Bản in     Gởi bài viết  
SỔ TAY VĂN HOÁ CÔNG NHÂN 
 Văn hóa ứng xử của công nhân trong công việc
 

1. Văn hóa ứng xử của công nhân khi bắt đầu một ngày làm việc

            Đi làm đúng giờ khẳng định tính chuyên nghiệp, hiện đại của người công nhân

                                         (Hình ảnh minh họa)            

            - Để đi làm đúng giờ người công nhân cần có kế hoạch sắp xếp công việc riêng hợp lý:

            - Chỉnh đồng hồ của bạn đúng giờ với đồng hồ được thông báo trên đài phát thanh và truyền hình Việt Nam.

            - Hoàn thành mọi công việc cá nhân trước thời gian đi làm.

            - Đi sớm ít nhất năm phút để nếu tắc đường hoặc vào giờ cao điểm thì bạn vẫn đến nơi làm việc đúng giờ.

            - Nếu bạn phải đến muộn đột xuất, hoặc nghỉ làm cần xin phép cán bộ quản lý.

            Lời chào nơi làm việc của người công nhân

                                           (Hình ảnh minh họa)   

            - Khi gặp lãnh đạo: nên chào trước để thể hiện sự kính trọng, lễ phép.

            - Khi gặp đồng nghiệp: nên chào hỏi lịch sự, đúng mực. Người ít tuổi nên chào người lớn tuổi trước.

            - Với khách đến thăm, khi lãnh đạo giới thiệu khách với mọi người:

            - Người công nhân vẫn tiếp tục làm việc nhưng nên có hành động biểu thị thay "lời chào" như: ngẩng lên nhìn khách và hơi cúi đầu chào, hoặc thống nhất một câu chào tập thể để biểu thị lòng hiếu khách và sự tôn trọng.

            - Khi khách đi thăm và dừng ở bộ phận nào thì người công nhân đang làm việc ở đó cũng nên có câu chào như "chào anh", "chào chị", hoặc "chào các anh, chị".

            Xưng hô trong công việc:

            - Đối với người có chức vụ nên xưng hô theo chức danh.

            - Đối với người lớn tuổi nên dùng đại từ nhân xưng: em, cháu, tôi…

            - Đối với người cùng trang lứa nên xưng hô bằng tên.

            2. Văn hóa ứng xử của công nhân trong giờ làm việc

            Thể hiện thái độ tích cực với công việc

                                                (Hình ảnh minh họa)   

            - Hạn chế rời chỗ làm trong khi đang làm việc.

            - Không nên biểu lộ vấn đề cá nhân: như buồn bã, khóc lóc, hoặc nói cười quá lớn khi đang làm việc.

            - Hiểu kỹ và sâu về công việc mình đang làm.

            - Hiểu được ý nghĩa công việc của mình trong mắt xích công việc chung của mọi người.

            - Thấy rõ kết quả công việc đòi hỏi như thế nào mới đạt yêu cầu.

            - Suy nghĩ tìm cách thực hiện công việc của mình tốt hơn.

            - Khi có sáng kiến nên tham khảo ý kiến của mọi người xung quanh. Báo cáo ý tưởng của mình với cấp trên quản lý trực tiếp.

            Cộng tác với đồng nghiệp để cùng hoàn thành công việc

                                               (Hình ảnh minh họa)   

            Bạn là một mắt xích trong "một cộng đồng thu nhỏ" ở nơi làm việc, nếu mỗi mắt xích hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nghĩa là guồng máy hoạt động sẽ đạt hiệu suất đáng kể.

            - Lắng nghe và tôn trọng ý kiến của đồng nghiệp để thống nhất cách làm việc đạt hiệu quả cao nhất.

            - Tránh cản trở người khác trong quá trình làm việc.

            - Ngoài công việc, không nên mang những việc về đời sống riêng tư cá nhân của đồng nghiệp ra làm đề tài để bình luận.

            - Góp ý thẳng thắn, chân thành nếu thấy đồng nghiệp làm sai hoặc chưa đúng trong công việc cũng như trong cuộc sống.

            Văn hóa ứng xử khi nảy sinh mâu thuẫn

            Trong công việc cũng như trong cuộc sống khó tránh khỏi những lúc có thể nảy sinh mâu thuẫn. Điều quan trọng là thái độ, hành vi của bạn để xử lý tình huống đó như thế nào cho có văn hóa:

            - Khi nảy sinh mâu thuẫn nên bình tĩnh tránh nóng nảy để tìm ra nguyên nhân gây mâu thuẫn.

            - Có thái độ tích cực, không nên biểu hiện thái quá, lôi kéo người khác theo nghĩa kéo bè kéo cánh về phía mình.

            - Tìm cách giải quyết mâu thuẫn một cách thấu tình đạt lý nhất cho hai bên.

            - Nếu không tự giải quyết mâu thuẫn bạn nên đề đạt nguyện vọng của mình với công đoàn bộ phận bằng lời hoặc văn bản.

            Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động luôn là tiêu chuẩn hàng đầu của người công nhân văn hóa

                                          (Hình ảnh minh họa)   

            - Nghiêm chỉnh chấp hành những quy định, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động. Không hút thuốc lá nơi làm việc để tránh gây cháy nổ.

            - Bảo quản và sử dụng đúng quy định đối với các phương tiện, thiết bị an toàn, vệ sinh lao động nơi làm việc.

            - Báo cáo kịp thời với những người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động.

            - Phối hợp cùng công đoàn bộ phận yêu cầu người sử dụng lao động bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.

           - Từ chối làm việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe của mình và đồng nghiệp.

            Mặc đồng phục bảo hộ lao động để khẳng định thương hiệu doanh nghiệp

                                             (Hình ảnh minh họa)   

           - Nếu nơi làm việc của bạn có đồng phục bảo hộ lao động thì nhất thiết phải mặc đúng quy định của công ty. Giữ đồng phục sạch sẽ và được là thẳng nếp.

            - Nếu nơi làm việc của bạn không có đồng phục bảo hộ lao động thì cần chú ý trong cách ăn mặc như sau:

            - Không mặc quần áo có màu sắc quá chói mắt sặc sỡ, kiểu cách may diêm dúa. Không nên đến nơi làm việc với bộ đồ bẩn thỉu, nhàu nát.

            - Không nên mặc quần áo quá chật, vải quá mỏng, quá ôm sát, vào người (nhất là đối với nữ giới) như: áo pull, quần jean, váy quá ngắn, áo không cổ hoặc cổ áo quá rộng… sẽ rất khó khăn khi di chuyển để làm việc.

            Sử dụng điện thoại trong giờ làm việc của người công nhân văn hóa

            - Ngày nay điện thoại di động đã trở thành phương tiện liên lạc phổ cập và tiện dụng đối với mỗi người. Nhưng sử dụng điện thoại một cách khoa học, hợp lý và có văn hóa thì không phải ai cũng biết và thực hiện được. Khi đang trong giờ làm việc, người công nhân nên:

            - Tắt điện thoại, hoặc để chế độ rung.

            - Khi có điện thoại gọi đến nên xin phép lãnh đạo ra ngoài để trả lời, hoặc trả lời nhanh, gọn, tiếng nói không quá lớn ảnh hưởng đến những người xung quanh.

            - Hạn chế sử dụng điện thoại không đúng mục đích. Nếu gặp đối tượng nói rông dài, hãy thông báo sắp cúp máy vì trong giờ làm việc.

            - Không sạc pin điện thoại tại chỗ làm sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an toàn khi đang vận hành máy móc.

            - Không đọc báo trực tuyến trên mạng bằng điện thoại, hoặc mất quá nhiều thời gian nhắn tin trong giờ làm việc.

            Thể hiện văn hóa ứng xử trong giờ giải lao, giờ ăn giữa ca

            Bếp ăn tập thể của người công nhân trong giờ giữa ca thường rất đông người. Vì vậy nét văn hóa đầu tiên cần được thể hiện là:

            - Kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt mình để lấy đồ ăn. Khi đến lượt mình, nhanh chóng lấy đủ đồ ăn, tránh lấy quá nhiều ăn không hết lãng phí, hoặc dừng quá lâu để suy nghĩ xem mình cần gì làm người tiếp theo mình phải chờ lâu.

            - Khi ăn tránh để phát ra tiếng nhai quá lớn, ăn miếng quá to làm rơi vãi cơm hoặc thức ăn ra ngoài. Nên ăn từ tốn từng miếng vừa phải, nhai khép miệng gọn gàng.

            - Không nên cười đùa quá lớn trong bữa ăn, hoặc nói về những điều mất vệ sinh làm ảnh hưởng đến cảm giác của người khác.

            - Trong bữa ăn nếu hắt xì hơi, cần lấy tay che miệng và quay đi chỗ khác để không bị ảnh hưởng vào đồ ăn.

            - Với những vấn đề cá nhân như ho, khạc nhổ… cần hết sức chú ý tránh xa đồ ăn, thức uống để đảm bảo vệ sinh.

 3. Kết thúc một ngày làm việc của người công nhân văn hóa

            Tiết kiệm, quý trọng mọi nguồn điện, nước của công ty như nhà mình

            - Sau khi rửa tay, khóa vòi nước cẩn thận.

            - Tắt nguồn điện khi không sử dụng.

            - Đặt các thiết bị an toàn đúng nơi quy định trước khi ra về.

            - Dọn dẹp góc làm việc gọn gàng, chu đáo, ngăn nắp, đảm bảo vệ sinh an toàn lao động và thẩm mỹ chung.

            Thể hiện là người công nhân có văn hóa khi ở nhà xe hoặc nơi chờ xe của công ty đón

            - Kiên nhẫn chờ xếp hàng đến lượt mình lấy xe hoặc lên xe.

            - Cẩn thận khi lấy xe tránh làm đổ hoặc làm xước xe của người bên cạnh

            - Nên tắt máy, dắt xe khi ra khỏi cổng nơi làm việc

            - Nếu là đi xe chung của công ty, nên nhường chỗ ngồi tốt cho phụ nữ mang thai, người lớn tuổi hoặc những trường hợp đặc biệt.

                                                                        TTTVPL CÔNG ĐOÀN QUẢNG BÌNH

[Trở về]