LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Quảng Bình - Lịch sử và tên gọi 
 Để có cơ sở khoa học xác định ngày thành lập tỉnh Quảng Bình, đây là một vấn đề nhạy cảm và rộng lớn, có tính khoa học và thực tiễn trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, xã hội... Ở bài viết nhỏ này, chúng tôi muốn đưa ra một trong những tiêu chí để chọn ngày thành lập tỉnh, đó là lấy thời điểm hình thành tên gọi mà địa danh đó nay vẫn còn sử dụng gắn liền với vùng lãnh thổ một thể chế chính trị nhất định. Địa danh đó phải gắn với lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của nó trong đấu tranh và xây dựng.
 1. Vị trí địa Lý.

Quảng Bình là một tỉnh ở Bắc Trung bộ, có tọa độ địa lý nằm khoảng từ 16030’ đến 18005’ vĩ độ Bắc và 105037’ đến 107010’ kinh độ đông, là một bộ phận lãnh thổ của nước Việt Nam. Số liệu địa giới hành chính theo Chỉ thị 369 - CT được UBND tỉnh Quảng Bình công bố theo Quyết định số 42/1999 QĐ-UB ngày 12/10/1999 thì diện tích tự nhiên của tỉnh Quảng Bình là 8051,50km2, phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, ngăn cách bởi dãy Hoành Sơn, có chung địa giới là 136,496 km, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị có chiều dài là 78,8 km, phía đông là biển Đông có bờ biển dài 116,04 km, phía Tây giáp tỉnh Khăm Muộn của nước CHDCND Lào, có chung đường biên giới là 201,870km. 
Trên đây là một vài số liệu tổng quát nhất, chung nhất về vị trí địa lý của tỉnh Quảng Bình ngày nay trong đại gia đình lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

2. Diễn trình lịch sử - tên gọi

Ngược dòng lịch sử thì vùng đất Quảng Bình hôm nay đã nhiều lần thay đổi cương vực và tên gọi. Thời kỳ Hùng Vương, vùng đất này thuộc bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang - Âu Lạc. "Việt Thường là cõi Trị Bình trung châu’’ (Đại Nam quốc sử diễn ca) Đời Trần thuộc Tượng quận. Đời Hán là cõi Nhật Nam, Đời Tống là đất Địa Lý, Bố Chính của vương quốc Chiêm Thành.

Đến thời Lý Thánh Tông (1054 - 1072), năm Thiên Huống bão tượng thứ 2 (năm 1069) nhà vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, được chúa Chiêm là Chế Củ đem về, Chế Củ dâng 3 châu Địa Lý - Bố Chính - Ma Linh (Quảng Bình và Bắc Quảng Trị) để chuộc tội. Như vậy kể từ thời điểm này (tháng 7 năm Kỷ Dậu 1069) vùng đất này được nhập vào lãnh thổ Đại Việt.

Lý Nhân Tông (1072 - 1128) năm Thái Ninh thứ 4 (năm ất Mão 1075) sai Lý Thường Kiệt đi tuần biên thùy về địa đồ hình thế núi sông, đổi Địa Lý làm châu Lâm Bình, Bố Chính làm châu Nam Bố Chính, chiêu dân đến ở, từ đó tên địa danh này có trên bản đồ Đại Việt có gắn với chữ "Bình".

Dưới thời Trần Duệ Tông (1373 - 1377) năm Long Khánh thứ 3 (năm Ất Mão 1375) đổi Lâm Bình làm phủ Tân Bình, sau đổi làm Lộ. Đến thời Quý Ly (1400 - 1401) đổi Tân Bình làm trấn Tây Bình - Thánh Tông (1460 - 1497) định bản đồ trong nước lại làm Phủ Tân Bình gồm 2 huyện Khang Lộc, Lệ Thủy và 2 châu Minh Linh, Bố Chính, Lê Kính Tông (1600 - 1919) Hoàng Định năm thứ nhất (năm Tân Sửu 1601) đổi phủ Tân Bình làm phủ Tiên Bình.

Tháng 11 năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê, chúa Trịnh cử vào trấn thủ Thuận Hóa, năm Giáp Thìn 1604 ông đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, từ đó xuất hiện tên địa danh Quảng Bình trong lịch sử Việt Nam.

Năm Bính Ngọ 1786, sau khi thống nhất đất nước Quang Trung Nguyễn Huệ đặt tên mới là Châu Thuận Chính - Gia Long (1802 - 1819) năm thứ 5 (1806) định làm dinh Quảng Bình trực lệ vào kinh sư. Minh Mạng (1820 - 1840) năm thứ 8 (1827) đổi dinh Quảng Bình làm Trấn Quảng Bình, bỏ 2 chữ Trức Lệ và Minh Mạng năm thứ 12 (năm 1831) chia tỉnh hạt đổi trấn Quảng Bình thành tỉnh Quảng Bình.

Tháng 7 năm 1976, theo quyết định của Quốc hội nước CHXH Việt Nam, Quảng Bình hợp nhất với Quảng Trị , Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên. 
Tháng 7 năm 1989, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 8 tỉnh Bình Trị Thiên được tách thành 3 tỉnh, Quảng Bình lại trở về địa giới và tên gọi cũ như đã vốn có xưa nay. Địa hình và vùng đất có tên Quảng Bình đã từng tồn tại trong hoàn cảnh lịch sử, địa lý đại thể đó. Sơ qua một số sự kiện chính yếu trong tiến trình lịch sử để chúng ta hiểu thêm về vùng đất, con người ở địa bàn xung yếu này. Một địa bàn luôn luôn là điểm nút biến động của lịch sử, là vùng biên thùy nơi biên ải dưới thời Đại Việt - Chiêm Thành; là nơi gaio tranh ác liệt dưới thời Trịnh - Nguyễn; là cầu nối Nam Bắc nơi chiến trường trực tiếp và hậu phương trực tiếp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Mặc cho thời gian dần trôi, trải qua biến thiên cửa lịch sử, tên gọi Lâm Bình dưới triều Lý, Tân Bình - Tiên Bình - Tây Bình thời Trần - Hồ và Quảng Bình dưới thời các chúa Nguyễn là một mạch nguồn tiếp nối liên tục để tên Quảng Bình trường tồn với thời gian và lịch sử cho đến ngày nay, và mãi mãi về sau.

Trở về vấn đề tên gọi, như đã trình bày, vùng đất này có từ bản đồ Đại Việt vào năm 1075 dưới thời Lý, nhưng thuộc đất Đại Việt thì từ năm 1069, một phần đất đó có tên gọi là Châu Lâm Bình trước thuộc Châu Đại Lý của vương quốc Chiêm Thành dâng đổi. Từ Lâm Bình - Tân Bình - Tây Bình - Tiên Bình trải qua chặng đường chông gai trên 5 thế kỷ đến năm 1604, Nguyễn Hoàng định danh cho vùng đất này là phủ Quảng Bình. Như vậy địa hạt này có tên gọi là Quảng Bình từ năm 1604 do chúa Tiên Nguyễn Hoàng đặt.

3. Thay lời kết

3.1 - Năm ất Mão 1075 là thời điểm xuất hiện địa danh Phủ Lâm Bình trên bản đồ Đại Việt, đó chỉ là 1 cơ sở để từng bước tiến tới lập phủ có tên gọi là Quảng Bình năm 1604, bởi lẽ trước đó năm 1069 ba châu Địa Lý - Bố Chính - Ma Linh mới được Đại Việt thu nhận từ vương quốc Chiêm Thành, Quảng Bình ngày nay bao gồm Châu Địa Lý và Bố Chính xưa mà địa danh phủ Lâm Bình chỉ bao gồm địa phận của châu Địa Lý đổi thành, do đó theo chúng tôi không lấy thời điểm này làm căn cứ cho việc chọn thời điểm thành lập tỉnh với tên gọi của một địa phương, mà mốc lịch sử này có ý nghĩa là thời điểm đánh dấu việc gia nhập của vùng đất Phương Nam của dãy Hoành Sơn vào bản đồ của Quốc gia Đại Việt.

3.2 - Năm Giáp Thìn 1604 khi Nguyễn Hoàng thay đổi tên gọi các khu vực hành chính thuộc quyền quản lý của ông, đổi phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình cho vùng đất này, theo chúng tôi là mốc lịch sử thích hợp để chọn thời điểm thành lập tỉnh Quảng Bình, mặc dầu là năm Minh Mạng thứ 12 (1831) ông mới đổi Trấn Quảng Bình thành tỉnh Quảng Bình và danh từ tỉnh Quảng Bình tồn tại cho đến ngày nay.

Chúng tôi chọn năm 1604 là năm kỷ niệm thành lập tỉnh Quảng Bình bởi lẽ:

- Tên gọi địa danh Quảng Bình lúc này mới xuất hiện và cương vực địa giới của địa danh này từ đó đến nay vẫn không mấy thay đổi, bởi đơn vị hành chính từ Lý - Trần - Lê - Nguyễn là Châu, là Phủ, là Bộ, là Trấn, đều là cấp hành chính tương đương cấp tỉnh.

- Thời điểm này địa giới hành chính phủ Quảng Bình mặc dù dưới thời cai quản của các chúa Nguyễn nhưng nó tương đối ổn định. Bộ máy hành chính từ phủ đến huyện, Tổng và xã vẫn được duy trì bảo đảm kỷ cương chính sự, nhân dân an cư lạc nghiệp, hàng năm vẫn đóng thuế, xung quân để lo việc nước cùng triều đình nhà Lê.

- Nguyễn Hoàng là đại thần triều Lê, qua bản tấu của Trịnh Kiểm được vua Lê Anh Tông (1557 - 1573) cử vào trấn thủ Thuận Hóa - miền đất phên dậu phía Nam của Đại Việt tháng 11/1558, trải qua 47 năm dựng nghiệp, ông đã xếp đặt việc cai trị vùng đất biên thùy và khi ông thấy bảo đảm về các yếu tố ’’Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa’’ ông đã đổi tên phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, với ước muốn đây là một vùng đất rộng lớn, bằng phẳng và yên bình mà ông và cộng sự đã dồn bao tâm huyết cai trị và gắn bó gần nửa thế kỷ nay, như câu sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân’’. Do vậy chúng tôi chọn năm 1604 là hợp lý.

Quốc sử Triều Nguyễn gọi Nguyễn Hoàng là gia dụ Hoàng đế sử ghi ’’bản triều gia dụ Hoàng đế năm Giáp Thìn thứ 47 (1604) đổi Tiên Bình làm phủ Quảng Bình...’’ chính Nguyễn Hoàng là người đặt tên Quảng Bình cho địa danh này, như vậy thiết nghĩ mốc năm 1604 là hợp tình hợp lý để chúng ta chọn làm thời điểm kỷ niệm ngày thành lập tỉnh.

3.3 - Như tiêu chí chúng tôi nêu ra từ đầu về chọn thời điểm ngày thành lập tỉnh. Qua một số nét cơ bản như đã nêu chúng tôi thiết nghĩ lấy thời điểm năm 1604 làm mốc thời gian kỷ niệm ngày thành lập tỉnh. Đến năm 2001 sẽ tổ chức kỷ niệm 400 năm ngày thành lập tỉnh trong một thời điểm mới Quảng Bình xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng tầm vóc và ước muốn của tiền nhân với vùng đất này.

(Nguồn website Quảng Bình)

[Trở về]