LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Tài liệu tập huấn về công tác nữ công 
 
CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG NỮ CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
Phụ nữ Việt Nam có vị trí, vai trò to lớn trong gia đình Việt Nam và trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước; đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động (gọi tắt là lao động nữ) là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn; chiếm trên 50% tổng dân số cả nước, là lực lượng lao động xã hội đông đảo, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đổi mới và phát triền kinh tế- xã hội của đất nước.
Lao động nữ cùng với lực lượng lao động cả nước đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, góp phần vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với sự phát triền của kinh tế-xã hội, đội ngũ lao động nữ ngày càng được nâng cao chất lượng và bình đẳng trong xã hội.
I. TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN ĐỐI VỚI CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG LAO ĐỘNG NỮ
1. Những quy định mang tính pháp lý
- Điều 10 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Luật Công đoàn năm 2012.
- Nghị quyết số 152/NQ-TW ngày 10-1-1967 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa III quy định: Đảng Đoàn Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) chịu trách nhiệm chính đối với công tác vận động công nhân, viên chức, lao động nữ.
 - Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
 - Nghị quyết số 20-NQ-TW ngày 28-01-2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
 - Nghị quyết số 6b/NQ-TLĐ ngày 29-1-2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X về “Công tác vận động công nhân, viên chức, lao động nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
 - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành nhiều Nghị quyết liên tịch quy định rõ nguyên tắc, trách nhiệm, nội dung phối hợp về tổ chức các hoạt động trong công nhân, viên chức, lao động, trong đó có giới nữ. Về mặt tổ chức, Nghị quyết số 25NQ/LT ngày 14-9-1995, Nghị quyết số 17-NQ/LT ngày 11-7-2003 của Đảng Đoàn Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam và Đảng Đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xác định: “Trong các cơ quan và xí nghiệp không tổ chức Chi hội Liên hiệp Phụ nữ mà toàn thể nữ đoàn viên công đoàn gia nhập Hội với tính chất là bộ phận thành viên của Hội”.
2. Công đoàn Việt Nam đối với công tác vận động lao động nữ
Kể từ khi thành lập đến nay, Công đoàn Việt Nam luôn coi công tác nữ công là một nội dung quan trọng, không thể tách rời các mặt hoạt động của tổ chức công đoàn, với trách nhiệm chủ yếu sau:
- Công đoàn có trách nhiệm nâng cao trình độ mọi mặt cho lao động nữ, nhằm tạo điều kiện để chị em phát huy vị trí, vai trò, năng lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.
- Xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng đòi hỏi thực tế của công nhân, viên chức, lao động nữ, công đoàn luôn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nữ công.
- Ban nữ công các cấp là ban tham mưu cho ban chấp hành công đoàn, là tổ chức của giới nữ trong tổ chức công đoàn, thực hiện quyền đại diện cho lao động nữ trong việc tham gia với công đoàn và chính quyền cùng cấp bàn bạc, giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ và trẻ em.
II. CÔNG TÁC TỔ CHỨC CÁN BỘ CỦA BAN NỮ CÔNG CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
1. Công tác tổ chức Ban nữ công
a)Các công đoàn cơ sở có từ 10 nữ đoàn viên trở lên, thành lập Ban nữ công công đoàn cơ sở. Ban nữ công, do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định thành lập và chỉ định các thành viên.
b) Số lượng ủy viên Ban nữ công đoàn cơ sở không quá 7 người. Những cơ sở có dưới 10 nữ đoàn viên thì không thành lập Ban nữ công mà phân công một đồng chí trong ban chấp hành phụ trách công tác nữ công.
- Ban nữ công công đoàn cơ sở do ban chấp hành công đoàn cơ sở trực tiếp chỉ đạo.
- Các ủy viên Ban nữ công công đoàn cơ sở chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm.
Ban nữ công công đoàn cơ sở gồm: 1 trưởng ban, 1 hoặc 2 phó ban (tùy thuộc số lượng tổ, nhóm nữ công, tính chất phân tán). Trưởng ban nữ công là ủy viên thường vụ hoặc ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở; những cơ sở có tỷ lệ nữ cao thì nhất thiết phải có cán bộ công đoàn chủ chốt là nữ.
- Các công đoàn bộ phận có nhiều lao động nữ (từ 10 người trở lên) thì thành lập tiểu ban nữ công công đoàn bộ phận. Những công đoàn bộ phận lớn, phân tán hoặc tập trung đông nữ thì số lượng tiểu ban nữ công có thể từ 3 đến 5 người. Trưởng tiểu ban nữ công đoàn bộ phận là (nữ) ủy viên ban chấp hành công đoàn bộ phận.
- Tổ, nhóm nữ công đoàn thành lập ở tổ công đoàn, có từ 3 nữ đoàn viên trở lên (trường hợp số lượng ít hơn có thể thành lập tổ nữ công sinh hoạt ghép).
- Nhiệm kỳ: Theo nhiệm kỳ của ban chấp hành công đoàn cùng cấp.
2. Tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ nữ công
- Cán bộ nữ công cần phải bảo đảm tiểu chuẩn cơ bản sau:
- Có nhiệt tình, năng lực và phẩm chất tốt, có tinh thần gương mẫu.
- Có kinh nghiệm tổ chức, vận động quần chúng, được lao động nữ tín nhiệm.
- Hiểu biết nhất định về pháp luật lao động nữ nói chung, chính sách pháp luật liên quan đến lao động nữ nói riêng.
- Quan tâm đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, thiết tha với sự nghiệp bình đẳng giới, có trách nhiệm, bản lĩnh, dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi, lợi ích của công nhân, viên chức, lao động, có ý chí phấn đấu vươn lên.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ của Ban nữ công của công đoàn cơ sở
 a) Nhiệm vụ của Ban nữ công công đoàn cơ sở

          - Chịu trách nhiệm trước ban thường vụ, ban chấp hành công đoàn cơ sở về hoạt động của Ban nữ công.

- Phân công các ủy viên Ban nữ công phụ trách từng mảng công việc theo chương trình, kế hoạch công tác cả nhiệm kỳ, của năm công tác đã được ban chấp hành công đoàn cơ sở thông qua.
- Nghiên cứu, xây dựng nội dung, chương trình hoạt động cụ thể và tổ chức triển khai các nội dung hoạt động đã được duyệt tới từng tổ, nhóm nữ công.
- Theo dõi, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, quy định đối với công nhân, viên chức, lao động nữ.
- Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ để phản ánh, đề xuất, kiến nghị với ban chấp hành công đoàn và chuyên môn cùng cấp.
- Trực tiếp tổ chức các hoạt động mang tính đặc thù về giới trong sinh hoạt công đoàn; hướng dẫn, động viên lao động nữ tham gia hoạt động theo đúng chức năng và nhiệm vụ của Ban nữ công. Tổng hợp và gửi báo cáo kết quả hoạt động công tác nữ công theo đúng yêu cầu của công đoàn cơ sở và Ban nữ công cấp trên.
- Tổ chức sơ, tổng kết và đề nghị khen thưởng những cá nhân và tập thể nữ hoạt động tốt.
 b) Quyền hạn của Ban nữ công công đoàn cơ sở

          - Đại diện lao động nữ  tham gia các hội đồng tư vấn ở cơ sở liên quan đến lao động nữ và trẻ em.

- Được dự các buổi họp do Ban nữ công cấp trên triệu tập.
- Được thay mặt công đoàn cơ sở làm việc với các phòng ban chức năng để tham gia, giải quyết những vấn đề liên quan đến lao động nữ và trẻ em.
- Được đại diện cho lao động nữ ở cơ sở tham gia, đề xuất kiến nghị với người sử dụng lao động, với công đoàn cơ sở những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của lao động nữ.
 c) Mối quan hệ của Ban nữ công công đoàn cơ sở

          - Ban nữ công công đoàn cơ sở là ban tham mưu giúp việc cho ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn cơ sở về công tác vận động nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động; ban thường vụ và ban chấp hành công đoàn cơ sở trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban nữ công công đoàn cơ sở.

- Ban nữ công công đoàn cơ sở có mối quan hệ bình đẳng, phối hợp với các ban khác của công đoàn cơ sở, nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động của Ban nữ công công đoàn cơ sở.
- Ban nữ công công đoàn cơ sở có trách nhiệm thông tin báo cáo và chịu sự giám sát, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ của ban nữ công công đoàn cấp trên và của ban chấp hành công đoàn cơ sở.
III. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP VẬN ĐỘNG LAO ĐỘNG NỮ CỦA BAN NỮ CÔNG CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
1. Nội dung công tác vận động công nhân, viên chức, lao động nữ của công đoàn cơ sở
Nội dung công tác vận động công nhân, viên chức, lao động nữ phải gắn với chức năng, nhiệm vụ của công đoàn cơ sở, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm, điều kiện của đơn vị/doanh nghiệp và xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của lao động nữ.
Trong giai đoạn hiện nay, công tác nữ công của công đoàn cơ sở cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
 a)Tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực cho công nhân, viên chức, lao động nữ về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, công tác bình đẳng giới

          - Giáo dục truyền thống, phẩm chất phụ nữ Việt Nam, vận động nữ cán bộ công đoàn, lao động nữ rèn luyện theo tiêu chí của phụ nữ Việt Nam thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

- Giáo dục kiến thức văn hóa ứng xử gia đình và xã hội, về tình bạn, tình yêu. Tuyên truyền vận động phấn đấu xây dựng đơn vị/doanh nghiệp, gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa …
- Thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
- Động viên gia đình cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động nuôi dạy con ngoan, học giỏi.
- Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế đơn vị/doanh nghiệp cho lao động nữ (trọng tâm là những vấn đề liên quan trực tiếp tới lao động nữ và trẻ em).
- Động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, viên chức, lao động nữ học tập và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
 b) Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, viên chức, lao động nữ

          - Hướng dẫn, giúp đỡ nữ công nhân, lao động ký giao kết hợp đồng lao động theo đúng quy định; đại diện cho nữ công nhân, lao động tham gia xây dựng thỏa ước lao động tập thể.

- Giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, những quy định liên quan đến lao động nữ và trẻ em (như: chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền lương, tiền công, làm thêm giờ, các chính sách thai sản…).
- Tham mưu công tác nhà trẻ, mẫu giáo: Đề xuất, kiến nghị trực tiếp tham gia tổ chức, quản lý tốt nhà trẻ, mẫu giáo trong đơn vị/doanh nghiệp (nếu có) để giúp lao động nữ có con nhỏ giảm bớt khó khăn, yên tâm làm việc.
- Phối hợp với y tế cơ quan có kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người lao động. Quan tâm đến những chị em tích cực trong công tác, lao động sản xuất mà sức khỏe giảm sút.
- Đề xuất đối tượng nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để sử dụng, đề bạt vào các vị trí quản lý tương xứng.
- Đề xuất và tham gia với công đoàn, chuyên môn có những giải pháp tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ.
- Tổ chức và vận động lao động nữ tham gia các hoạt động xã hội liên quan tới giới nữ trong đơn vị/ doanh nghiệp và ngoài xã hội; các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tương thân tương ái, xây dựng các quỹ xã hội, nhân đạo, quỹ đền ơn đáp nghĩa…
c) Ban nữ công công đoàn cơ sở có trách nhiệm: Thường xuyên phát hiện những bất hợp lý về chính sách, pháp luật, tập hợp những ý kiến, nguyện vọng của lao động nữ để tham gia xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, các nội quy, quy chế có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của lao động nữ.
d) Tổ chức và vận động lao động nữ tích cực tham gia các phong trào thi đua giới nữ,  ví dụ như: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” kết hợp với phong trào thi đua “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”, các phong trào thi đua chung của tổ chức công đoàn và xã hội như: Phong trào xanh- sạch- đẹp, bảo vệ môi trường, phong trào chống tệ nạn xã hội; phong trào chống AIDS…
Thực hiện quyền đại diện cho lao động nữ để tham gia xây dựng các chỉ tiêu thi đua, tiêu chuẩn bình xét thi đua khen thưởng gắn với đặc điểm điều kiện của lao động nữ ở cơ quan, đơn vị/doanh nghiệp. Tổ chức sơ, tổng kết, động viên kịp thời phong trào thi đua trong lao động nữ.
2. Công tác cán bộ nữ
a) Tham mưu cho công đoàn cơ sở tuyên truyền, phổ biến và quán triệt tinh thần các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của Tổng Liên đoàn và công tác cán bộ nữ trong toàn thể cán bộ đoàn viên và người lao động.
b) Tham gia với cấp ủy Đảng (nơi có tổ chức cơ sở Đảng) trong công tác quy hoạch cán bộ, xây dựng chương trình đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ.
- Lựa chọn để giới thiệu những lao động nữ đủ năng lực, tiêu chuẩn tham gia bộ máy lãnh đạo các cấp.
- Đề xuất, kiến nghị với chính quyền các cấp có những cơ chế tạo điều kiện khuyến khích tài năng sáng tạo nữ.
- Động viên lao động nữ tự tin, chủ động khắc phục khó khăn để phấn đấu không ngừng học tập nâng cao trình độ mọi mặt, vươn lên lao động giỏi, lao động sáng tạo với chất lượng hiệu quả cao trong công tác.
3. Củng cố kiện toàn tổ chức, cán bộ Ban nữ công và các tổ, nhóm nữ công của công đoàn cơ sở
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ nữ công công đoàn cơ sở.
- Đề xuất chính sách, quy chế tạo điều kiện để cán bộ nữ công hoạt động.
- Hướng dẫn, tạo điều kiện để cán bộ nữ phát triển, kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở thường xuyên hoạt động của Ban nữ công, tổ, nhóm nữ công.
4. Phương pháp, hình thức hoạt động của Ban nữ công công đoàn cơ sở
 a) Ban nữ công công đoàn cơ sở cần chú trọng, sử dụng phương pháp hoạt động chủ yếu sau

           - Thường xuyên cũng cố, kiện toàn tổ chức Ban nữ công cơ sở, tổ, nhóm nữ công. Nâng cao kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng tổ chức hoạt động tổ nhóm, kỹ năng xây dựng chương trình công tác nữ công cơ sở…

- Tạo cơ chế phối hợp đồng thuận với bộ phận liên quan trong cơ quan, đơn vị/doanh nghiệp.
- Chú trọng công tác vận động, thuyết phục công nhân, viên chức, lao động nữ.
- Tổ chức mạng lưới hoạt động nữ công và chỉ đạo các mạng lưới trong Ban nữ công hoạt động.
- Hướng hoạt động của Ban nữ công công đoàn cơ sở vào đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng thiết thực, chính đáng của nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động.
- Ban nữ công công đoàn cơ sở phải xây dựng chương trình kế hoạch và duy trì sinh hoạt thường xuyên, đều đặn.
- Cán bộ nữ công phải sâu, sát lao động nữ, tạo được hạt nhân nòng cốt để nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, thuận lợi của lao động nữ để tham mưu, đề xuất giải pháp kịp thời.
- Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của Ban nữ công cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và tạo sức hấp dẫn, thu hút nhiều lao động nữ tự nguyện tham gia.
- Coi trọng công tác công đoàn trong tham gia chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, vận động giúp nhau trong chuyên môn nghề nghiệp và trong cuộc sống.
- Ban nữ công cần thường xuyên quan tâm đến công tác tham mưu cho công đoàn tổ chức sơ, tổng kết, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích, rút ra kinh nghiệm kịp thời những tồn tại, hạn chế, phổ biến nhân rộng các điển hình tiên tiến.
 b) Các hình thức hoạt động Ban nữ công công đoàn cơ sở

          - Hình thức sinh hoạt định kỳ.

- Tổ chức các hoạt động mang tính giới nữ nhân dịp những ngày kỷ niệm của giới nữ trong năm như: Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10
- Tổ chức tọa đàm, hội thảo hoặc nghe nói chuyện các chuyên đề.
- Tổ chức tham quan du lịch, trao đổi kinh nghiệm.
- Tổ chức các câu lạc bộ sở thích, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
5. Nội dung, hình thức sinh hoạt tổ, nhóm nữ công
Tổ, nhóm nữ công là nền tảng cơ sở, nơi diễn ra các hoạt động cụ thể, quyết định hiệu quả hoạt động của Ban nữ công công đoàn cơ sở. Vì vậy, hoạt động của tổ, nhóm nữ công cần quan tâm đến nội dung và hình thức sau:
 a) Nội dung sinh hoạt

          - Trao đổi những kinh nghiệm, biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, sản xuất-kinh doanh của cơ quan, đơn vị/doanh nghiệp.

- Nắm bắt, tập hợp tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc của lao động nữ để phản ánh, đề xuất với cấp có thẩm quyền giải quyết. Giúp đỡ, hỗ trợ chị em từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong công tác sản xuất và công việc của gia đình.
- Tìm hiểu và đề xuất hình thức thiết thực để giúp đỡ đối tượng lao động nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tạo sự gắn kết bền vững, cộng đồng trách nhiệm trong tổ, nhóm nữ công.
- Kịp thời phổ biến, cập nhật những chế độ chính sách mới có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của lao động nữ.
- Tọa đàm, trao đổi kiến thức về nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe, giữ gìn hạnh phúc gia đình, phòng chống các tệ nạn xã hội… Tổ chức các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
 b) Hình thức sinh hoạt

          - Tùy theo nội dung hoạt động cụ thể, mà tổ trưởng, nhóm trưởng nữ công quyết định hình thức sinh hoạt riêng tổ, nhóm nữ công hay sinh hoạt chung với tổ chuyên môn, tổ công đoàn.

- Nội dung sinh hoạt liên quan đến sản xuất, công tác thì nên lồng ghép sinh hoạt với tổ chức chuyên môn; nếu liên quan đến chế độ, chính sách lao động nữ thì nên sinh hoạt ghép với tổ công đoàn; nếu nội dung sinh hoạt về giới thì tổ chức sinh hoạt riêng.
- Cách thức sinh hoạt tổ, nhóm nữ công, thường sử dụng hình thức hỏi đáp, trao đổi là chính; nội dung cần đi thẳng vào những vấn đề cụ thể mà chị em đang quan tâm. Trường hợp tổ, nhóm nữ công không giải quyết được, phải ghi chép đầy đủ phản ánh lên Ban nữ công công đoàn cơ sở giải quyết và trực tiếp trả lời trong buổi sinh hoạt gần nhất.
- Thời lượng sinh hoạt tổ, nhóm nữ công phải cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và gắn trực tiếp với nhiệm vụ công tác, sản xuất-kinh doanh, cuộc sống hàng ngày của lao động nữ.
- Nếu có điều kiện, nên xây dựng lịch sinh hoạt cụ thể khả thi và duy trì đều đặn, tạo nền nếp trong tổ chức sinh hoạt nữ công./.
Ban Tuyên Giáo và Nữ công LĐLĐ tỉnh