LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Đẩy mạnh phong trào thi đua trong CNVCLĐ 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp, cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động tỉnh ta đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, nhiệm vụ công tác, bảo đảm việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. 

Xác định tầm quan trọng của công tác thi đua, hàng năm Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch và tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức, phối hợp tổ chức phát động các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng các sự kiện, các ngày Lễ kỷ niệm lớn của quê hương, đất nước trong CNVCLĐ. Nét nổi bật trong việc phát động các phong trào thi đua đó là đã được triển khai sâu rộng trên mọi lĩnh vực, hình thức thi đua phong phú, thiết thực, đảm bảo sự phối hợp thống nhất giữa công đoàn và chuyên môn, chú trọng khen thưởng từ cơ sở và công nhân trực tiếp sản xuất, thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia như: phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ; phong trào thi đua “Phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”; phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” gắn với cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” của ngành Giáo dục; phong trào thi đua “Xây dựng công sở văn hoá, ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả” cùng với việc đẩy mạnh Cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” trong công đoàn Viên chức; phong trào thi đua “Sản phẩm, công trình chất lượng cao”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” của các ngành, các lĩnh vực ...

Thông qua các các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, với hàng ngàn công trình, sản phẩm mới đạt chất lượng cao, góp phần giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh; tiết kiệm, sử dụng và khai thác có hiệu quả thiết bị công nghệ hiện có; đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, cải thiện điều kiện làm việc, đổi mới công tác quản lý được áp dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống. Tiêu biểu có kỹ sư Đặng Thanh Dệ - Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Đại Trường Phát 4 lần được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo, thầy giáo Trần Xuân Lập - Giáo viên trường Trung cấp Kỹ thuật Công Nông nghiệp Quảng Bình 3 lần được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo, bác sỹ Nguyễn Viết Thái  - Phó trưởng khoa ngoại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, thầy giáo Hoàng Thái Anh - Giáo viên trường THCS Mỹ Thủy, Lệ Thủy, Kỹ sư Võ Văn Minh - Giám đốc Chi nhánh Chế biến lâm sản và kinh doanh tổng hợp Đồng Hới...

Phong trào thi đua “Phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”, gắn với phong trào “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia; nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển và nhân rộng, đã góp phần làm thay đổi cơ cấu nông nghiệp; các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, tiên tiến được đưa vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả giống cây trồng, vật nuôi; quản lý khai thác tốt các công trình thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn; bảo vệ sức khoẻ nhân dân; công tác xã hội hóa giáo dục nâng cao dân trí từng bước được nâng lên.

Qua phong trào “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” các doanh nghiệp đã từng bước khắc phục tình trạng máy móc, thiết bị lạc hậu, đảm bảo cho công nhân lao động làm việc trong môi trường lao động tốt hơn, an toàn, sức khoẻ được cải thiện, công tác BHLĐ của chủ doanh nghiệp và người lao động được nâng lên; vai trò kiểm tra giám sát của tổ chức Công đoàn về công tác BHLĐ được tăng cường. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt pháp luật về BHLĐ, tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, lập hồ sơ sức khoẻ để bố trí lao động phù hợp, trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn. Phong trào "Xanh-Sạch-Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động" tiếp tục được duy trì và phát triển ở các ngành, cơ sở với các hình thức thi đua “cơ sở văn minh, sạch sẽ, an toàn”, “Văn hoá an toàn doanh nghiệp”, “Doanh nghiệp văn hóa”...

Tiếp tục chú trọng phong trào học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong CNVCLĐ, đặc biệt phong trào tự học, tự nghiên cứu. Trong những năm qua nhiều đơn vị đã tạo điều kiện cho CNVCLĐ được tham gia học tập, bình quân mỗi năm có trên 10.000 người được đào tạo, tỷ lệ CNVCLĐ có trình độ Đại học, trên đại học và công nhân qua đào tạo ngày càng tăng. Quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường Trung cấp nghề số 9, mở rộng quy mô đào tạo nghề, liên kết đào tạo, tư vấn việc làm, giới thiệu việc làm... góp phần  nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, nữ CNVCLĐ đã không ngừng học tập, phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành nhiều mặt; phát huy được năng lực, phẩm chất, vượt lên những khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cơ quan, đơn vị giao. Qua phong trào, nhiều chị được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng, Thủ tưởng Chính phủ tặng Bằng khen, được công nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nghệ sỹ ưu tú, CSTĐ các cấp, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo và nhiều tập thể, cá nhân được Tổng LĐLĐ, các ngành, các cấp khen thưởng...   

Phong trào đẩy mạnh tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội ngày càng được các cấp công đoàn chú trọng đổi mới tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với việc vận động CNVCLĐ tích cực hưởng ứng thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo của  tỉnh, luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong hưởng ứng, ủng hộ xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Bảo trợ trẻ em”, “Bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam”, “Tình thương”, “Vì bệnh nhân nghèo”, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt … với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động mang màu sắc riêng của tổ chức công đoàn, đem lại hiệu quả thiết thực như: tổ chức Chương trình “Tết sum vầy”, “Tháng công nhân”  nhằm chăm lo cho đoàn viên, lao động, đặc biệt đối với đoàn viên lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người lao động; vận động CNVCLĐ chung tay xây dựng Quỹ “Mái ấm Công đoàn” nhằm hỗ trợ xây dựng, sữa chữa nhà ở cho CNVCLĐ chưa có nhà ở hoặc đang ở nhà tạm; xây dựng “Quỹ đoàn viên công đoàn nghèo” cho đoàn viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn luân phiên vay để phát triển kinh tế gia đình; vận động xây dựng quỹ nghĩa tình “Hoàng Sa-Trường Sa” ủng hộ xây dựng đền tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân hy sinh trong trận Gạc Ma, hỗ trợ gia đình lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, giúp ngư dân có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn khơi bám biển; ủng hộ làm nhà văn hóa cho thôn, bản ... Tích cực vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... ủng hộ xây dựng nhà trẻ mẫu giáo; lắp đặt phòng máy vi tính cho học sinh; hỗ trợ sửa chữa trường học; lắp đặt thiết bị liên lạc trạm bờ cho ngư dân; xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách; hỗ trợ con CNVCLĐ mổ tim; trao học bổng, tặng sổ tiết kiệm cho con CNVCLĐ nghèo, mồ côi; trao tặng áo ấm, sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh ở các địa bàn khó khăn; hỗ trợ CNVCLĐ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bị thiên tai....Thông qua thực hiện các chương trình, các phong trào đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững của tỉnh; xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.

                                                                                                   Mỹ Bình 

[Trở về]