LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc phòng ngừa tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp 
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có trên 3.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn là 166 đơn vị (không bao gồm đơn vị trung ương). Tổng số công nhân lao động (CNLĐ) ở các doanh nghiệp trên 30.000 người, trong đó số CNLĐ ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ trên 2/3 tổng số CNLĐ toàn tỉnh.
Mặc dầu số lượng công nhân lao động ở các đơn vị ngoài nhà nước đông, song nhìn chung tình hình quan hệ lao động khá tốt; những năm qua, trong tỉnh chưa xảy ra tình trạng đình công, lãn công. Tuy vậy, thực tế những năm qua việc sử dụng lao động ở các doanh nghiệp vẫn còn tình trạng công nhân gửi đơn, thư  khiếu nại về các chế độ đối với người lao động cũng như thực hiện pháp luật lao động.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên một mặt là do doanh nghiệp chưa chấp hành tốt pháp luật lao động, còn trốn tránh việc thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động như không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cũng như các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Chế độ tiền lương của người lao động thấp, trong khi đó cường độ lao động cao, thời gian làm việc bị kéo dài… Về phía người lao động đa số làm các công việc giản đơn, chưa có tác phong công nghiệp; trình độ học vấn, tay nghề và hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế. Mặt khác, do nhu cầu về việc làm cũng như thực trạng đời sống người lao động còn nhiều khó khăn nên họ cần làm việc bằng mọi giá, làm việc không quan tâm đến quyền lợi theo quy định của pháp luật như không ký kết hợp đồng lao động, không yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách..., chấp nhận cả tăng ca, tăng giờ quá quy định để mong sao có thu nhập trang trải cuộc sống. Trong khi đó nhà nước ban hành các chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, nhất là chính sách tiền lương, phúc lợi xã hội và các chính sách xã hội khác; Công tác quản lý nhà nước về lao động chưa tốt, hiệu lực các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa cao; việc xử lý vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp chưa nghiêm, chế tài chưa đủ mạnh.., nên vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp né tránh việc chấp hành pháp luật lao động. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu làm kiêm nhiệm, chưa được đào tạo nghiệp vụ công đoàn nên việc tổ chức, hoạt động công đoàn còn yếu. Hầu hết cán bộ công đoàn cơ sở tiền lương và thu nhập phụ thuộc vào người sử dụng lao động, chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn khi tham gia đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động...
Thực trạng trên cho thấy quan hệ lao động tại các doanh nghiệp cần được cả hệ thống chính trị quan tâm; Nếu vấn đề này không được giải quyết tốt trong thời gian tới sẽ tác động xấu đến sự ổn định, phát triển bền vững trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, cho ng­ười lao động và xã hội, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH; ảnh h­ưởng đến môi trường đầu t­ư của tỉnh.

Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp giữa Đảng ủy Khối Doanh nghiệp với Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình

Để phòng ngừa và giảm thiểu tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp, các cấp công đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Trước hết, đối với công đoàn cơ sở phải tích cực phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tốt hội nghị dân chủ đầu năm, đặc biệt chú trọng hình thức dân chủ đối thoại tại nơi làm việc để CNLĐ được phát huy dân chủ ngay tại nơi mình làm việc, từ đó sẽ giải quyết cơ bản những vấn đề về việc làm, tiền lương, BHXH và thực hiện các chế độ mà pháp luật quy định; Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động thông qua những quy định trong thực hiện dân chủ cơ sở và hoạt động  Ban thanh tra nhân dân; phát huy tốt chức năng phản biện xã hội của tổ chức công đoàn; Quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh trong doanh nghiệp, cùng với chủ doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua, xây dựng doanh nghiệp ngày một lớn mạnh; Chủ động đề xuất người sử dụng lao động tiến hành thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp; Kịp thời kiến nghị công đoàn cấp trên đề nghị người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết các ý kiến, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Thành lập và phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ tư vấn pháp luật ở các cấp công đoàn. Thông quan hoạt động tổ tư vấn pháp luật để tuyên truyền các nội dung quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động; Thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nơi công nhân đang làm việc, việc chấp hành các chế độ, chính sách cho người lao động, điều kiện làm việc, môi trường làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp.., từ đó yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng pháp luật lao động. Thường xuyên hướng dẫn cán bộ công đoàn cơ sở tiến hành thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động.
Đối với Liên đoàn Lao động tỉnh, bên cạnh việc thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, LĐLĐ tỉnh cần chú trọng nâng cao hoạt động của văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh nhằm hỗ trợ, hướng dẫn cho các tổ tư vấn pháp luật tại các doanh nghiệp để trợ giúp pháp lý cho người lao động trong trường hợp người lao động bị xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng; Tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động,  người sử dụng lao động; Thường xuyên sâu sát cơ sở để nắm bắt thông tin về tình hình việc làm, đời sống, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động; điều kiện làm việc, môi trường làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp; Tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về thực hiện pháp luật lao động... Bên cạnh đó cần kịp thời chia sẻ, giải tỏa những vướng mắc của người lao động, hướng cho người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp; đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Phòng ngừa tranh chấp lao động là việc làm cả người sử dụng lao động, người lao động, các cơ quan quản lý nhà nước về lao động và tổ chức công đoàn quan tâm. Vì vậy, tổ chức công đoàn phát huy vai trò, chức năng của mình để góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong từng doanh nghiệp./.
  1.                                                                                                                                                                                                                                                                             Võ Văn Tiến
  2.                                                                                                                                                                                                                                                                   Liên đoàn Lao động tỉnh QB
[Trở về]