Những nội dung cơ bản về pháp luật bạn cần biết 

Câu hỏi 1.   Cho tôi hỏi, trả lương trong tháng được hiểu như thế nào? Thực tế hiện nay doanh nghiệp tôi đang làm, đến ngày 05 hoặc đến ngày 10 của tháng sau mới trả lương của tháng trước làm thế nào để doanh nghiệp trả lương trong tháng? 

Trả lời

Theo Điều 5 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật lao động quy định cụ thể Kỳ hạn trả lương đối với người hưởng lương tháng.

Kỳ hạn trả lương đối với người hưởng lương tháng theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP được quy định như sau:

1. Người lao động hưởng lương tháng được trả tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả ngay trong tháng mà người lao động làm việc.

2. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng.

Như vậy, doanh nghiệp phải quy định lại thời điểm trả lượng theo đúng quy định tại Điều 5. Nhưng, tạm thời doanh nghiệp thực hiện việc trả lương cho người lao động một tháng 02 kỳ: kỳ một vào giữa tháng và kỳ hai vào đầu tháng sau cho đến khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội.

 Câu hỏi 2.   Em muốn biết việc bồi thường thiệt hại khi đình công bất hợp pháp được quy định như thế nào?

Trả lời

Theo Điều 7 Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động quy định tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động quy định cụ thể về thương lượng bồi thường thiệt hại trong trường hợp đình công bất hợp pháp tại Khoản 3 Điều 36 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP  được quy định như sau:

1. Trường hợp tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công không đồng ý với một trong các nội dung chủ yếu trong văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại của người sử dụng lao động quy định tại Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP thì trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại của người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công có văn bản yêu cầu người sử dụng lao động tổ chức thương lượng;

2. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu thương lượng, người sử dụng lao động trao đổi, thống nhất với đại diện tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công về thời gian, địa điểm, thành phần tham gia phiên họp thương lượng bồi thường thiệt hại;

3. Phiên họp thương lượng bồi thường thiệt hại phải được lập biên bản, có chữ ký của các bên tham gia thương lượng và của người ghi biên bản, trong đó phải có những nội dung đã được hai bên thống nhất (nếu có), những nội dung còn ý kiến khác nhau. Biên bản phiên họp thương lượng là cơ sở pháp lý xác định quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường thiệt hại;

4. Kết thúc thương lượng, trường hợp hai bên thống nhất nội dung thương lượng thì hai bên có trách nhiệm thực hiện theo nội dung đã đạt được thỏa thuận; trường hợp không thống nhất nội dung thương lượng thì một trong hai bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bạn có thể nghiên cứu thêm chi tiết tại Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/9/2015.

 Câu hỏi 3.   Em muốn tìm hiểu về các trường hợp nghỉ việc không hưởng lương và nghỉ ốm đau được quy định như thế nào?

Trả lời

Vấn đề bạn hỏi, Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh trả lời như sau: Căn cứ Công văn 3319/LĐTBXH-ATLĐ ngày 19/8/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về nghỉ việc không hưởng lương và nghỉ ốm đau đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

1. Điều 6, Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao ođọng quy định về thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hàng năm.

Như vậy, Khoản 4, Khoản 6 Điều 6 Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ (“Thời gian nghỉ việc khôgn hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý hung cộng dồn không quá 1 tháng”; “Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 2 tháng”) quy định giới hạn thời gian để tính số ngày nghỉ hàng năm cho người lao động, không phải quy định thời gian nghỉ ốm, thời gian nghỉ việc không hưởng lương của người lao động.

Nếu người sử dụng lao động đồng ý cho người lao động nghỉ không hưởng lương quá 01 tháng hoặc người lao động nghỉ ốm quá 02 tháng, thì thời gian vượt quá đó không được tính là thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày  nghỉ hàng năm.

2. Pháp luật về lao động hiện hành không quy định thời gian nghỉ không hưởng lương tối đa, chỉ quy định “người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được nghỉ không hưởng lương” (Khoản 3 Điều 116 Bộ Luật lao động).

3. Theo Bộ Luật lao động và Nhgị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ thì công chức, viên chức được áp dụng quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi tại 02 văn bản này trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công chức, viên chức có quy định khác. Vì vậy, nếu không có quy định riêng về thời giờ làm việc, thời giừo nghỉ ngơi thì công chức, viên chức cũng áp dụng hai nội dung trên như người lao động.

 Chi tiết bạn có thể nghiên cứu thêm tại Công văn 3319/LĐTBXH-ATLĐ ngày 19/8/2015 của Bô Lao động Thương bình và Xã hội.

 Câu hỏi 4.   Tôi muốn biết về chính sách đối với lao động dôi dư sau khi doanh nghiệp nhà nước sắp xếp lại được quy định ra sao?

Trả lời

Căn cứ Nghị định 63/2015/NĐ-CP ngày 22/7/2015 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Tại Điều 3 Nghị định 63/2015/NĐ-CP ngày 22/7/2015 của Chính phủ quy định  Chính sách đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21 tháng 4 năm 1998 hoặc trước ngày 26 tháng 4 năm 2002 như sau:

Chính sách đối với người lao động dôi dư quy định tại Điểm a và b Khoản 1 Điều 2 Nghị định này tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lao động hoặc Tòa án quyết định mở thủ tục phá sản được quy định như sau:

1. Người lao động dôi dư từ đủ 55 tuổi đến đủ 59 tuổi đối với nam, từ đủ 50 tuổi đến đủ 54 tuổi đối với nữ và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (đối với trường hợp nghỉ hưu trước ngày 01 tháng 01 năm 2016), theo Khoản 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đối với trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở về sau) và được hưởng thêm chế độ sau:

a) Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;

b) Trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm (đủ 12 tháng, không kể tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 50 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (đối với trường hợp nghỉ hưu trước ngày 01 tháng 01 năm 2016), so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đối với trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở về sau);

c) Hỗ trợ 01 tháng lương cơ sở do Chính phủ quy định cho mỗi năm m việc có đóng bảo hiểm xã hội.

2. Người lao động dôi dư trên 59 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, trên 54 tuổi đến dưới 55 tuổi đối vớinữ và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (đối với trường hợp nghỉ hưu trước ngày 01 tháng 01 năm 2016), theo Khoản 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đối với trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở về sau) và được hưởng thêm chế độ sau:

a) Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;

b) Hỗ trợ 0,5 tháng lương cơ sở do Chính phủ quy định cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.

3. Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 50 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (đối với trường hợp nghỉ hưu trước ngày 01 tháng 01 năm 2016) hoặc Điểm a Khoản 1 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đối với trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở về sau) nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu trí. Mức đóng cho số tháng còn thiếu bằng tổng tiền đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc thuộc trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động nhân với số tháng còn thiếu.

4. Người lao động dôi dư thuộc đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Nghị định này không đủ điều kiện hưởng chế độ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ sau:

a) Trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động;

b) Hỗ trợ một khoản tiền cho mỗi năm làm việc tại công ty thực hiện sắp xếp lại như sau:

- Mức 1,5 tháng lương cơ sở do Chính phủ quy định đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 20 năm;

- Mức 0,5 tháng lương cơ sở do Chính phủ quy định đối với người lao động có thời gian làm việc từ đủ 20 năm đến dưới 25 năm;

- Mức 0,2 tháng lương cơ sở do Chính phủ quy định đối với người lao động có thời gian làm việc từ đủ 25 năm trở lên.

5. Người lao động dôi dư thuộc đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Nghị định này không đủ điều kiện hưởng chế độ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ sau:

a) Trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động;

b) Hỗ trợ một khoản tiền cho mỗi năm làm việc tại công ty thực hiện sắp xếp lại như sau:

- Mức 02 tháng tiền lương đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 15 năm;

- Mức 0,7 tháng tiền lương đối với người lao động có thời gian làm việc từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm;

- Mức 0,3 tháng tiền lương đối với người lao động có thời gian làm việc từ đủ 20 năm trở lên.

 Bạn có thể nghiên cứu thêm chi tiết tại Nghị định 63/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/09/2015.

 Câu hỏi 5.   Cho em hỏi về cách tính lương ngày nghỉ hàng năm?

Trả lời

Công văn 3234/LĐTBXH-LĐTL ngày 13/8/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn về việc tính trả lương ngày nghỉ hàng năm như sau:

1. Các quy định của pháp luật về tính tiền lương

a) Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 97 Bộ luật Lao động và Điểm c Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ có hưởng lương được trả tiền lương ít nhất bằng 300% tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm, chưa kể tiền lương ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương theo ngày.

b) Theo quy định tại Khoản 1 Điều 114 Bộ luật lao động thì người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.

c) Theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP nêu trên thì tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm tại Điều 111, ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Điều 112 Bộ luật lao động là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc.

d) Theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP nêu trên thì tiền lương tính trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của người sử dụng lao động của tháng trước liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động tính trả, nhân với số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.

2. Căn cứ vào quy định nêu trên thì:

a) Trường hợp nếu công ty đã có kế hoạch nghỉ hằng năm (đã tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn) và thông báo cho người lao động nghỉ nay người sử dụng lao động yêu cầu người lao động đi làm vào ngày nghỉ đó thì người lao động được trả tiền lương ít nhất bằng 300% tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm, chưa kể tiền lương ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương theo ngày.

b) Trường hợp người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP nêu trên.

 Thu Hà