LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Nên giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu 

Nhiều ý kiến đề nghị phạm vi đối tượng, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc kỹ. 

Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) tiếp tục là chủ đề nóng tại các hội thảo góp ý cho dự luật này. 

Không chỉ NLĐ, đặc biệt là công nhân trực tiếp sản xuất không muốn nâng tuổi nghỉ hưu mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) cùng bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực nếu đề xuất này được thông qua. Phần lớn NSDLĐ cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo thêm gánh nặng cho cho doanh nghiệp (DN), nhất là chi phí để duy trì việc trả lương cho những lao động đã quá tuổi, không đủ sức để làm việc. 

Ở khía cạnh năng suất lao động, NLĐ lớn tuổi sẽ không còn đáp ứng đủ năng suất cho DN. Đồng thời NLĐ cũng không còn nhiệt huyết đối với công việc của mình đang làm. Theo các DN, lao động trẻ của Việt Nam còn thất nghiệp rất nhiều, phải đi làm thuê ở các nước bạn, do vậy cần phải tạo điều kiện để lao động trẻ được làm việc trong nước. "Nên giữ nguyên độ tuổi như cũ để lao động trẻ có thêm cơ hội việc làm, giữ nguồn lao động cho quốc gia"- nhiều chuyên gia góp ý.

Qua tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, DN, NLĐ, ban soạn thảo cho biết đa số ý kiến đồng ý điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo Phương án 1: Kể từ 1-1-2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi vào năm 2028. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị có phương án cụ thể về những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn và những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung; làm rõ căn cứ, cơ sở để quy định khoảng cách tuổi nghỉ hưu là 2 tuổi giữa nam và nữ. 

Phát biểu tại một hội thảo mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị phạm vi đối tượng, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc kỹ. Người trẻ muốn đi làm, còn một bộ phận người lớn tuổi không muốn đi làm khi tuổi đã cao. Người trẻ được đào tạo bài bản so với trước đây, số người có nghề nhiều hơn, người trẻ khỏe hơn, năng suất lao động tốt hơn người lớn tuổi. Từ thực tế này, ông Hiểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, thậm chí phải thiết kế lại lộ trình cho phù hợp, như với đối tượng NLĐ trực tiếp có thể thiết kế theo từng giai đoạn, có thể nâng tuổi nghỉ hưu dần từ 55 lên 57 hoặc 58.

 Được biết, dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp tới sẽ chỉ quy định phương án 1. Hiện Bộ Lao động –Thương binh – Xã hội đang tiến hành tổng rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để ban hành một danh mục thống nhất các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà NLĐ có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn. Dự kiến tháng 9 hoàn thành. "Đối với một số công việc có tính chất đặc thù như xiếc, thể thao, nghệ thuật sân khấu, giáo viên mầm non… sẽ được quy định theo hướng: khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù thì NLĐ sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp, trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm"- một thành viên ban soạn thảo cho biết.

BBT

[Trở về]