Bản in     Gởi bài viết  
Thầy giáo say mê nghiên cứu khoa học 

Không những tận tụy trong công việc giảng dạy, thầy giáo trẻ Cao Hùng Thọ, giáo viên dạy môn Hóa học, Trường THCS Tân Hóa (Minh Hóa) còn là người truyền cảm hứng, đam mê sáng tạo khoa học cho học sinh. Trong 2 năm gần đây, thầy đã có những công trình khoa học giúp học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi Quốc gia. Những công trình này còn góp phần giúp cho chất lượng nông sản của người nông dân được nâng cao. 


Thầy giáo Thọ cùng hai học sinh tham gia cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức

Thầy giáo Cao Hùng Thọ bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm học 2015 - 2016. Khi đang công tác tại Trường THCS thị trấn Quy Đạt, thầy đã hướng dẫn cho hai học sinh tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh THCS với đề tài “Sản phẩm sấy mật ong bằng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình”. Đề tài này đã mang về cho thầy và hai em học sinh của trường đạt giải nhất cấp huyện, giải nhất cấp tỉnh và đạt giải khuyến khích cấp Quốc gia.

Thầy Thọ tâm sự: “Đề tài này nhằm giúp đỡ nhiều hộ nuôi ong lấy mật ở địa phương. Bởi mật ong của người người dân khai thác xong để lâu thường có vị chua, thối hoặc lên men do lượng nước trong mật vượt mức cho phép (trên 20%). Để giải quyết vấn đề này, người dân phải mang mật ra phơi nắng hoặc cho vào nồi đun lên bếp. Cách làm này mất rất nhiều thời gian, lại giảm chất lượng mật. Trong khi đó, một máy tách thủy từ mật ong có giá vài trăm triệu đồng nên người nuôi ong không thể mua được”.

Sản phẩm gồm: một thùng xốp được cắt chéo, sau đó đặt 1 tấm tôn sơn đen vào để tăng khả năng hấp thu bức xạ nhiệt; phía trên đậy kín bằng 1 tấm kính trong; phía dưới lắp 1 quạt nhỏ để thổi luồng không khí nóng hấp thu sang thùng sấy mật ong.

Thùng sấy mật được lắp thêm 1 quạt thổi. Đối diện thùng có đục những lỗ thông hơi để đẩy hơi nước ra ngoài. Mô đun cảm biến nhiệt có tác dụng thông báo nhiệt độ bên trong thùng sấy và điều khiển quạt gió thổi cho phù hợp. Khi có ánh sáng mặt trời chiếu vào hộp thu, tấm tôn đen hấp thụ nhiệt mạnh và nóng lên, quạt ở gần dưới đáy hộp sẽ thổi khí nóng đi từ dưới lên trên và theo nhựa đi sang hộp sấy làm bay hơi nước trong mật ong.

Bình thường ở nhiệt độ thấp, chỉ 1 quạt ở hộp hấp thu nhiệt chạy. Khi nhiệt độ ở hộp sấy vượt quá nhiệt độ cho phép (khoảng 39°C), quạt thứ 2 sẽ được cảm biến nhiệt điều khiển chạy để tăng tốc quá trình sấy cũng như hạ bớt nhiệt độ trong thùng sấy xuống, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng mật ong. Khi nhiệt độ bên ngoài môi trường là 25oc thì nhiệt độ ở trong thùng sấy đạt từ  39 -  43°C.

Tấm tôn sơn đen ở thùng sấy vừa có tác dụng hấp thu bức xạ nhiệt, vừa ngăn không cho các tia tử ngoại có hại chiếu trực tiếp vào mật làm thay đổi màu sắc của mật. Với cách làm đơn giản, hiệu quả, sản phẩm này đã tách thành công lượng nước trong mật từ trên 20% xuống dưới 19%. Khoảng 4 giờ đồng hồ, sản phẩm có thể tách được khoảng 20 lít mật, đạt mức độ cho phép về hàm lượng nước trong mật ong xuất khẩu.

Năm học 2016 - 2017, thầy giáo Cao Hùng Thọ được phân công về Trường THCS Tân Hóa công tác. Tại đây, thầy tiếp tục hướng dẫn hai em học sinh lớp 9 nghiên cứu công trình “Thiết bị lên men tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình”.

Thiết bị gồm có: một hình hộp chữ nhật có chiều dài khoảng 1m, cao khoảng 0,7m, rộng khoảng 0,5m. Bên trên đậy một lớp kính trong suốt, bên dưới lớp kính là tấm tôn phẳng sơn màu đen. Các mặt phía trong được làm bằng xốp cách nhiệt, có thêm chậu nước phía dưới để tạo ẩm. Trong hộp được treo các bóng đèn để tạo nhiệt độ khi tỏi lên men. Tỏi trắng khi lên men từ 35 - 50 ngày trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm chính xác thì sẽ biến thành tỏi đen.

Sau khi chuyển qua màu đen, tỏi có vị chua ngọt, mùi thơm, giá trị về dinh dưỡng của củ tỏi tăng gấp nhiều lần. Thiết bị có thể lên men tối đa mỗi lần được khoảng 15 kg tỏi tươi. Đặc biệt, tỏi đen đặt trong thiết bị lên men nhưng bị mất điện vào buổi đêm vẫn giữ được nhiệt độ liên tục, cho kết quả thành công 100%.

Thầy giáo Cao Hùng Thọ kể: “Sau khi sản phẩm tỏi đen được lên men, tôi đã gửi mẫu tới các cơ sở kiểm nghiệm có uy tín để kiểm tra các chỉ tiêu về mặt hóa học và vi sinh đều cho kết quả đạt yêu cầu”. Hiện mỗi cân tỏi đen có giá bán trên thị trường khoảng 1 triệu đồng. Nếu mô hình được nhân rộng sẽ phù hợp cho các hộ trồng tỏi ở những vùng quê nghèo.

Với thiết bị lên men tỏi đen bằng năng lượng mặt trời, công trình nghiên cứu của thầy Thọ và hai em học sinh đã đạt giải nhất cấp huyện, giải nhất cấp tỉnh và giải 3 toàn quốc trong cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh THCS được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ vào tháng 3/2017.

Với những kết quả trong nghiên cứu khoa học lẫn trong công tác giảng dạy, thầy Cao Hùng Thọ đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của cấp trên trao tặng. Mới đây, thầy là một trong hai đoàn viên công đoàn xuất sắc nhất toàn huyện Minh Hóa được Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình biểu dương gương điển hình tiêu biểu trong phong trào “Đoàn viên, người lao động Quảng Bình thi đua làm theo lời Bác”.

Sưu tầm: Minh Toàn 

[Trở về]