LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Tiếp tục đẩy mạnh công tác Bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước 

Giải phóng phụ nữ và tạo điều kiện cho phụ nữ  phát triển toàn diện là một trong những mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam. Trong suốt quá trình cách mạng,  Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện trong các Nghị quyết Đại hội Đảng, các Nghị quyết và Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy được năng lực của mình đóng góp cho đất nước. Vị thế của người phụ nữ trong xã hội cũng như trong gia đình đã và đang được nâng cao.

 

Những năm qua, cùng với sự chuyển đổi của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tuy có sự biến động, chuyển dịch cơ cấu lao động nhưng lực lượng lao động nữ vẫn có xu hướng gia tăng. Hiện nay tỷ lệ số lao động nữ toàn tỉnh có 28.697/51.482 người chiếm 55,78% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động (CNVCLĐ) toàn tỉnh. Chất lượng nữ CNVCLĐ ngày được nâng lên, có ý thức tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo; số nữ CNVCLĐ trẻ tuổi tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ mới. Hầu hết các chị đã  phát huy được truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn tận tuỵ, nhiệt tình, trách nhiệm trong học tập, lao động và công tác, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực công tác: Chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Vì vậy đã góp phần quan trọng vào phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn, vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an  ninh của địa phương, ngành, đơn vị.

Tuy nhiên, mặc dù bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ có nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng trên thực tế khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại: Lao động nữ vẫn còn nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, về cơ hội được đào tạo, đào tạo lại, cơ hội thăng tiến; vẫn còn định kiến giới, phân biệt đối xử với lao động nữ trong tuyển dụng, khi bố trí sắp xếp nhân sự; trong lĩnh vực lao động, việc làm, lao động nữ hiện vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới. Nhiều doanh nghiệp việc làm của lao động nữ không ổn định, điều kiện lao động, thu nhập tiền lương không đảm bảo, nhất là chị em làm việc ở ngành nghề nặng nhọc, độc hại, vùng sâu, vùng xa. Các chế độ chính sách, mục tiêu quốc gia của Nhà nước đã ban hành vì sự tiến bộ của phụ nữ có lúc, có nơi chưa triển khai đồng bộ; một số cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể chưa thực sự quan tâm đến cán bộ nữ. Công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa thực sự được quan tâm đúng mức, việc đề bạt cán bộ nữ ở các cấp còn nhiều bất cập, tỷ lệ nữ tham gia vào cấp uỷ, chính quyền, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành còn thấp so với tỷ lệ lao động nữ và so với nam giới ở các cương vị lãnh đạo. Trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, trình độ quản lý, trình độ chính trị... của phụ nữ nhìn chung còn thấp so với nam giới, vẫn còn bộ phận chị em thiếu ý thức vươn lên, còn biểu hiện tư tưởng hẹp hòi, định kiến, níu kéo nhau. Tư tưởng trọng nam hơn nữ còn khá phổ biến, tình trạng bạo lực gia đình ngày một gia tăng; gánh nặng gia đình cũng làm cản trở sự tiến bộ của phụ nữ...

Để phát huy vai trò tiềm năng to lớn của phụ nữ nói chung, nữ CNVCLĐ  nói riêng trong sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nâng cao vị thế của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, trong thời gian tới các cấp công đoàn cần tập trung một số nhiệm vụ công tác sau:

Một là: Nâng cao trình độ, năng lực, nhận thức về giới, bình đẳng giới, về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho nữ CNVCLĐ, tạo sự đổi mới trong công tác nữ công, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hai là: Xây dựng, triển khai, thực hiện kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2016-2020 trong hệ thống công đoàn cấp mình, đưa vào nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; khắc phục tư tưởng tư ti, an phận, níu kéo nhau của một bộ phận chị em, nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, vượt khó vươn lên để không ngừng tiến bộ, đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình và xã hội.

Ba là: Tham gia với các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền và người sử dụng lao động trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách đối với lao động nữ cho phù hợp với ngành nghề, đối tượng, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho lao động nữ; kiểm tra giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động nữ, trong đó quan tâm việc thực hiện Bộ luật Lao động (năm 2012), Luật BHXH (năm 2014), các chế độ chính sách có liên quan đến lao động nữ ở các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị nhằm hạn chế những vi phạm trong việc sử dụng lao động nữ.

Bốn là: Phối hợp với cơ quan Y tế thực hiện tốt công tác chăm lo sức khoẻ, khám phụ khoa cho lao động nữ, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Dân số- KHHGĐ cho lao động nữ.

Năm là: Đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ gắn với các phong trào thi đua khác do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, động viên khích lệ lực lượng lao động nữ thi đua nâng cao năng xuất lao động, hiệu quả công tác, góp phần vào việc hoàn thiện chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam  trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Phong trào phải thực sự tạo ra môi trường để chị em rèn luyện và phấn đấu.

Sáu là: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN); củng cố, kiện toàn Ban VSTBCPN trong hệ thống tổ chức công đoàn. Tham mưu cho cấp uỷ việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ nữ. Phát hiện bồi dưỡng tài năng trong nữ CNVCLĐ. Giới thiệu những cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện đưa vào nguồn quy hoạch, đề bạt tham gia bộ máy lãnh đạo các cấp.

Bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ là một yêu cầu khách quan của sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và thực hiện lời dạy của Chủ Tịch Hồ Chí Minh: “Đảng, Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhấc và giúp đỡ ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Do vậy, đấu tranh để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trong giai đoạn hiện nay, các cấp công đoàn cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội đồng cấp, tạo cơ hội cho nữ CNVCLĐ nâng cao vai trò vị thế của mình, phát huy khả năng và  góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hư­ơng, đất nước và hội nhập quốc tề, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Kim Cúc 

[Trở về]