LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Điển hình tiên tiến - nhân tố quan trọng của phong trào thi đua yêu nước 
            Điển hình tiên tiến là một trong những nhân tố quan trọng, làm nòng cốt cho phong trào thi đua yêu nước hiện nay. Phong trào thi đua nếu không có điển hình tiên tiến thì phong trào đó không có sức sống và ngược lại, có điển hình tiên tiến mà không có phong trào thi đua thì những điển hình đó cũng không có cơ hội được tôn vinh, nhân rộng để mọi người biết và học tập. Việc phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội, học tập lao động sản xuất, chiến đấu và kinh doanh…là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu không thể thiếu trong các phong trào thi đua yêu nước.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”, phong trào thi đua yêu nước đã có tác dụng mạnh mẽ, là động lực góp phần vào thắng lợi sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Các phong trào thi đua yêu nước vẫn tiếp tục được duy trì, củng cố, phát triển. Trong thời buổi của kinh tế thị trường, thước đo hiệu quả cuối cùng được quan tâm là năng suất chất lượng, là doanh thu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh từ đối tượng nông dân đến công nhân, doanh nhân, từ nông thôn đến thành thị. Việc phát hiện các nhân tố điển hình nếu chỉ thông qua các báo cáo tại hội nghị tổng kết các kỳ đại hội thi đua, hoặc qua tìm hiểu về doanh thu của doanh nghiệp đóng thuế cho nhà nước, nộp ngân sách, làm từ thiện nhiều hay ít… thì chưa bao hàm hết mọi lĩnh vực nhưng nếu chỉ chú tâm vào những công việc này đôi khi lại trở thành biểu hiện của quan liêu, xa rời thực tế. Thi đua khen thưởng không chỉ là những công việc mang tính sự vụ đơn thuần như việc tổ chức các lễ công bố, trao giải thật hoành tráng; là số lượng bằng khen, huân huy chương trong năm càng nhiều càng có thành tích…  thi đua, khen thưởng phải là người sống trong lòng phong trào, hoà mình vào phong trào từ đó mới nắm bắt, phát hiện các điển hình tiên tiến cần phát huy, nhân rộng, tạo sức sống cho phong trào. Từ thực tiễn, các gương điển hình tiên tiến đâu có khó? Họ là những con người lao động thầm lặng, cần mẫn ngày đêm, giản dị nhưng lại làm công việc rất có ý nghĩa, tô đẹp cho bức tranh cuộc sống như những người: công nhân vệ sinh môi trường, những công nhân cạo mũ, những thầy cô giáo cần mẫn với học sinh thân yêu, những y, bác sỹ tận tụy với người bệnh.....Các anh, các chị làm việc với thái độ tự giác, chăm chỉ, khiêm tốn, không đòi hỏi danh hiệu cho mình. Họ là những “anh hùng thầm lặng”, những “chiến sĩ thi đua”, những “lao động tiên tiến” trong lòng mọi người. Trong khi có những đối tượng chỉ nổi về bề ngoài, chịu khó “đánh bóng, tô son” lại được đặc biệt quan tâm, chiếu cố cho khen thưởng hết danh hiệu này đến danh hiệu khác...
Một trong những nguyên nhân cơ bản để dẫn đến tình trạng trên chính là việc một số lãnh đạo các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương còn chưa quán triệt đầy đủ và nhận thức sâu sắc Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, từ đó ít quan tâm đến phong trào thi đua của ngành mình, đơn vị mình. Phong trào thi đua chưa đồng đều giữa các địa phương, đơn vị; vẫn còn đây đó những phong trào thi đua chưa gắn chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị mình. Cơ cấu khen thưởng chưa hợp lý và chưa kịp thời....
Để cho phong trào thi đua thực sự mang lại hiệu quả, trước hết, mọi tổ chức Đảng, chính quyền phải nhận thức đầy đủ và quán triệt sâu sắc Chỉ thị 35, Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị, nắm vững Luật Thi đua, Khen thưởng, xác định rõ công tác thi đua, khen thưởng là trách nhiệm của mình, là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá hoạt động của tổ chức, đơn vị cũng như đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên. Việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, phải đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua. Chú trọng việc xem xét đối tượng, hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng, quy trình phát hiện, xem xét, lựa chọn các tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng.
Những bất cập vẫn tồn tại ở đâu đó, cần suy ngẫm và cần phải thay đổi từ cách suy nghĩ đến hành động trong giai đoạn mới. Có như vậy, phong trào thi đua yêu nước mới thực sự mạnh về chất, mới có ý nghĩa thiết thực, góp phần tôn vinh cái hay, cái tốt đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu… như khi còn sinh thời, Bác Hồ thường nhắc nhở chúng ta: “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên liên tục hàng ngày".
Quang Công
[Trở về]