LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều bất cập 

Để bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động, những bất cập xung quanh loại hình bảo hiểm này cần sớm được giải quyết. 


Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động (NLĐ). Đáng chú ý, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một trong những ưu tiên sửa đổi của dự thảo.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc khắc phục những bất cập, đưa ra các giải pháp thích hợp là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm quyền được tham gia BHTN và những chính sách đi kèm của loại hình bảo hiểm này để NLĐ có "điểm tựa" vững chắc trong cuộc sống.

Bộ LĐ-TB-XH cho biết số người tham gia BHTN tăng qua các năm, bình quân tăng khoảng trên 6%/năm. Tính đến cuối năm 2023, số người tham gia BHTN chiếm 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Do đó, để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN là một thách thức lớn.

Theo quy định hiện hành, đối tượng tham gia BHTN chưa bao phủ hết những người có quan hệ lao động; chưa quy định NLĐ có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia BHTN. Trong khi đó, đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Mặt khác, BHTN cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý DN, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DN tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng lương.

Mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất bổ sung những đối tượng trên tham gia BHTN trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) để sớm trình Chính phủ. Theo dự thảo đang được Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến, NLĐ sẽ được hưởng 5 chế độ BHTN. Cụ thể, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ NLĐ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hỗ trợ người sử dụng lao động khi dùng NLĐ là người khuyết tật.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất sửa đổi các quy định về mức đóng, tăng cường tính linh hoạt của chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động. Theo đề xuất mới, với NLĐ đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng cho BHTN, người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của NLĐ đang tham gia BHTN, thì nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của NLĐ đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm. 

V.H (cập nhật) 

[Trở về]