LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Những giải pháp trong công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách BHXH cho người lao động 

Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, chức năng quan trọng của tổ chức Công đoàn là đại diện cho người lao động, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thì việc chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, Công đoàn và các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động có vai trò hết sức quan trọng. 

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh, quan hệ lao động cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện, quyền dân chủ của người lao động tiếp tục được phát huy. Tuy vậy, tại một số doanh nghiệp sử dụng lao động vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật lao động. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (CĐCTTTCS) đã luôn quan tâm, chú trọng phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, đặc biệt việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động trong các doanh nghiệp, nhằm kịp thời phát hiện, kiến nghị giải quyết những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Năm 2019, LĐLĐ tỉnh và các CĐCTTTCS đã phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động tại 230 đơn vị, doanh nghiệp (trong đó: Các cấp công đoàn chủ trì 112 cuộc; tham gia kiểm tra, giám sát 118 cuộc. Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện giám sát theo Quyết định 217-QĐ/TW tại 6 doanh nghiệp trên địa bàn). nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc thực hiện pháp luật lao động, các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội đối người lao động. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã phát hiện vi phạm các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như: đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội không đầy đủ, mức tiền lương đăng ký đóng bảo hiểm xã hội không đúng thực tế, chậm nộp, nợ đọng kéo dài, chậm thanh toán các chế độ trợ cấp cho người lao động...

Thông qua đó, các cấp Công đoàn đã kịp thời phối hợp kiến nghị, hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động có biện pháp khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; đồng thời, kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý đối với các trường hợp người sử dụng lao động có những hành vi vi phạm pháp luật lao động gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.

Cùng với việc tổ chức kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với người lao động, người sử dụng lao động về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Phối hợp thực hiện công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người sử dụng lao động và người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức 04 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, đối thoại trực tiếp về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 1.200 công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp; tổ chức 50 cuộc tư vấn  trực tiếp, gián tiếp cho hơn 600 lượt đoàn viên, người lao động về chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Các cấp công đoàn tư vấn cho hơn 12.132 lượt đoàn viên, người lao động; tổ chức được 3.250 cuộc tuyên truyền với 60.549 lượt người lao động tham gia; có trên 1.257 tin, bài, ảnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện 15 phóng sự, chuyên mục tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (trong đó LĐLĐ tỉnh 5 chuyên mục, 03 phóng sự, 12 chuyên trang trên Báo Quảng Bình, 06 trang trên Tạp chí Lao động và Công đoàn).

Tham gia với BHXH tỉnh thực hiện giải quyết chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đúng, đủ, kịp thời, đảm bảo tốt quyền lợi cho người người lao động. Kết quả: Năm 2019, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho 46.335 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, tăng 437 người so với năm 2018; hưởng trợ cấp một lần (trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp tuất, tai nạn lao động, chết do tai nạn lao động, mai táng phí, trợ cấp khu vực, phí giám định y khoa, mua phương tiện sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình) cho 6.189 người; giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn (ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ) cho 38.635 lượt người; giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 3.302 người, hỗ trợ học nghề 105 người; chi các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 2.518 tỷ đồng, tăng 294 tỷ đồng so với năm 2018.

Việc chủ động phối hợp kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời kiến nghị, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động có biện pháp thực hiện ngày càng tốt hơn các quy định của Đảng, Nhà nước về chính sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Sự nỗ lực của các cấp Công đoàn trong công tác phối hợp kiểm tra, giám sát thực sự là nhân tố tích cực, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; góp phần nâng cao chất lượng thực thi pháp luật lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của các cấp Công đoàn trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Một số đơn vị chưa thực sự chủ động, tích cực trong việc phối hợp thực hiện; nội dung kiểm tra, giám sát chưa sâu; chưa kiên quyết kiến nghị chính quyền, cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm của đơn vị sử dụng lao động; công tác theo dõi, đôn đốc đơn vị được kiểm tra, giám sát khắc phục các hạn chế chưa thực sự được chú trọng đúng mức...

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp kiểm tra, giám sát nói riêng, nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nói chung, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh đã thống nhất đề ra nhiệm vụ chỉ đạo các cấp Công đoàn trên địa bàn trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật, đối thoại trực tiếp với người lao động, người sử dụng lao động về các chế độ, chính sách của Nhà nước bằng hình thức tổ chức phù hợp với các nhóm đối tượng, tập trung vào các nội dung thiết thực đối với đoàn viên, người lao động; chú trọng tuyên truyền, phổ biến đối với người lao động trực tiếp, nhất là lao động trẻ, lao động thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước, giúp người lao động nắm được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình để thực hiện và biết tự bảo vệ mình khi bị vi phạm.

Hai là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng và chuyên môn đồng cấp. Chủ động tham gia xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát hàng năm. Tăng cường các biện pháp và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp Công đoàn.

 Ba là: Tập trung hoạt động hướng về cơ sở, bám sát đoàn viên, người lao động. Tích cực, chủ động tham gia, kiến nghị với cơ quan nhà nước và người sử dụng lao động đề ra các giải pháp nhằm đảm bảo việc làm, thu nhập và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Kiên quyết đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

 Bốn là: Đẩy mạnh công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tham gia xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ, các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phối hợp tổ chức tốt hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động. Hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động và thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động.

Năm là: Đổi mới nội dung, phương pháp tập huấn nghiệp vụ công tác Công đoàn, tập trung ưu tiên cho những vấn đề bức thiết của cơ sở với mục tiêu cán bộ Công đoàn phải là những người hiểu biết về pháp luật, các chế độ, chính sách đối với người lao động, có năng lực thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

 

 

 

TH

 

 

[Trở về]