Bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII 

Chiều nay (25.9), đoàn đại biểu sẽ biểu quyết danh sách nhân sự giới thiệu và bầu vào Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII. 


Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XI.

15h40: Sau khi tiến hành thảo luận tại tổ về nhân sự Ban Chấp hành khoá mới, đại hội tiếp tục với phần thảo luận tại hội trường của các đại biểu.

Mở đầu phần thảo luận, đồng chí Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên-Huế trình bày tham luận về đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và đảm bảo điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn cho đoàn viên, người lao động.

Trong đó, LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên – Huế tập trung vào những công việc nổi bật trong hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Với phương châm “Ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”, Công đoàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thành lập mạng lưới công tác viên dư luận xã hội công đoàn, hoạt động hiệu quả nhằm nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động tại cơ sở.

LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nỗ lực để lồng ghép văn hoá Huế trong từng hoạt động, tạo dấu ấn riêng, mang màu sắc mới.

LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng tập trung vào việc đôn đốc các doanh nghiệp nợ BHXH; phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tập huấn, huấn luyện, hội thảo, toạ đàm về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chăm lo đời sống người lao động, trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên – Huế đề xuất một số nội dung như:

Đề nghị Tổng LĐLĐVN có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhằm có sự chỉ đạo tích cực từ phía các tổng công ty đến các chi nhánh tại địa phương; xây dựng mô hình điểm về chương trình phúc lợi cho đoàn viên.

Quan tâm triển khai xây dựng các thiết chế văn hoá tại khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, góp phần chăm lo tốt hơn nữa đời sống đoàn viên và công nhân lao động.

Tiếp tục quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn, trong đó chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng hoạt động ở cở sở, kinh nghiệm tiếp cận, chỉ đạo công đoàn cơ sở hoạt động, giúp công đoàn cơ sở hoạt động hiệu quả, nâng cao đời sống người lao động.

Từ 14h30-15h20: Các đại biểu chia thành các tổ thảo luận về nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN.

14h20: Đại hội hướng dẫn tiến hành thảo luận tại tổ về nhân sự Ban chấp hành (BCH) Tổng LĐLĐVN khóa XII.

Sau khi biểu quyết thông qua đề án nhân sự và báo cáo công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN nhiệm kỳ 2018-2023, thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Vũ Anh Đức - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tổ chức Tổng LĐLĐVN - đã hướng dẫn công tác thảo luận nhân sự tại các đoàn đại biểu.

Theo đó, các đoàn chia về các phòng của Trung tâm Hội nghị quốc gia để thảo luận về nhân sự BCH Tổng LĐLĐVN nhiệm kỳ 2018-2023. Trưởng đoàn tổ chức cho các thành viên thảo luận tập trung vào những nội dung sau:

- Thảo luận về danh sách nhân sự đề cử tham gia Ban Chấp hành khóa XII do Ban Chấp hành khóa XI chuẩn bị, trên cơ sở đó mỗi đại biểu của đoàn mình cho ý kiến tín nhiệm lựa chọn 166 đồng chí trong danh sách 185 đồng chí được đề cử (tối thiểu mỗi phiếu phải gạch ít nhất 19 người).

Việc cho ý kiến vào phiếu tín nhiệm là nội dung hết sức quan trọng, đề nghị các đại biểu đề cao tinh thần trách nhiệm cân nhắc kỹ càng trước khi thể hiện ý kiến. Tránh trường hợp, kết quả lấy phiếu tín nhiệm khác với kết quả bầu cử vì đó có thể là biểu hiện suy thoái “nói không đi đôi với làm” trong 27 biểu hiện suy thoái đã được nêu tại Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII.

- Thực hiện việc ứng cử, đề cử theo quy định của Điều lệ và Quy chế làm việc của Đại hội.

Đặc biệt lưu ý: (1) Người được đề cử phải đồng ý nhận đề cử và (2) phải có hồ sơ người được giới thiệu theo đúng mẫu quy định và phải có ý kiến của công đoàn cơ sở và cấp ủy có thẩm quyền và (3) phải được Đoàn Chủ tịch Đại hội biểu quyết đồng ý đưa vào danh sách bầu cử theo nguyên tắc quá bán.

- Các đoàn tiến hành tổng hợp phiếu tín nhiệm và gửi phiếu kèm biên bản về cho Ban Kiểm phiếu để tổng hợp báo cáo Đoàn Chủ tịch Đại hội trước 15h30’.

- Trưởng đoàn phản ánh với Đoàn Chủ tịch Đại hội về kết quả thảo luận danh sách và đề án nhân sự, ứng cử, đề cử thêm nếu có, gửi phiếu và biên bản kiểm phiếu về bộ phận thư ký để tổng hợp.

14h05: Đồng chí Trần Văn Lý - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội trình bày báo cáo công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khoá XII, nhiệm kỳ 2018-2013.

Căn cứ Chỉ thị 09-CT/TW ngày 17.11.2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Công văn số 5896-CV/VPTW ngày 24.1.2018 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Thông báo số 354-TB/ BTCTW ngày 4.5.2018 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Để chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới và đảm bảo việc tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN Khóa XI đã triển khai công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Khóa XII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 như sau:

1. Xây dựng phương hướng nhân sự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN kỳ họp thứ 10 (tháng 1.2018) đã thảo luận và thông qua phương hướng nhân sự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Ban Chấp hành đã định hướng Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN gồm 175 ủy viên; Đoàn Chủ tịch 27 Ủy viên; Thường trực đoàn Chủ tịch 6 đồng chí gồm Chủ tịch và 5 Phó Chủ tịch; Ủy ban kiểm tra 17 ủy viên.

Đồng thời định hướng cơ cấu Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, Ủy ban kiểm tra Tổng LĐLĐVN theo hướng đảm bảo tính đại diện và tăng cường hiệu lực hiệu quả trong hoạt động lãnh đạo điều hành của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN.

2. Ban hành Kế hoạch chuẩn bị nhân sự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Căn cứ phương hướng nhân sự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã được Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 11 thông qua.

Trên cơ sở ý kiến của Ban Tổ chức trung ương về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã xây dựng Kế hoạch chuẩn bị nhân sự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Theo đó, đã xác định rõ về tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng, phương án và các bước thực hiện quy trình nhân sự theo đúng các quy định của Đảng và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Trên cơ sở kế hoạch chuẩn bị nhân sự nêu trên, Tổng LĐLĐVN đã có văn bản phân bổ cơ cấu và hướng dẫn quy trình giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN một cách dân chủ, chặt chẽ cho các địa phương, ngành.

Đồng thời có văn bản hiệp y với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương về giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN theo cơ cấu cơ quan phối hợp, nhà khoa học, cán bộ quản lý.

3. Thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII.

Trên cơ sở phương hướng và kế hoạch chuẩn bị nhân sự nêu trên.

Căn cứ các quy định về công tác cán bộ của Đảng và của tổ chức Công đoàn quy trình giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII được thực hiện hết sức dân chủ, khách quan, công tâm, đúng nguyên tắc, đảm bảo sự lãnh của Đảng, gồm 5 bước như sau:

Bước 1: Phát hiện giới thiệu nguồn, trong đó đã thực hiện việc xin ý kiến Ủy viên Ban chấp hành khóa XI về nhân sự khóa XII; các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, các ban, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐ giới thiệu nhân sự.

Bước 2: Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN căn cứ quy hoạch và kết quả phát hiện giới thiệu nguồn cho ý kiến về nhân sự khóa mới.

Bước 3: Trên cơ sở ý kiến Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch xem xét cho ý kiến (lần 1) về nhân sự Ban Chấp hành, đồng thời tiến hành chuẩn bị hồ sơ nhân sự và xây dựng dự thảo Đề án nhân sự Ban Chấp hành khóa XII.

Bước 4: Đoàn Chủ tịch thảo luận kỹ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Xác định số lượng, cơ cấu Ban chấp hành khóa mới và bỏ phiếu kín để thống nhất trình Ban chấp hành khóa XI về số lượng ủy viên Ban chấp hành khóa XII sẽ bầu tại đại hội; số lượng danh sách nhân sự do BCH khóa XI giới thiệu (đảm bảo số dư theo quy định); danh sách nhân sự dự kiến giới thiệu tham gia Ban chấp hành khóa mới.

Bước 5: Ban Chấp hành thảo luận và biểu quyết (bằng phiếu kín) về số lượng ủy viên Ban chấp hành khóa XII sẽ bầu tại đại hội.

Số lượng danh sách nhân sự do BCH khóa XI giới thiệu (đảm bảo số dư theo quy định).

Danh sách nhân sự giới thiệu ứng cử Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Khóa XII.

Qua kiểm phiếu, những đồng chí được trên 50% tổng số ủy viên Ban chấp hành đương nhiệm giới thiệu sẽ được đưa vào danh sách báo cáo Đảng đoàn Tổng Liên đoàn xem xét giới thiệu với đại hội.

Tiếp theo Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN đã họp biểu quyết (bằng phiếu kín) thông qua danh sách nhân sự được Ban Chấp hành khóa XI giới thiệu để bầu vào Ban Chấp hành khóa XII tại Đại hội 12 Công đoàn Việt Nam.

4. Kết quả công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành khóa XII.

Quá trình thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự ban chấp hành khóa mới.

Do việc sắp xếp lại các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, nên một số nhân sự cơ cấu tại các ban đơn vị thuộc Tổng liên đoàn, sẽ phải để lại kiện toàn sau Đại hội.

Do đó, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ khóa XI đã thống nhất số lượng Ban Chấp hành là 175 ủy viên.

Tại đại hội sẽ bầu 166 ủy viên, khuyết 9 ủy viên.

Để đảm bảo số dư theo quy định, Ban Chấp hành khóa XI đã thông qua danh sách giới thiệu gồm 185 đồng chí để bầu 166 ủy viên (số dư 11,44%).

Về phân tích chất lượng chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành khóa XII cụ thể như sau:

Trình độ chuyên môn:

- Sau đại học (GS, PGS, TS, ThS): 95/185 (51,35%); tăng 24,45% so với Đại hội XI (26,9%).

- Đại học, cao đẳng: 76/185 (41,08%).

Trung cấp: 3/185 (1,62%);

Trình độ lý luận chính trị:

Cử nhân, Cao cấp: 156/185 (84,32%);

Trung cấp: 7/185 (3,78%), Sơ cấp: 12 (6,49%);

Độ tuổi bình quân: 47 tuổi (trẻ hơn 2,4 tuổi so với độ tuổi bình quân giới thiệu tại Đại hội XI là 49,4 tuổi).

Tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi): 35/185 (18,92%).

Tỷ lệ cán bộ nữ: 54/185 (29,19%).

Tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số: 9/185 (4,86%).

Tỉ lệ cán bộ là người ngoài đảng: 13/185 (7,03%).

Trong danh sách 185 đồng chí (nêu trên) có 1 trường hợp Ban Chấp hành khóa XI xin báo cáo Đại hội về độ tuổi như sau:

Đồng chí Nguyễn Quốc Chinh, sinh ngày 12.12.1953, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI, Ủy viên Ban Thường vụ Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, Lý Sơn (LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi).

Theo quy định chung không còn đủ tuổi tái cử tham gia Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, tuy nhiên do tính chất đặc thù của nhân sự tham gia nghiệp đoàn nghề cá là lao động tự do, không quy định độ tuổi.

Cũng như vị trí, tầm quan trọng của hoạt động nghề cá tại huyện đảo Lý Sơn nên Ban Chấp hành khóa XI vẫn thống nhất giới thiệu đồng chí Nguyễn Quốc Chinh tiếp tục tái cử tham gia Ban Chấp hành Tổng liên đoàn khóa XII.

Trên đây là báo cáo công tác chuẩn bị nhân sự, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI báo cáo Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Sau khi trình bày Báo cáo công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khoá XII, nhiệm kỳ 2018-2013 của Ban Chấp hành khoá XI, đồng chí Trần Văn Lý, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã lấy ý kiến các đại biểu ở hội trường.

Theo đó, 100% đại biểu đồng ý với Báo cáo công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khoá XII, nhiệm kỳ 2018-2023.

13h55: Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XI trình bày tại Đại hội Công đoàn Việt Nam XII Đề án: “Nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN Khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2023”.

Về tình hình Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI: Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI có số lượng 175 đồng chí, theo cơ cấu đã được phê duyệt gồm: Cơ quan Tổng Liên đoàn 24 ủy viên (13,72%); Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn 20 ủy viên (11,43%); Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố 65 ủy viên (37,14%); Công đoàn cấp trên cơ sở 23 ủy viên (13,14%); Công đoàn cơ sở 21 ủy viên (12%); Công nhân trực tiếp sản xuất 7 ủy viên (4%); Cơ quan Nhà nước, đoàn thể Trung ương; cán bộ khoa học, cán bộ quản lý 15 ủy viên (8,57%).

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI có cơ cấu và số lượng hợp lý đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo phong trào công nhân, hoạt động công đoàn cả nước trong nhiệm kỳ qua.

Ban Chấp hành hoạt động theo đúng Quy chế và Điều lệ Công đoàn Việt Nam; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời phát huy trách nhiệm, vị thế của từng ủy viên ban chấp hành ở mỗi lĩnh vực công tác trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công, đã lãnh đạo các cấp công đoàn thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XI bộc lộ một số hạn chế bất cập như: Cơ cấu ủy viên là cán bộ công đoàn không chuyên trách chiếm tỷ lệ tương đối cao (25,2%); số lượng ủy viên Ban Chấp hành thay đổi trong nhiệm kỳ khá lớn (xấp xỉ 62%)… dẫn đến một số khó khăn trong quá trình chỉ đạo điều hành của Ban Chấp hành.

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2013:

Trong chương trình làm việc đại hội, Ban Kiểm phiếu đã công bố kết quả bỏ phiếu lựa chọn hình thức bầu cử BCH Tổng LĐLĐVN khoá XII, nhiệm kỳ 2018-2023. Theo đó, tổng số phiếu đã phát ra 944 phiếu, thu về 941 phiếu, 941 phiếu hợp lệ.

Đối với phương án 1 – lựa chọn biểu quyết bằng giơ thẻ đoàn viên có 725 phiếu (bằng 77,05%); phương án 2: Bỏ phiếu kín có 216 phiếu (22,95%). Đại hội đã thống nhất thông qua quy chế bầu cử BCH Tổng LĐLĐVN khoá XII bằng hình thức biểu quyết bằng giơ thẻ đoàn viên.

Về yêu cầu: Xây dựng Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới và đảm bảo việc tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 có số lượng, cơ cấu hợp lý, đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng là chính. Những nơi cần cơ cấu ủy viên ban chấp hành, nhưng không lựa chọn được người có đủ tiêu chuẩn, chất lượng thì không gò ép giới thiệu người tham gia ban chấp hành.

Cơ cấu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII phải kế thừa những yếu tố hợp lý trong cơ cấu Ban Chấp hành khóa XI, có sự điều chỉnh, bổ sung, đổi mới theo hướng phát triển phù hợp với tình hình mới; đảm bảo đại diện công đoàn các cấp, các thành phần kinh tế, theo ngành nghề, địa phương, lĩnh vực; kết hợp hài hòa giữa 3 độ tuổi, đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ theo quy định.

Công tác chuẩn bị nhân sự phải đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy trình, quy định của Đảng, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.

Về tiêu chuẩn: Người được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 phải đảm bảo tiêu chuẩn chung của cán bộ quy định trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4.8.2017 của Ban Chấp hành Trung ương về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đồng thời nhấn mạnh các tiêu chuẩn sau: Có bản lĩnh chính trị vững vàng; nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn; năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới, trưởng thành từ thực tiễn; có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có uy tín, có phương pháp hoạt động và khả năng đoàn kết, tập hợp quần chúng; có tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Có năng lực tham gia xây dựng và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào công tác công đoàn; có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, có kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội, pháp luật; có kỹ năng hoạt động và nghiệp vụ công tác; có khả năng tham gia quyết định các chủ trương công tác của ban chấp hành Tổng LĐLĐVN.

Có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ; có đạo đức, lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị; có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí; không cục bộ bản vị, cơ hội; không lãng phí, tham nhũng và bao che cho tham nhũng.

Không cơ cấu vào Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN những đồng chí mà bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan, đơn vị và bản thân cán bộ; cán bộ vi phạm quy định về tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Về điều kiện: Người tham gia Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN phải có lý lịch rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn chính trị theo quy định số 126-QĐ/TW ngày 28.2.2018 của Trung ương; đủ sức khoẻ và có điều kiện tham gia các hoạt động của Ban Chấp hành. Được cơ quan, đơn vị nơi làm việc tín nhiệm, giới thiệu.

Người tham gia Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ nói chung cần có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; trình độ chính trị từ cao cấp lý luận chính trị trở lên. Đối với cán bộ công đoàn cơ sở cần có trình độ đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; công nhân trực tiếp sản xuất cần có trình độ văn hoá trung học phổ thông, tay nghề bậc 3 trở lên theo đặc thù nghề thợ.

Cán bộ công đoàn chuyên trách tham gia Ban Chấp hành lần đầu phải đảm bảo đủ tuổi công tác ít nhất một nhiệm kỳ đại hội công đoàn (nam sinh từ tháng 9 năm 1963, nữ sinh từ tháng 9 năm 1968) ; Người tái cử phải có đủ thời gian công tác ít nhất phải đủ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên (nam sinh từ tháng 3.1961, nữ sinh từ tháng 3.1966); Cán bộ công đoàn không chuyên trách tham gia Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN nói chung không quá 2 nhiệm kỳ liên tục.

Người bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 trong thời gian ít nhất 1 năm kể từ khi có quyết định kỷ luật.

Về số lượng: Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khoá XI dự kiến số lượng Ban Chấp hành khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 gồm 175 uỷ viên, giữ nguyên so với nhiệm kỳ Đại hội XI.

Tại đại hội sẽ bầu 166 ủy viên Ban Chấp hành, số còn lại sẽ bổ sung trong nhiệm kỳ Đại hội XII Công đoàn việt Nam.

Về cơ cấu: Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khoá XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 phải đảm bảo đại diện các cấp của tổ chức công đoàn, tăng cường sự chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn; có tỷ lệ hợp lý giữa ba độ tuổi phấn đấu dưới 40 tuổi từ 5% đến 10%; từ 40 đến dưới 50 tuổi từ 45% đến 50%; còn lại là trên 50 tuổi trở lên; phấn đấu tỷ lệ ủy viên Ban chấp hành là nữ đạt từ 20% đến 30%; ủy viên ban chấp hành là người ngoài Đảng từ 2-5%; ủy viên ban chấp hành là công nhân lao động trực tiếp sản xuất từ 2-5%.

Tại đại hội sẽ bầu 166 ủy viên Ban Chấp hành, còn thiếu 9 ủy viên Ban Chấp hành cơ cấu ở cơ quan Tổng LĐLĐVN sẽ bầu bổ sung sau khi sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy Tổng Liên đoàn theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI báo cáo Đại hội Đề án Ban Chấp hành khóa XII để Đại hội xem xét quyết định.

Sau khi trình bày Đề án Nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, nhiệm kỳ 2018 – 2023, đồng chí Bùi Văn Cường xin ý kiến đại hội. Trong đó 100% đại biểu dự đại hội đã nhất trí thông qua Đề án nhân sự Ban chấp hành khóa XII.

Theo Đề án vừa được thông qua, số lượng Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2023 là 175 ủy viên.

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, hiện nay Tổng LĐLĐVN đang xây dựng đề án sắp xếp lại các Ban, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐVN theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn.

Theo đó, sau Đại hội XII, một số ban, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐVN sẽ có sự thay đổi; một số nhân sự cơ cấu tại  các ban đơn vị thuộc Tổng LĐLĐVN, sẽ phải để lại kiện toàn sau đại hội. Vì vậy, xin ý kiến các đại biểu, tại đại hội sẽ bầu 166 ủy viên Ban Chấp hành, khuyết 9 ủy viên, sẽ kiện toàn sau, trong nhiệm kỳ.

Đồng chí Bùi Văn Cường xin ý kiến đại biểu tại đại hội. Theo đó 100% đại biểu đã nhất trí số lượng Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2023 là 175 ủy viên; tại đại hội sẽ bầu 166 ủy viên, khuyết 9 ủy viên, sẽ kiện toàn sau, trong nhiệm kỳ.

13h45: Đồng chí Vũ Anh Đức - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tổ chức Tổng LĐLĐVN thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày Quy chế bầu cử Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII.

Thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 thống nhất Quy chế bầu cử của đại hội như sau:

Về ứng cử, đề cử: Đại biểu chính thức có quyền ứng cử vào Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII (sau đây gọi tắt là Ban Chấp hành khóa XII). Khi ứng cử, đại biểu phải có đơn và nhận xét của ban chấp hành công đoàn cơ sở nơi công tác, sơ yếu lý lịch có xác nhận của cấp có thẩm quyền, gửi cho Đoàn Chủ tịch Đại hội.

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XI, khi thực hiện quyền đề cử người tham gia vào Ban Chấp hành khoá XII, phải cung cấp lý lịch trích ngang từng người để đại biểu dự đại hội xem xét, cho ý kiến.

Đại biểu chính thức khi thực hiện quyền đề cử có trách nhiệm cung cấp cho đại hội sơ yếu lý lịch người mình đề cử, có nhận xét của công đoàn cơ sở nơi sinh hoạt và nhất thiết phải được sự đồng ý bằng văn bản của người được đề cử.

Đại biểu là đảng viên thực hiện ứng cử, đề cử theo quy định của Đảng.

Về danh sách bầu cử: Đoàn Chủ tịch Đại hội có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo đầy đủ danh sách đề cử, ứng cử, người xin rút khỏi danh sách và ý kiến của Đoàn Chủ tịch Đại hội cho rút hoặc không cho rút khỏi danh sách đề cử, ứng cử, với đại hội.

Danh sách bầu cử gồm những người được đề cử, những người ứng cử, đã được đại hội biểu quyết thông qua.

Danh sách bầu cử được xếp thứ tự theo vần A, B, C..., theo khối công tác. Nếu có nhiều người trùng tên thì xếp thứ tự theo họ, nếu trùng cả họ thì xếp theo tên đệm, nếu cả 3 dữ kiện trên đều trùng thì người có tuổi đời cao hơn được xếp lên trên.

Về Ban Bầu cử: Ban Bầu cử do Đoàn Chủ tịch Đại hội giới thiệu và được đại hội bầu bằng hình thức biểu quyết số lượng và nhân sự.

Ban Bầu cử có những nhiệm vụ sau: Phổ biến nguyên tắc, thể lệ bầu cử; Hướng dẫn cách thức bầu cử; Lập biên bản kiểm phiếu và thông qua biên bản kiểm phiếu; công bố kết quả bầu cử, kết quả trúng cử trước Đại hội; Hoàn thiện hồ sơ bầu cử chuyển cho Đoàn Chủ tịch Đại hội.

Ban Bầu cử được sử dụng một số kỹ thuật viên không phải là đại biểu chính thức và đại biểu không có tên trong danh sách bầu cử. Ngoài các thành viên, kỹ thuật viên, đại diện của cơ quan có thẩm quyền giám sát việc kiểm phiếu, Ban Bầu cử không được phép cho người không có nhiệm vụ vào khu vực bầu cử.

Về bầu cử: Theo hình thức biểu quyết giơ tay là việc đại biểu giơ “Thẻ đoàn viên” biểu quyết để thể hiện quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý với danh sách nhân sự đã được thông qua theo quy định về danh sách bầu cử tại Quy chế bầu cử.

Trường hợp không đồng ý với một hoặc một số người trong danh sách, đại biểu giơ “Thẻ đoàn viên” để thể hiện quan điểm khi người điều hành bầu cử hỏi ý kiến khác.

Đại hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm lựa chọn để chọn ra danh sách bầu cử bằng với số ủy viên ban chấp hành dự kiến bầu tại đại hội (danh sách không có số dư). Trường hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm lựa chọn ít hơn số lượng ủy viên Ban Chấp hành dự kiến bầu tại đại hội thì việc tiếp tục hay không tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm lựa chọn do đại hội quyết định.

Bầu cử theo hình thức biểu quyết giơ tay được thực hiện một lần cho cả danh sách bầu cử. Trường hợp có một hoặc một số người trong danh sách bầu cử có nhiều ý kiến biểu quyết không đồng ý có thể đưa ra khỏi danh sách để biểu quyết riêng. Việc biểu quyết riêng đối với một người hoặc một số người do Đoàn Chủ tịch Đại hội quyết định.

Đại biểu chỉ giơ thẻ Đoàn viên một lần cho một lần biểu quyết. Trường hợp giơ thẻ nhiều lần hoặc giơ thẻ 2 lần cho cả biểu quyết “đồng ý bầu” và biểu quyết “không đồng ý” được coi là biểu quyết không hợp lệ.

Người trúng cử là người có trên 1/2 số đại biểu chính thức dự đại hội biểu quyết đồng ý, hợp lệ.

Theo chương trình, chiều nay, Đại hội Công đoàn Việt Nam XII sẽ biểu quyết danh sách nhân sự giới thiệu bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII; thảo luận về nhân sự tại các đoàn đại biểu; Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII; Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban kiểm tra Tổng LĐLĐVN khóa XII (ngay sau khi kết thúc Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII)…

Trong buổi sáng 25.9, đại hội đã làm việc tại hội trường, nghe báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI trình Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động và tổ chức công đoàn với Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, đại hội được đón nhận ý kiến phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước quán triệt những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới. 

BBT Website tổng hợp