Bản in     Gởi bài viết  
Bảo vệ quyền lợi của người lao động 
(Nguồn http://tapchitaichinh.vn) Khi nào Nhà nước không phải trả lương cho công đoàn mà chính người lao động trực tiếp trả lương cho họ thì công đoàn mới lớn mạnh và đảm nhiệm đúng vai trò của mình là bảo vệ quyền lợi người lao động. Đây là nhận định được một số chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Chính sách, pháp luật đối với công đoàn và người lao động: Kinh nghiệm Việt Nam và châu Âu” vừa qua.
 Tại Hội thảo, Phó ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội để phát triển mạnh hơn và có sức cạnh tranh hơn. Đội ngũ công nhân lao động sẽ có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động ngày càng được đề cao và tạo điều kiện để thực thi trong thực tế. Tuy vậy, việc thực hiện các cam kết quốc tế mới cũng sẽ đặt ra nhiều thách thứ, trong đó tổ chức công đoàn cần phải có sự thay đổi về cả chất và lượng.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Hà Thị Minh Tâm cho biết, tỉnh Hà Nam có 1.102 tổ chức công đoàn cơ sở, trong đó có 182 tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp. Khu công nghiệp ở Hà Nam có 46 nghìn công nhân lao động ở 4 khu công nghiệp chính. Như vậy có thể thấy vấn đề sử dụng người lao động ở địa phương là rất lớn.

Địa phương cũng đã có sự gắn kết và đối thoại thường xuyên với tổ chức công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động. Tuy vậy, bà Tâm cũng cho rằng, công đoàn tại doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả, chưa thể bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, khi nào chính người lao động trực tiếp trả lương cho cán bộ công đoàn thì tổ chức công đoàn mới lớn mạnh và đảm nhiệm đúng vai trò của mình là bảo vệ quyền lợi người lao động.

Các ý kiến tại Hội thảo cũng chưa đồng tình với đề xuất để doanh nghiệp tự quy định mức lương cho người lao động. Lý do là vì công đoàn chưa thể đại diện cho người lao động thương lượng một cách bình đẳng với người sử dụng lao động. Ông Lê Đình Quảng cho rằng, trong điều kiện thị trường chưa phát triển toàn diện, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động chưa cao rất dễ dẫn tới vi phạm pháp luật, nhất là về vấn đề tiền lương.

“Vừa qua, khi đưa ra hỏi ý kiến của công nhân lao động có sửa thang bảng lương tại một khu công nghiệp thì có tới 18.000 công nhân lao động đã đình công. Như vậy, nếu chúng ta bỏ nguyên tắc xây dựng thang bảng lương thì rất dễ bị doanh nghiệp ép khiến người lao động phản ứng. Do đó, phải có bước đi chuẩn bị, Công đoàn cũng phải tăng cường năng lực thương lượng với người sử dụng người lao động để bảo vệ quyền lợi cho người lao động” ông Quảng nói.

Có lộ trình phù hợp

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Lao động phải được xem xét một cách cẩn trọng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, tăng cường bảo vệ nhóm yếu thế trong quan hệ lao động. Ông Quảng cho rằng, hợp đồng lao động và việc làm cũng cần phải linh hoạt hơn trong thị trường lao động, cho phép người lao động được chấm dứt hợp đồng lao động khi đã tuân thủ thời gian báo trước.

Về vấn đề làm thêm giờ, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, thời gian làm thêm giờ của nước ta là quá thấp so với các nước trên thế giới. Nhưng theo các chuyên gia, việc làm thêm giờ phải được đặt trong mối quan hệ với thời gian làm việc chính thức. Ở một số nước, thời gian làm thêm giờ cao nhưng thời gian làm việc chính thức rất thấp. Chẳng hạn như ở Đức, 1 tuần làm 35 giờ và ngày nghỉ của họ rất nhiều, còn ở Việt Nam 1 tuần làm 48 giờ.

Thêm vào đó, hiện nay điều kiện làm việc ở nước ta chưa tốt, sức khỏe của người lao động còn thấp thì việc làm thêm quá nhiều sẽ đem lại nhiều hệ lụy. Một số ý kiến cho rằng, có thể nâng thời gian làm thêm nhưng phải xem xét mức độ và từng ngành nghề; đồng thời, xem xét bỏ quy định về giờ làm thêm trong 1 tháng do nhiều doanh nghiệp có số lượng công việc lớn theo mùa vụ, nếu quy định theo tháng sẽ rất khó cho doanh nghiệp.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nếu làm thêm giờ thì doanh nghiệp phải trả tiền lương cho người lao động theo phương pháp lũy tiến. Chẳng hạn như làm 200 giờ/năm thì có thể trả bằng 150%, nhưng nếu làm đến 200 -300h/năm thì phải trả lên đến 200%... Khi đó, doanh nghiệp phải cân nhắc khi chọn giải pháp làm thêm giờ để giải quyết những công việc đột xuất không còn cách nào khác chứ không phải là giải pháp tiết giảm các chi phí.

Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn Dương Văn Sao nhận định, việc sửa đổi Bộ luật Lao động là cần thiết nhưng phải có bước đi phù hợp, đánh giá kỹ lưỡng cái gì cần sửa đổi ngay, cái gì phải có lộ trình. Ông Sao cho rằng, Luật đã quy định khá đầy đủ, nhưng việc thực thi pháp luật không nghiêm. Ví như việc đóng bảo hiểm xã hội, hiện nay mới 14 triệu người đóng bảo hiểm xã hội trên tổng số 20 triệu lao động làm công hưởng lương.

Hay như vấn đề đình công của nước ta cũng cũng vậy. Cho đến nay có khoảng 6.700 cuộc đình công nhưng tất cả đều không tuân thủ pháp luật và đều tập trung vào vấn đề tiền lương. Trước thực tế đó, nên chăng đồng thời với vấn đề sửa đổi pháp luật cho tương thích, cần phải có chế tài mạnh để việc thực thi pháp luật được nghiêm. “Nếu chúng ta cứ sửa pháp luật nhưng thực thi không nghiêm thì lợi ích của người lao động vẫn bị vi phạm” ông Sao nhấn mạnh.

[Trở về]