Bản in     Gởi bài viết  
Hỏi - đáp pháp luật tháng 6.2018 
 Hỏi: Tôi là công chức nhà nước, vợ tôi không di làm và vừa mới sinh con ngày 30/4/2018, vợ tôi đẻ mổ, vậy tôi được hưởng chế độ như thế nào? Số tiền được hưởng bao nhiêu?Tôi cần chuẩn bị hồ sơ như thể nào để được hưởng chế độ thai sản?

Trả lời:

Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau: Căn cứ Điều 31, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.”

Theo thông tin bạn cung cấp, vợ bạn không đi làm và vừa mới sinh con, bạn là công chức nhà nước đang tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản cho lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con theo Điểm e khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà không phụ thuộc vào việc vợ bạn có đang tham gia bảo hiểm xã hội hay không.

- Về thời gian hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam khi có vợ sinh con được căn cứ theo khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:

“Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ vệc hưởng chế độ thai sản như sau:

a) 05 ngày làm việc;

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẩu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc;

Theo đó, vợ bạn sinh con phải phẫu thuật bì vậy bạn sẽ được nghỉ 7 ngày làm việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của bạn được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ bạn sinh con.

- Về mức hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

“1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của  Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 Luật nay được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;

c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.”

Theo đó, mức hưởng chế độ thai sản của bạn là:

Mức hưởng = Bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ chế độ thai sản : 24 ngày  x số ngày nghỉ hưởng chế độ thai sản là 7 ngày.

Ngoài ra, trường hợp của bạn, vợ bạn sinh con nhưng chỉ có bạn tham gia bảo hiểm xã hội và đáp ứng đủ điều kiện thì bạn còn được trợ cấp 01 lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con theo căn cứ tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

 - Hồ sơ để được hưởng chế độ thai sản gồm có: 

Căn cứ Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành quy định về hồ sở và quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, tại Điểm 2.1 khoản 2 và Điểm 4.2 khoản 4 Điều 9 quy định hồ sơ hưởng chế độ thai sản trong trường hợp của bạn gồm có:

“2.1. Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

4.2. Giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con dưới 32 tuần tuổi hoặc sinh con phải phẫu thuật (mẫu và thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Y tế).”

 

Hỏi: Tôi xin hỏi về chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh con như thế nào? ở công ty tôi có tôi và một chị cùng được hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi sinh con nhưng chị kia được hưởng 7 ngày con tôi chỉ được hưởng có 5 ngày.

Trả lời:

Theo Khoản 1, Khoản 2  Điều 41Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014quy định:

“1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

b) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

c) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

3. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.”.

Như vậy, trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ ngày quay trở lại làm việc, nếu sức khỏe của lao động nữ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh. Theo đó, thời gian nghỉ và mức hưởng được xác định như sau:

Thời gian nghỉ dưỡng sức sau sinh:

- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

- Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

- Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Theo thông tin mà bạn cung cấp, trường hợp chị ở cùng công ty với bạn sinh con phải phẫu thuật nên được giải quyết hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh 7 ngày, còn bạn không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b khoản 2Điều 41Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nên được giải quyết hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh là 5 ngày.

Hỏi: Tôi làm công nhân ở một Công ty may công nghiệp, năm nay tôi 49 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động 63%. Vậy tôi xin hỏi tôi có đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định đối với lao động nữ không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực vào 1/1/2016) quy định về Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau:
“1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.”

Căn cứ theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội 2014 nếu bạn có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm trở lên thì bạn đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.

 

Thu Hà

[Trở về]