LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Niềm vui từ chương trình nhà ở công vụ cho giáo viên. 

Trong thời gian qua, nhà công vụ cho giáo viên được Chính phủ hết sức quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế hiện nay, điều này dẫn đến nhiều nơi thuộc vùng sâu vùng xa, những địa phương kinh tế còn nhiều khó khăn như Quảng Bình thì giáo viên lại là người phải chịu nhiều thiệt thòi. Để khắc phục thực trạng này, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về nhà ở công vụ cho giáo viên ở những nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh. 


Khánh thành và bàn gai nhà công vụ cho giáo viên Trường THCS Lâm Trạch. Ảnh Xuân Hạnh

Từ năm học 2017 - 2018, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức khảo sát thực trạng nhà công vụ cho giáo viên, qua đó thấy điều kiện ăn ở, sinh hoạt của giáo viên còn khó khăn, thiếu thốn, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động dạy và học của nhà trường. Chính vì vậy, xây dựng nhà công vụ là yêu cầu mang tính cấp thiết và lâu dài giúp đội ngũ giáo viên gắn bó với những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Trong các năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019, Liên đoàn Lao động tỉnh đã trích từ nguồn quỹ hoạt động xã hội Công đoàn Quảng Bình và bằng nguồn vốn đối ứng của UBND các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa và Bố Trạch đã đầu tư xây dựng được 4 nhà nội trú, gồm 17 phòng ở, với tổng trị giá trên 3,2 tỷ đồng, giúp cho giáo viên ở những nơi địa bàn kinh tế còn nhiều khó khăn ở các huyện có nơi ăn chốn ở ổn định.

Bước vào thềm năm học mới 2018 - 2019, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tổ chức khánh thành và bàn giao đưa vào sử dụng ngôi nhà công vụ cho giáo viên trường THCS Lâm Trạch, huyện Bố Trạch, ngôi nhà gồm 4 phòng ở, tổng diện tích mỗi phòng gần 20m2, trước sự chứng kiến của các cấp, các ngành địa phương và hội đồng sư phạm nhà trường. Toàn trường hiện có có 23 giáo viên, trong đó nhu cầu về nhà ở 15 giáo viên, nhiều thầy cô có quảng đường xa nhất 70km, trước đây được nhà trường bố trí ở tạm trong các phòng học đã bị loại, không còn đảm bảo an toàn.

Tại buổi bàn giao, chúng tôi được chứng kiến niềm vui thể hiện rõ trên những gương mặt của những thầy giáo, cô giáo từ miền xuôi được bố trí giảng dạy tại trường, khi chưa có nơi ăn chốn ở ổn định. Cùng với nhà ở, một số trang thiết bị thiết yếu như giường, quạt… cũng được trang bị, giúp cho các thầy, cô giáo yên tâm công tác. 

Tại trường TH & THCS Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, những năm qua, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, đặc biệt là điều kiện về nơi ăn chốn ở của giáo viên. Trường TH & THCS Trường Thủy có 26 cán bô, giáo viên giảng dạy, trong đó nhu cầu ở nhà công vụ có 12 giáo viên nhưng trường vẫn chưa có hệ thống phòng kiên cố cho giáo viên ở, nhiều gia đình nhà giáo phải ở nhờ, ở tạm, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng lên lớp của mỗi giáo viên. Trước thực tế khó khăn này, đầu năm 2018, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã trích từ quỹ xã hội Công đoàn Quảng Bình 600 triệu đồng và nguồn vố đối ứng của UBND huyện Lệ Thủy 300 triệu đồng để đầu tư xây dựng một dãy nhà nội trú gồm 5 phòng ở. Tại buổi bàn giao, nhiều giáo viên đã xúc động trước những việc việc là đầy tính nhân văn của các cấp Công đoàn và chính quyền huyện Lệ Thủy.


Khánh thành và bàn gai nhà công vụ cho giáo viên Trường TH & THCS Trường Thủy. Ảnh Xuân Hạnh

Thầy giáo Lê Quý Thành - Hiệu trưởng nhà trường chia sẽ, trong thời gian qua, Trường TH & THCS Trường Thủy gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đặc biệt về điều kiện sinh hoạt, nơi ăn chốn ở  của giáo viên… Bước vào năm học này nhà trường rất phấn khởi khi được nhận bàn giao một ngôi nhà công vụ do LĐLĐ tỉnh và UBND huyện trao tặng, đây là niềm cổ vũ động viên rất lớn để nhà trường mà đặc biệt là giáo viên có thêm động lực yên tâm công tác và giảng dạy.

Có thể thấy, nhu cầu được dạy học ở nơi có điều kiện tốt là điều chính đáng của mỗi giáo viên. Lúc đó họ thêm yêu nghề, yêu mảnh đất nơi họ cống hiến. An cư lạc nghiệp có thể coi là giải pháp để giữ chân giáo viên gắn bó với giáo dục, góp phần vào sự phát triển toàn diện, hướng đến sự phát triển lâu dài, bền vững của nền giáo dục.

Những công trình được xây dựng chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu cho giáo viên. Tuy nhiên, để tiếp tục giải quyết những khó khăn tiếp theo về nhà ở cho giáo viên, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt Nhà nước có sự đầu tư nhiều hơn nữa để xây dựng cho nhà công vụ giáo viên, góp phần giúp cho người lao động trong ngành Giáo dục ở vùng sâu, vùng xa yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp trồng người. 

 Xuân Hạnh 

[Trở về]