LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Viễn thông Quảng Bình không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo hộ lao động 

Nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa to lớn của công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời là yêu cầu thiết thực, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người lao động; làm tốt công tác BHLĐ sẽ góp phần tích cực trong việc chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng và đời sống người lao động, tạo điều kiện cho người lao động an tâm, phấn khởi sản xuất, tăng năng suất lao động, góp phần hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh, từ đó đem lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho doanh nghiệp. Trong những năm qua, Viễn thông Quảng Bình luôn chú trọng triển khai các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo hộ lao động, góp phần quan trọng trong quá trình ổn định và phát triển của doanh nghiệp.

 Hiện nay, Viễn thông Quảng Bình có tổng số 470 cán bộ, CNVCLĐ, nữ 122 người; hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn: 283 người, HĐLĐ có xác định thời hạn: 187 người; số lao động làm việc nặng nhọc, độc hại: 207 người.

Thực hiện Bộ luật Lao động, các Nghị định của Chính phủ, hướng dẫn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, hàng năm, Viễn thông Quảng Bình tiến hành kiện toàn Hội đồng BHLĐ, mạng lưới An toàn vệ sinh viên (ATVSV). Theo đó, Hội đồng BHLĐ Viễn thông Quảng Bình gồm 6 thành viên, do đồng chí Phó Giám đốc làm Chủ tịch, đồng chí Chủ tịch công đoàn làm Phó Chủ tịch, 01 cán bộ chuyên trách làm công tác BHLĐ; Các trung tâm trực thuộc thành lập 8 hội đồng BHLĐ, mỗi hội đồng BHLĐ tại trung tâm do đồng chí Giám đốc làm Chủ tịch, Chủ tịch CĐCS thành viên làm Phó Chủ tịch, các trưởng phòng, tổ trưởng làm ủy viên và bố trí 01 cán bộ kiêm nhiệm công tác BHLĐ tại đơn vị; Mạng lưới ATVSV có 56 người, hàng năm đều được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác BHLĐ và ATVSV.

Nhằm thực hiện tốt công tác BHLĐ, ngay từ đầu năm, Giám đốc công ty phối với Ban chấp hành công đoàn tổ chức hội nghị người lao động theo quy định của Nhà nước, hướng dẫn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và công đoàn cấp trên, cùng với người lao động bàn bạc, bổ sung, chỉnh sửa nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, xây dựng quy chế dân chủ cơ sở, quy định về an toàn vệ sinh lao động, phương án phòng chống cháy nổ, về tổ chức và hoạt động của mạng lưới ATVSV, kế hoạch BHLĐ,..., đồng thời tổ chức cho các đơn vị trực thuộc đăng ký thi đua đầu năm, có 100% đơn vị đăng ký thực hiện tốt phong trào “Xanh-sạch-đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, hạn chế và tiến tới không xảy ra tai nạn lao động và thực hiện tốt các nội dung về công tác BHLĐ, an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ. Năm 2013, Viễn thông Quảng Bình đã xây dựng và thực hiện các kế hoạch liên quan đến công tác BHLĐ, như: Kế hoạch các biện pháp về kỷ thuật an toàn phòng chống cháy nổ (80 triệu đồng); Kế hoạch các biện pháp về kỷ thuật vệ sinh lao động, phòng chống độc hại, cải thiện điều kiện lao động (23,5 triệu đồng); Kế hoạch trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân (745 triệu đồng); Kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người lao động (580 triệu đồng, trong đó khám sức khỏe định kỳ: 134 triệu đồng, bồi dưỡng hiện vật: 446 triệu đồng); Kế hoạch tuyên truyền giáo dục, tập huấn công tác BHLĐ (12,5 triệu đồng),... Ngoài ra, đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tiến hành giám sát, kiểm tra việc thực hiện BHLĐ tại các đơn vị, phân công trách nhiệm giữa chuyên môn và công đoàn đối với quản lý công tác BHLĐ từ cấp công ty đến các tổ sản xuất; thực hiện công tác chấm điểm phong trào “Xanh-sạch-đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” đúng quy trình (đối với người lao động thực hiện chấm điểm 1 tháng/1 lần; các đơn vị trực thuộc chấm điểm 3 tháng/1 lần;  chấm điểm các đơn vị 6 tháng/1 lần). Công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn BHLĐ, huấn luyện về ATVSLĐ-PCCN, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức tự giác với công việc và hiểu biết về BHLĐ trong cán bộ, CNVCLĐ, nhất là lực lượng công nhân lao động trực tiếp được chú trọng, từ đó giảm thiểu được tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Bằng những việc làm cụ thể trong công tác BHLĐ của Viễn thông Quảng Bình đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong cán bộ, CNVCLĐ toàn đơn vị, phát huy được trí tuệ, sáng tạo và sức lao động của tập thể người lao động trong thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch tập đoàn giao. Tổng kết công tác BHLĐ, năm 2013 không có vụ tai nạn lao động, tai nạn giao thông được xem là TNLĐ và không có sự cố cháy nổ xảy ra; có 5/8 đơn vị được xếp loại danh hiệu xuất sắc, 3/8 đơn vị xếp loại đảm bảo an toàn; Viễn thông Quảng Bình được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thực hiện Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông tặng Bằng khen về công tác ATVSLĐ,...

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và thực hiện có hiệu quả công tác BHLĐ tại Viễn thông Quảng Bình trong thời gian tới:

- Tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa các văn bản liên quan đến công tác BHLĐ, ATVSLĐ-PCCN phù hợp với thực tiễn của đơn vị theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông; tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác BHLĐ, ATVSLĐ; củng cố và kiện toàn bộ máy làm công tác BHLĐ, mạng lưới ATVSV, tổ chức tốt tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 16 với chủ đề “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ tại nơi làm việc”, tổ chức các cuộc thi “An toàn vệ sinh viên giỏi”; tập huấn công tác BHLĐ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác BHLĐ các đơn vị trực thuộc; có cơ chế động viên khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác BHLĐ; đồng thời có chế tài xử phạt đủ mạnh đối với những đơn vị, tập thể, cá nhân vi phạm những quy định về BHLĐ.

- Tổ chức, triển khai các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tăng hiệu quả ứng dụng, giá trị làm lợi về kinh tế và giảm thiểu nguy cơ mất ATVSLĐ, gây ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; tăng cường các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc; gắn BHLĐ với điều kiện thực tế của mỗi đơn vị, tổ sản xuất.

- Nâng cao các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tập huấn công tác BHLĐ, huấn luyện về ATVSLĐ-PCCN một cách có hiệu quả, thiết thực, nhằm giúp cho đội ngũ làm công tác BHLĐ, mạng lưới ATVSV, CNLĐ nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của mình trong công tác BHLĐ, ATVSLĐ; thực hiện tốt hơn nữa việc cam kết an toàn, bảo đảm ATVSLĐ trong từng đơn vị.

- Ban chấp hành công đoàn cần phải chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với chuyên môn làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn chấp hành nghiêm pháp luật về BHLĐ, các văn bản pháp quy về ATVSLĐ-PCCN; xây dựng chương trình, kế hoạch tham gia với chuyên môn, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát thực hiện công tác BHLĐ, phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”. Hàng năm, BCH công đoàn phối hợp với chuyên môn tổ chức tốt hội nghị người lao động theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc; tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 5b/NQ-BCH của Tổng LĐLĐ Việt Nam về đẩy mạnh công tác BHLĐ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới, góp phần cùng với chuyên môn thực hiện hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động.

(nguồn số liệu từ Báo cáo đánh giá công tác BHLĐ năm 2013 của Viễn thông Quảng Bình)

 Thanh Lân