực của ban chấp hành công đoàn cùng cấp. Những kiến nghị của uỷ ban kiểm tra không được cơ quan thường trực giải quyết thì uỷ ban kiểm tra có quyền báo cáo với ban chấp hành công đoàn cùng cấp và báo cáo lên uỷ ban kiểm tra công đoàn cấp trên.
5. Uỷ viên uỷ ban kiểm tra được học tập, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ về công tác kiểm tra.
Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ: Không có hướng dẫn thêm Điều 42.
Ủy ban kiểm tra LĐLĐ tỉnh