LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh 

           Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) luôn có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người dân, mỗi gia đình, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.

Thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh ta luôn được quan tâm thực hiện với những mục tiêu cụ thể là kiểm soát quy mô dân số ở mức hợp lý bằng việc thực hiện công tác giảm sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên nhằm nâng cao chất lượng dân số góp phần đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đưa mục tiêu, chính sách DS-KHHGĐ vào hương ước, quy ước, quy chế xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” và bình xét danh hiệu thi đua của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, làng, tiểu khu, gia đình văn hóa hàng năm.

Công tác DS-KHHGĐ những năm qua, đặc biệt là năm 2015 của tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng số trẻ sinh ra trong toàn tỉnh là 13.649 cháu, giảm  128 cháu so với cùng kỳ năm 2014. Tỷ suất sinh 15,64%o, giảm 0,23%o so với cùng kỳ. Số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 2.116 cháu, chiếm tỷ lệ 15,50%, giảm 0,66% so với cùng kỳ. Công tác truyền thông giáo dục được đổi mới không chỉ về nội dung mà còn chú trọng về hình thức, phương pháp, bằng nhiều loại hình, mô hình phù hợp với tâm lý, phong tục tập quán của từng đối tượng, vùng miền. Các ban, ngành, đoàn thể (trong đó có tổ chức công đoàn) của tỉnh đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tư vấn cho đoàn viên, hội viên trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, thực hiện quy mô gia đình nhỏ “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”...

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, các vấn đề về DS-KHHGĐ vẫn đang là thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta. Cho đến nay, Quảng Bình vẫn nằm trong 28/63 tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế. Mức sinh còn cao, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm và chưa thật sự vững chắc, đồng đều giữa các vùng, miền. Số con bình quân của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có xu hướng tăng trở lại. Vẫn còn tình trạng một số cán bộ, đảng viên, CNVCLĐ vi phạm chính sách DS- KHHGĐ làm ảnh hưởng đến phong trào. Tâm lý của nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình có điều kiện muốn sinh bằng được con trai, muốn gia đình có đủ con trai, con gái, hay tâm lý thích đông con, đã đưa tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng cao... gây nên những hệ lụy đáng lo ngại như mất cân bằng giới tính khi sinh, gia tăng dân số tự nhiên, ảnh hưởng đến quy mô, chất lượng dân số và gây ra những hệ lụy, khó khăn, thách thức đối với công tác Dân số.

         Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính trong đó nguyên nhân sâu xa và gần như mang tính quyết định dẫn tới tình trạng mất cân bằng GTKS, đó là sự tồn tại dai dẳng của định kiến giới hay tư trưởng trọng nam khinh nữ có từ xa xưa của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ đã dẫn đến tâm lý mong muốn có con trai để nối dõi tông đường. Chính vì muốn có con trai nên nhiều phụ nữ, nhất là con dâu trưởng hay con dâu duy nhất trong gia đình sau khi đã sinh con gái phải chịu sức ép sinh thêm con trai từ phía gia đình nhà chồng...Ngoài nguyên nhân trên thì sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng tỷ số GTKS. Hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng hoàn thiện đã mang đến chất lượng chăm sóc súc khỏe ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng các kỹ thuật siêu âm, nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng tỷ số GTKS...

          Sự mất cân bằng GTKS sẽ gây ra những khó khăn, thách thức lâu dài đối với công tác Dân số, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng đến gia đình và cộng đồng. Trước thực trạng đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền được coi là giải pháp quan trọng, hiệu quả nhằm cải thiện tình hình này. Ðể đảm bảo sự phát triển bền vững theo quy luật tự nhiên giảm thiểu mất cân bằng GTKS cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

            Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền đối với công tác Dân số-KHHGÐ; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 2, điều 7 của Pháp lệnh Dân số về việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; cần có biện pháp, quy định nghiêm và chặt chẽ hơn nữa trong việc công bố giới tính thai nhi tại các bệnh viện cũng như phòng khám tư nhân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sinh đẻ theo quy định của nhà nước, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cố tình sinh con thứ ba trở lên.

            Thứ hai, tích cực tuyên truyền, vận động để người dân tự giác chấp nhận quy mô gia đình nhỏ “dù gái hay trai chỉ hai là đủ”;  Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Dân số, các điều, khoản nghiêm cấm thông báo giới tính thai nhi tại Nghị định số 176/2013/NÐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-BYT ngày 15/03/2016 của Bộ Y tế về việc tăng cường giải quyết tình trạng mất cân bằng GTKS… ở các địa phương, đơn vị, xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, đặc biệt ở những vùng có tỷ lệ chênh lệch GTKS cao.

           Thứ ba, tăng cường, đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin về giới và mất cân bằng GTKS cho người dân, trước hết là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con một bề, những địa phương, đơn vị có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao, những người cung cấp dịch vụ siêu âm, dịch vụ nạo phá thai, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về giới, hậu quả mất cân bằng GTKS, hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên của con người; Thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội. Thực hiện triệt để quyền bình đẳng giới, nâng cao vị thế và quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội.

Kim Cúc

 

 

[Trở về]