Bản in     Gởi bài viết  
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ 

Cán bộ và công tác cán bộ luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. 

Đánh giá về vai trò của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém… vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”. Từ việc xác định vai trò, tầm quan trọng của cán bộ và đội ngũ cán bộ, Người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ để chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, đến việc lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi và chỉ đạo xây dựng xã hội mới ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam.

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ có thể khái quát ở những điểm sau:

Một là, quan điểm về đánh giá cán bộ

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong công tác cán bộ, việc đánh giá cán bộ là một trong những khâu rất quan trọng và Người chỉ ra ba nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, phải tiến hành thường xuyên: nhiệm vụ cách mạng luôn vận động và biến đổi, do đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ cũng phải thay đổi theo. Việc đánh giá cán bộ thường xuyên sẽ giúp bố trí cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng; giúp cho tổ chức “biết rõ cán bộ”, nắm chắc đội ngũ cán bộ để có chính sách và biện pháp thích hợp, đồng thời tạo tâm lý yên tâm cho đội ngũ cán bộ trong hoạt động thực tiễn.

Thứ hai, phải khách quan, toàn diện: muốn đánh giá cán bộ một cách khách quan phải chú ý đến năng lực, phẩm chất, hiệu quả công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng đánh giá cán bộ phải chú trọng đến phẩm chất đạo đức và coi đây là yếu tố quan trọng nhất trong đánh giá cán bộ. Người chỉ rõ: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt”. Ngược lại: “ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh của họ thế nào lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”. Theo Người, việc đánh giá cán bộ cần phải dựa vào nhân dân, phát huy dân chủ và nắm bắt được dư luận xã hội mới bảo đảm thực chất và hiệu quả.

Việc xem xét cán bộ không chỉ đánh giá những biểu hiện bên ngoài mà phải xem xét kỹ toàn bộ công việc của cán bộ, phải đứng trên quan điểm “động” và “phát triển”: “Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của con người cũng biến hóa. Vì vậy, cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa. Một người cán bộ khi trước không có sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm, quá khứ, hiện tại và tương lai của một người không phải luôn luôn giống nhau”.

Thứ ba, phải tự “biết mình”, phải sáng suốt, tỉnh táo: để đánh giá người khác, trước hết bản thân phải là người cán bộ có đủ tư cách, phẩm chất đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta thì trước hết phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ cách mạng phải có đầy đủ chuẩn mực đạo đức thì trong công việc mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Người còn nhắc nhở những người làm công tác cán bộ phải dũng cảm nhìn nhận và kiên quyết khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của mình.

Hai là, tư tưởng về huấn luyện cán bộ

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, huấn luyện cán bộ là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ. Đây cũng chính là một trong những biện pháp cơ bản để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng. Người khẳng định: “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”.

Mục đích của việc huấn luyện cán bộ là xây dựng và không ngừng hoàn thiện đội ngũ cán bộ cả về phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Phải đào tạo một đội ngũ cán bộ “có gan phụ trách, có gan làm việc”. Người yêu cầu: “Đào tạo cán bộ không được làm qua loa, đại khái... mà phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng cây cối quý”.

Ba là, tư tưởng về sử dụng cán bộ

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc sử dụng cán bộ cần thực hiện tốt bốn nội dung sau:

Thứ nhất, về phát hiện và lựa chọn cán bộ: trong tuyển chọn cán bộ, Người cho rằng không thiên tư, thiên vị, không phân biệt người trong hay người ngoài Đảng mà lựa chọn những người thật sự có đức, có tài. Người căn dặn: “Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào cuộc kháng chiến cứu nước”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc lựa chọn cán bộ phải căn cứ vào từng thời kỳ cách mạng để thật sự phù hợp với nhiệm vụ chính trị mà cách mạng đặt ra. Theo Người, việc lựa chọn cán bộ phải dựa vào những tiêu chuẩn sau: 1) Những người tỏ ra trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; 2) Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý tới lợi ích của dân chúng. Như thế thì dân mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ; 3) Những người có thể phụ trách và giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải là người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn thì cần phải: khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn; 4) Những người luôn luôn giữ kỷ luật”.

Thứ hai, về nghệ thuật dùng cán bộ, Người căn dặn: “khéo dùng cán bộ là phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”, “dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng cong đều tùy chỗ mà dùng được”. Nếu cán bộ mà được sắp xếp đúng sở trường, đúng nghề được đào tạo thì công việc sẽ đạt hiệu quả cao, ngược lại, phân công không đúng sở trường, chuyên môn nhiệm vụ thì sẽ rất vất vả, khó khăn, dẫn đến chán nản, bỏ bê công việc, kết quả công việc không đạt yêu cầu.

Khéo dùng cán bộ còn có nghĩa là phải tin tưởng vào cán bộ, tạo điều kiện, cơ hội để khuyến khích họ phát huy dân chủ và tinh thần trách nhiệm của mình. Đối với cấp dưới, người lãnh đạo phải tiếp thu, lắng nghe, góp ý, phê bình. Nếu ý kiến cấp dưới không đúng, cấp trên không quở trách mà nên vui vẻ giải thích cho họ hiểu và động viên họ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác.

Khéo dùng cán bộ còn thể hiện ở chỗ biết kết hợp hài hòa giữa thế hệ cán bộ đi trước và cán bộ kế cận. Những cán bộ đi trước có nhiều kinh nghiệm về lãnh đạo, được rèn luyện thử thách nhiều trong thực tế. Còn cán bộ trẻ là những người hăng hái, nhiệt huyết, nhạy cảm với cái mới và chịu khó học tập nên nhanh tiến bộ.

Thứ ba, về cất nhắc, đề bạt cán bộ: trong quá trình sử dụng cán bộ, Người yêu cầu phải thật sự thận trọng khi “cất nhắc lên” hoặc “đẩy xuống”. Người chỉ rõ: “Cất nhắc cán bộ không nên làm như giã gạo”. Nghĩa là từ trước khi cất nhắc không xem xét kỹ, khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ, khi họ sai lầm thì đẩy họ xuống, chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị “nhấc lên”, “thả xuống” ba lần như thế thì “hỏng cả đời”.

Thứ tư, về cách đối xử với cán bộ: dù làm việc ở bất cứ cương vị nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đối xử với cán bộ một cách đúng mực, hài hòa, tinh tế, nhân văn. Theo Người, có năm cách ứng xử với cán bộ:

- Chỉ đạo cấp dưới: có nghĩa là chỉ đạo việc thực thi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Không phải việc gì cấp trên cũng phải nhúng tay vào, biến cán bộ cấp dưới như cái máy. Mục đích của “chỉ đạo” là để phát triển năng lực và sự sáng tạo của cán bộ đúng với đường lối của Đảng, ngang tầm với sự phát triển của cách mạng.

Tự nâng cao bản thân: phải luôn luôn tự giác nâng cao bản thân, có ý thức vươn lên để hoàn thành tốt công việc trong mọi hoàn cảnh. Tự đổi mới bản thân, cập nhật những thông tin, kiến thức từ thực tiễn để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý.

Kiểm tra: kiểm tra cán bộ không phải là “bới lông tìm vết”, “đào chuyện cũ ra làm án mới”, vì vậy không phải ngày nào cũng kiểm tra. Kiểm tra là để xem xét quá trình công tác và học tập có tiến bộ hay hạn chế, khuyết điểm để giúp đỡ người tiến bộ ít, khen người tiến bộ nhiều, giúp mọi người rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm của bản thân.

Tự sửa chữa, cải tạo: mỗi người tài giỏi đến đâu cũng có thể mắc những sai lầm, thiếu sót. Chính vì vậy, khi cán bộ mắc phải những sai lầm, thiếu sót thì người lãnh đạo, quản lý phải xem xét kỹ những yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến những sai lầm đó, phải có thái độ thân tình, chân thành để họ có thể nhận ra sai lầm và kịp thời sửa chữa. Tuy nhiên, cần phải nghiêm khắc và kiên quyết xử phạt đối với cán bộ sai lầm. Người cho rằng: “Nếu nhất nhất không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cán bộ cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là hoàn toàn không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”.

- Giúp đỡ cán bộ: tức là phải tạo những điều kiện cho cán bộ có cuộc sống và việc làm thật tốt; không ngừng ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần để cán bộ yên tâm công tác. Từ đó cán bộ có thể phát huy hết trí tuệ, năng lực để phục vụ cho Đảng, Nhà nước.

Bốn là, tư tưởng về chính sách cán bộ

Ở mỗi thời kỳ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đổi mới, phát triển tư tưởng này ở những khía cạnh, góc độ phù hợp với yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ. Người yêu cầu chính sách cán bộ phải “Hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ”.

Chính sách cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống những quan điểm, chủ trương, biện pháp nhằm xây dựng, huấn luyện và phát triển đội ngũ cán bộ cách mạng, tạo điều kiện tốt nhất có thể để bản thân cán bộ có cuộc sống tốt và yên tâm công tác; giúp cho đội ngũ cán bộ phát huy trí tuệ, khả năng của mình để cống hiến cho cách mạng.

Năm là, chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ

Để chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, người làm công tác tổ chức cán bộ phải học tập, phấn đấu rèn luyện không ngừng, đồng thời phải đề phòng và hết sức tránh bốn vấn đề sau:

Thứ nhất, ham dùng người bà con, anh em quen biết, bạn bè. Người phê phán: “có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”.

Thứ hai, ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mà ghét những người chính trực. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những kẻ xu nịnh bao giờ cũng là kẻ cơ hội, có những kẻ cơ hội chính trị, nhưng cũng có những kẻ cơ hội về quyền lợi tầm thường. Nếu không tỉnh táo đề phòng thì những kẻ này sẽ tìm cách chui vào nắm giữ những chức vụ trong Đảng, chính quyền và các đoàn thể, gây tác hại rất lớn.

Thứ ba, ham dùng những người tính tình hợp với mình và không dùng những người không hợp với mình, bất kể người đó có năng lực ra sao. Trong guồng máy cán bộ chỉ chú ý những điểm về tính cách mà không chú ý đến phẩm chất và năng lực, coi đó là điều kiện tiên quyết trong việc dùng cán bộ thì sẽ sa vào bè phái, dẫn đến phe nhóm, chia rẽ gây mất đoàn kết.

Thứ tư, hiện tượng địa phương cục bộ trong công tác cán bộ. Người nhắc nhở: bệnh địa phương phải tẩy cho sạch. Thực chất, đó là yêu cầu bảo đảm về công tác luân chuyển cán bộ một cách hợp lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ rất sớm: “phải phân phối cán bộ cho đúng” và “phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”. Những căn bệnh nêu trên đã gây ra nhiều khó khăn, tác hại không nhỏ đến công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng, Người chỉ rõ: “Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo” (Tài liệu nghiên cứu  Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 1, tập 5, tập 6, tập 11 Nxb CTQG, H.2011)./.

 

 TH (tổng hợp)

 

[Trở về]