Bản in     Gởi bài viết  
Công đoàn Giáo dục với phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” 

Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội, là thành viên trong hệ thống chính trị xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với cơ quan nhà nước tổ chức các phong trào thi đua, thực hiện tốt các cuộc vận động, thúc đẩy hoạt động chuyên môn góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Trong nhiều năm qua, quán triệt quan điểm trên, Ban chấp hành Công đoàn Giáo dục tỉnh đã chỉ đạo và lãnh đạo phong trào công chức, viên chức, lao động trong Ngành đạt được một số kết quả nhất định trong công tác xây dựng và phát huy nhân tố con người, xem việc chăm sóc, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và lao động là vì sự phát triển của Ngành Giáo dục và của toàn xã hội.

Thi đua thực chất là cuộc vận động quần chúng rộng rãi, đoàn kết phấn đấu vì mục tiêu chung và là điều kiện tốt nhất để phát triển nhân tố con người. Đối với tổ chức công đoàn, việc tổ chức và phối hợp tổ chức phong trào “Thi đua yêu nước” trong công chức, viên chức, lao động là nhiệm vụ quan trọng và đã trở thành hoạt động thường xuyên, xuyên suốt trong hoạt động ngành nghề.

Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo,  ngày 19 tháng 10 năm 2016, Bộ GD & ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016 - 2020.

Trong thời gian qua, các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên ngành giáo dục được gắn liền với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; cuộc vận động “Hai không”; cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”  và nổi bật là phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, xem đó như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị và đã đạt được nhiều thắng lợi nhất định, có tác dụng mạnh mẽ đến chất lượng dạy và học, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Tinh thần đổi mới đó đã thúc đẩy ngành giáo dục và đào tạo Quảng Bình có nhiều cải cách mạng mẽ từ nội dung, phương pháp dạy và học, đổi mới trong quản lý, thi cử để hướng tới hoàn thiện và chuẩn hóa hơn. Quy mô giáo dục được phát triển, tăng cường mở rộng cơ sở vật chất theo hướng từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của xã hội. Đã xuất hiện nhiều hơn những tấm gương giáo viên và học sinh tiêu biểu, xuất sắc.

Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” đã được triển khai sâu rộng đến tận cơ sở và người lao động, khơi dậy được ý thức tự giác và sức sáng tạo của đội ngũ nhà giáo. Công đoàn các cấp đã phối hợp với chuyên môn đồng cấp triển khai nhiều hoạt động chuyên môn thiết thực như tổ chức thao giảng, phát động phong trào thi đua giờ dạy tốt, giờ học tốt; tổ chức thi giáo viên dạy giỏi các cấp từ cơ sở đến tỉnh; tổ chức tốt phong trào thi đua giờ giảng chất lượng cao, giờ giảng ứng dụng công nghệ thông tin. Phong trào “học tập suất đời”, “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người” (Bốn trụ cột về giáo dục của UNESSCO) như là một triết lý cho phong trào học tập, tự học tập, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng đối với mỗi một đoàn viên, lao động. Có nhiều giáo viên đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, cố gắng học tập để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cũng như nâng chuẩn đào tạo. Hiện nay, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành cơ bản có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ trên chuẩn của giáo viên Mầm non là 59,1%; Tiểu học: 89,9%; THCS: 73,47%; THPT: 9,47%; GDCN: 27,94%.

  Công đoàn các cấp đã phối hợp tốt với chuyên môn đồng cấp trong việc theo dõi, kiểm tra thực hiện quy chế chuyên môn, tham gia kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí thi đua, kịp thời có những hình thức biểu dương, khen thưởng đối với những cán bộ, giáo viên đạt thành tích cao trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Để phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” có hiệu quả, trong thời gian tới, công đoàn giáo dục các cấp cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

1. Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, phối hợp với chuyên môn đồng cấp nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động về chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy, Kế hoạch hành động của Bộ GD&ĐT, của UBND tỉnh, Kế hoạch hành động của CĐGD Việt Nam, các chương trình, kế hoạch hành động của Sở, Công đoàn ngành và của địa phương, đơn vị trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Trên cơ sở đó, bằng những việc làm cụ thể, mỗi cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động thể hiện tính tự giác, đồng lòng quyết tâm thực hiện, đồng thời tuyên truyền tích cực triển khai nhiệm vụ đổi mới của Ngành một cách hiệu quả.

2. Công đoàn phối hợp chặt chẽ với chuyên môn xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình, phát động và hướng dẫn tổ chức thực hiện phong trào thi đua một cách khoa học, thiết thực, sát hợp với tình hình và nhiệm vụ của Ngành. Trong đó xác định rõ đâu là nội dung phối hợp, đâu là nội dung do chuyên môn chịu trách nhiệm chính và đâu là nội dung do công đoàn đảm nhiệm. Tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong toàn thể cán bộ, giáo viên về ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng to lớn của phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” và các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; cuộc vận động “Hai không”; cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”.

3. Chỉ đạo các đơn vị cơ sở phải tuân thủ nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, đẩy mạnh sự phối hợp của chính quyền, công đoàn và các tổ chức đoàn thể nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt kỷ cương, nề nếp, kỷ luật lao động, nội quy, quy chế của nhà trường, đơn vị; mỗi cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm, tận tâm với nghề, yêu thương học sinh, sinh viên, xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh, tác phong mẫu mực mô phạm trong cơ quan, đơn vị trường học. Tổ chức cho toàn thể cán bộ, nhà giáo, người lao động trong đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học với phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”; đề xuất các giải pháp cụ thể, cách làm sáng tạo, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Đoàn kết, hỗ trợ đồng nghiệp trong công tác, đời sống, cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, có những giải pháp phù hợp giúp đỡ nhau trên cơ sở xây dựng các nhóm "Nhà giáo cùng nhau phát triển” trong các tổ, khoa chuyên môn, trong các nhà trường.

4. Cùng với chuyên môn đẩy mạnh phong trào thi đua trên cơ sở lòng gép với các phong trào thi đua “Hai tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, phong trào “Xây dựng xã hội học tập” một cách hài hòa, có tác dụng bổ trợ cho nhau, đồng thời các phong trào thi đua đó phải gắn liền với nội dung các cuộc vận động lớn trong ngành, lấy các cuộc vận động lớn làm nền tảng, xem đó như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình tổ chức các hoạt động thi đua. Động viên đội ngũ thường xuyên, tích cực trong học tập, bồi dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao mức đạt được trong chuẩn nghề nghiệp, chuẩn cán bộ quản lý; đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

  5. Công đoàn phối hợp chặt chẽ với chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua và các cuộc vận động theo đợt. Đôn đốc cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục tích cực hưởng ứng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng, phổ biến những những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đổi mới, sáng tạo có hiệu quả; khuyến khích động viên, thúc đẩy đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động triển khai phong trào, làm cho phong trào có chiều sâu, có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực; phê bình, nhắc nhỡ, uốn nắm những biểu hiện lệch lạc, thiếu cố gắng, đồng thời thực hiện các chế độ đãi ngộ thỏa đáng.

  Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”” gắn với các cuộc vận động lớn của Ngành là hoạt động quan trọng, xuyên suốt trong hoạt động giáo dục nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị Quyết 29 và có sự ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục vì vậy đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt giữa lý luận và thực tiễn của cán bộ công đoàn giáo dục các cấp trong tổ chức thực hiện cũng như sự nổ lực, phấn đấu, thi đua của mỗi một cán bộ, giáo viên toàn ngành.

Nguyễn Tất Thiện

Công đoàn Ngành Giáo dục Quảng Bình

  

[Trở về]