Bản in     Gởi bài viết  
Hỏi đáp pháp luật phần 3 
         Câu hỏi 10.   Hàng năm công ty sắp xếp cho người lao động nghỉ phép năm nhưng người lao động muốn thỏa thuận làm thêm giờ (tự nguyện xin làm vào ngày nghỉ có hưởng lương). Vậy ngoài 01 ngày lương nghỉ phép năm mà công ty đã thanh toán ra thì công ty phải trả thêm cho người lao động bao nhiêu nữa?

Trả lời

Phép năm là ngày nghỉ có hưởng lương nên theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 97 của Bộ luật Lao động thì tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

 Như vậy, theo quy định nêu trên thì đối với người lao động tự nguyện đi làm mà doanh nghiệp đồng ý thì doanh nghiệp phải trả thêm ít nhất là 300%.

Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

 

Câu hỏi 11.   Điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 quy định các khoản bổ sung khác, trợ cấp khác được hiểu và thực hiện như thế nào tại doanh nghiệp?

Trả lời

Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

 Đề nghị doanh nghiệp căn cứ quy định trên để thực hiện.

 

Câu hỏi 12.   Trường hợp Điện lực cúp điện đột xuất hoặc chỉ báo trước chỉ có 1 tuần, doanh nghiệp phải tổ chức làm bù vào ngày nghỉ hàng tuần, vậy thời gian làm bù này được tính lương như thế nào?

Trả lời

Theo quy định tại khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động nếu vì sự cố về điện mà không do lỗi của người sử dụng lao động thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

 Việc làm bù ngày nghỉ hàng tuần do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận. Tiền lương làm bù cũng do hai bên thỏa thuận.

 

Câu hỏi 13.   Thời gian làm việc của nhân viên bảo vệ là làm theo ca 24 giờ, xuống ca nghỉ 24 giờ. Vậy doanh nghiệp tính lương như thế nào là đúng quy định, doanh nghiệp có trả thêm tiền làm việc ban đêm không?

Trả lời

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Lao động thì thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày hoặc không quá 10 giờ /ngày nếu làm việc theo tuần, việc nhân viên bảo vệ làm theo ca 24 giờ là trái với quy định của pháp luật lao động.

 

Câu hỏi 14.   Hiện công ty trả lương cho người lao động như sau: Tổng lương/tháng= Lương cơ bản+ Phụ cấp+ Trợ cấp. Trong đó: Phụ cấp gồm: Chức vụ, trách nhiệm, kỹ thuật, chuyên cần. Trợ cấp gồm: xăng xe đi lại, thuê nhà trọ,… Nếu công nhân vi phạm nội quy lao động, bị xử lý kỷ luật thì người sử dụng lao động có quyền cắt giảm các khoản trợ cấp và phụ cấp hay không? Nếu được thì thủ tục làm như thế nào? Ghi chú: Phụ cấp, trợ cấp không có thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Trả lời

Căn cứ Khoản 1 Điều 90, Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ, Điều 3 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 của Chính phủ và Khoản 2 Điều 128 của Bộ luật Lao động thì cấm người sử dụng lao động cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

 Trường hợp các khoản phụ cấp, trợ cấp không có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, nếu người lao động vi phạm nội quy lao động mà bị xử lý kỷ luật lao động và người sử dụng lao động cắt giảm các khoản phụ cấp, trợ cấp phải căn cứ vào nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương của doanh nghiệp để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

 

Câu hỏi 15.   Em muốn tìm hiểu các quy định mới về nghỉ việc không hưởng lương và nghỉ ốm đau đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động?

Trả lời

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Công văn 3319/LĐTBXH-ATLĐ về nghỉ việc không hưởng lương và nghỉ ốm đau đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động .

- Theo Nghị định 45/2013/NĐ-CP, nếu người sử dụng lao động đồng ý cho người lao động nghỉ việc không hưởng lương hoặc nghỉ ốm đau thì thời gian vượt quá không được tính vào thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hàng năm.

- Pháp luật về lao động hiện hành không quy định thời gian nghỉ không lương tối đa, chỉ quy định “người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được nghỉ không hưởng lương”.

- Theo Bộ luật lao động và Nghị định 45/2013/NĐ-CP thì công chức, viên chức được áp dụng quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi tại 02 văn bản này trừ trường hợp văn bản pháp luật liên quan có quy định khác.

Vì vậy, nếu không có quy định riêng thì công chức, viên chức được áp dụng 02 quy định trên như người lao động.

 Công văn 3319/LĐTBXH-ATLĐ được ban hành vào ngày 19/8/2015.

 Thu Hà

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[Trở về]