Bản in     Gởi bài viết  
Hỏi - đáp pháp luật tháng 5.2018 
 

Hỏi: Người lao động bị tai nạn lao động sau điều trị đề nghị giám định thương tật lần đầu bao gồm những thủ tục như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động, luật Bảo hiểm xã hội, Thông tư số 14/2016/TT-BYT ban hành Ngày 15 tháng 7 năm 2016, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật bảo hiểm xã hội thuộc lĩnh vực y tếhướng dẫn việc giám định mức suy giảm khả năng lao động của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Hồ sơ giám định lần đầu được quy định tại khoản 1 Điều 8 bao gồm;

1. Giám định thương tật lần đầu do tai nạn lao động:

a) Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế (nơi đã cấp cứu, Điều trị cho người lao động) cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm lập, hoàn chỉnh hồ sơ giám định và chuyển đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương.Trường hợp người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh có trách nhiệm lập, hoàn chỉnh hồ sơ giám định và chuyển đến hội đồng giám định y khoa.

Khi đến giám định người lao động phải xuất trình bản gốc những giấy tờ quy định trên để hội đồng giám định y khoa đối chiếu.

Hỏi : Tôi làm việc tại Công ty TNHH xây dựng, tôi đã nghỉ hưu từ tháng 01 năm 2017 mà bị mất sổ Bảo hiểm xã hội nên tôi muốn hỏi về thủ tục xin cấp lại sổ Bảo hiểm xã hội và thời gian chờ cấp lại sổ là bao lâu?

Trả lời:

Với câu hỏi của bạn liên quan đến thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị mất, chúng tôi xin trả lời như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 27 Quyết định 959/QĐ-BHXH ban hành quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế:

Điều 27. Cấp lại, đổi, điều chỉnh nội dung trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế

1. Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do mất, hỏng

1.1. Thành phần hồ sơ: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS).

1.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.”

Như vậy, trong trường hợp người lao động làm mất sổ bảo hiểm xã hội hoặc sổ bảo hiểm xã hội bị hư hỏng thì có thể làm thủ tục để được cấp lại sổ.

Thẩm quyền cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do người sử dụng lao động làm mất hoặc hỏng thuộc về cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đóng bảo hiểm xã hội.

 thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội như sau:

 Bạn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang đóng bảo hiểm xã hội (đối với trường hợp đang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện) hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đóng bảo hiểm xã hội cuối cùng trước khi dừng tham gia. Thời hạn giải quyết không quá 10 ngày kể từ ngày bạn nộp đủ hồ sơ xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị mất theo quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Hỏi: Tôi là công nhân làm việc tại một Công ty sản xuất vật liệu xây dựng, trong quá trình làm việctôi bị tai nạn lao động, lý do: máy sản xuất không có bảo hiểm bảo vệ bộ phận dây coroa, do đó trong khi vận hành sản xuất bị đứt dây coroa. (Trước đó, tôi đã báo với tổ trưởng sản xuất đề xuất với Lãnh đạo Công ty có phương án lắp đặt bảo hiểm dây coroa, nhưng chưa được khắc phục thì xảy ra tai nạn). Tôi xin hỏi, trong trưởng hợp này người sử dụng lao động có trách nhiệm gì trong việc đảm bảo các biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp?

Trả lời:

Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Xác định trường hợp bạ bị tai nạn lao động trong quá trình vận hành máy sản xuất, lỗi không hoàn toàn thuộc về bạn, bởi bạn đã báo với tổ trưởng sản xuất đề xuất với Lãnh đạo Công ty có phương án lắp đặt bảo hiểm dây coroa, nhưng chậm được khắc phục ngay, nên đã để xảy ra tại nạn lao động.

Như vậy, căn cứ Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì người sử dụng lao động cần có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn, cụ thể:

Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

 Như vậy người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra thì người sử dụng lao động phải bồi thường mức như sau:

a. Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b. Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Thu Hà

[Trở về]