LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Quá trình thành lập tỉnh Quảng Bình Tin có hình
Vào năm 1831, vua Minh Mạng cho cải cách hành chính và cải tổ bộ máy cai trị địa phương lần thứ nhất áp dụng cho các tỉnh nằm phía bắc kinh thành Huế, tỉnh Quảng Bình được thành lập. Từ đó đến nay đã 170 năm, tên gọi và sự phân chia đơn vị hành chính của tỉnh Quảng Bình tồn tại một cách hợp lý. Có được sự thành lập này, tỉnh Quảng Bình phải trải qua gần 10 thế kỷ biến động, thử thách, mài dũa, cân đối của lịch sử mới tạo thành.

                                      

 

 

Năm 1069, mùa xuân, vua Lý Thánh Tông thân chinh đánh Chiêm Thành bắt được vua Chiêm là Chế Củ và 5 vạn người. Mùa thu Chế củ xin dâng đất 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội.

Mùa thu năm 1075, trước khi cho quân đánh sang nhà Tống (Trung Quốc) Lý Thường Kiệt cho quân đánh Chăm pa để ổn định biên giới phía Nam, đến tại vùng đất địa đầu này, Lý Thường Kiệt cho vẽ bản đồ 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính. Nhà Lý cho đổi châu Địa Lý làm Lâm Bình, Ma Linh làm Minh Linh rồi chiêu mộ dân đến ở. Từ đó đất phía nam huyện Hà Hoa (nay thuộc về Hà Tỉnh) ngoài dãy Hoành Sơn mới vào bản đồ nước ta.

Mùa hè năm 1361, vua Trần Dụ Tông cử Phạm A Song làm Trí phủ Lâm Bình.

Tháng 4 năm 1366, quân Chiêm xâm lấn Lâm Bình, Phạm A Song đánh tan, vua cho làm Đại tri phủ phủ Lâm Bình hành quân thủ ngự sứ.

Năm 1375, nhà Trần đổi phủ Lâm Bình thành phủ Tân Bình được xem là trọng trấn.

Dưới triều Hồ, đầu thế kỷ XV, Hồ Quý Ly đổi tên Lâm Bình thành Tây Bình. Năm 1402, nhà Hồ cho mở đường Thiên Lý từ Tây Đô đến Hóa Châu. Năm 1404, nhà Hồ cho đào kênh Liên cảng từ Tân Bình đến địa giới Thuận Hóa. Vậy, bằng phát triển giao thông và thủy lợi, triều Hồ đã củng cố thêm một bước thống nhất, gắn chặt vùng đất Tân Bình - Thuận Hóa mới mở ở phía nam với lãnh thổ đất nước.

Thời thuộc Minh, năm 1407 đổi lại làm phủ Tân Bình đem 2 châu Bố Chính và Minh Linh nhập vào. Bố Chính đổi tên là Chính Bình, Minh Linh đổi làm phủ Nam Linh. 
Đầu thời Lê, vẫn theo nhà Minh, sau đặt lộ Tân Bình trực thuộc đạo Hải Lăng.

Dưới triều vua Lê Thánh Tông năm 1469, lập lại địa giới, vẽ bản đồ phủ Tân Bình có 2 huyện Khang Lộc, Lệ Thủy và 2 châu Bố Chính, Minh Linh thuộc Thuận Hóa thừa tuyên. 
Huyện Khang Lộc có 4 tổng; 80 xã, 7 thôn, 4 trang

Huyện Lệ Thủy có 6 tổng; 28 xã, 2 trang

Châu Bố Chính có 12 tổng; 64 xã, 24 phường, 20 trang

Châu Minh Linh có 8 tổng; 63 xã

Năm đầu niên hiệu Hoằng Định (1601) đổi tên Tân Bình thành Tiên Bình

Vào thời Mạc, phủ Tân Bình có các huyện:

Huyện Lệ Thủy có 32 xã, 01 thôn

Huyện Khang Lộc có 73 xã

Châu Minh Linh có 65 xã

Châu Bố Chính có 68 xã.

Năm 1604, thời chúa Tiên - Nguyễn Hoàng đổi phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình, địa danh Quảng Bình chính thức ra đời từ đó. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho lập dinh Quảng Bình. Bắc sông Gianh là Bố Chính Ngoại (Bắc Bố Chính), nam sông Gianh là Bố Chính nội (Nam Bố Chính).

Dưới thời quân Trịnh chiếm đóng (1775 - 1786) bỏ tất cả các dinh và lập đồn Động Hải

Dưới thời Tây Sơn (1786 - 1801) vẫn giữ lại địa danh Động Hải và đặt Châu Thuận Chính gồm Bắc và Nam Bố Chính. Phủ Quảng Bình đổi làm Quảng Thuận.

Đầu triều Nguyễn, năm 1801, đặt dinh Quảng Bình có 2 huyện Khang Lộc, Lệ Thủy và 2 châu Bắc và Nam Bố Chính, đặt quan Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục để cai trị. Năm 1806, dinh Quảng Bình cho lệ vào kinh sư.

Năm 1822, đổi Bố Chính Nội làm huyện Bố Chính, Bố Chính Ngoại làm châu Bố Chính.

Năm 1825 cho đắp thành Quảng Bình.

Năm 1827 đổi làm trấn Quảng Bình đặt các chức Trấn thủ, Hiệp trấn, Tham hiệp để cai trị.

Năm 1831, đặt tỉnh Quảng Bình trực thuộc kinh đô Huế với chức Tổng đốc Bình - Trị ( gồm 02 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị) sau đổi làm Tuần phủ Trị - Bình.

Như vậy, từ năm 1069, nhà Lý sau chiến thắng quân Chiêm mở đất đến cửa Việt, nhưng đến năm 1075 mới ghi vào bản đồ đất nước và chiêu mộ dân và sinh sống, làm ăn. Tên Lâm Bình xuất hiện từ năm 1075 thay tên Địa Lý, nhưng Lâm Bình chỉ là đất của một châu. Đến thời Trần mới lập phủ Lâm Bình, Phạm A Song làm Tri phủ vào năm 1361, tương đương với đất của tỉnh Quảng Bình ngày nay. Phạm A Song sau được phong làm Đại tri phủ, thay mặt triều đình phòng thủ ở biên trấn phía nam. Vị trí chiến lược của Quảng Bình ngày càng trở nên quan trọng đối với đất nước, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh vào đầu thế kỷ XV. Năm 1425, sau khi nghĩa quân Lam Sơn giải phóng Tân Bình và Thuận Hóa, Lê Lợi tự tin nói với tướng sỹ "Tân Bình, Thuận Hóa là đất lòng dạ của ta đã được đất ấy rồi, thì không còn mối lo từ phía trong nữa''.

Dưới triều đại nhà Lê và Mạc, phủ Tân Bình là trọng trấn của đất nước, lãnh thổ từ nam đèo Ngang đến Bắc Cửa Việt, bao gồm đất của hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị ngày nay.

Dưới thời Trịnh - Nguyễn, Quảng Bình là địa đầu, là chiến trường ác liệt của cuộc chiến tranh, nơi có hệ thống chiến lũy kiên cố, bất khả xâm phạm của chúa Nguyễn và cũng là vùng đất chịu nhiều đau thương của cuộc chiến tranh và chia cắt suốt gần 02 thế kỷ XVII - XVIII.

Từ đầu thế kỷ XIX, Quảng Bình là dinh, là trấn đến năm 1831, mới chính thức gọi tỉnh Quảng Bình; địa danh Quảng Bình xuất hiện từ năm 1604, có nguồn gốc từ năm 1075, khu vùng đất này được Lý Thường Kiệt cho vẽ bản đồ với tên gọi châu Lâm Bình xuất hiện để chỉ phần đất ở trung tâm của tỉnh Quảng Bình ngày nay thay cho tên gọi châu Địa Lý của người Chàm trước đó.

Quá trình thay đổi tên gọi từ Lâm Bình - Tân Bình - Tây Bình - Tiên Bình - Quảng Bình là quá trình hoàn thiện một địa danh. Quá trình thay đổi, phát triển danh xưng của một đơn vị hành chính từ châu - phủ - lộ - dinh trấn - tỉnh cũng như sự thay đổi, mài dũa cương vực để có một lãnh thổ cân đối, hài hòa cũng là sự hoàn thiện để có một tỉnh Quảng Bình hợp lý ngày nay.

(Nguồn từ website Quảng Bình)