LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
CÔNG ĐOÀN QUẢNG BÌNH - 78 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN 

Cũng như giai cấp công nhân Việt Nam, công nhân lao động Quảng Bình ra đời và hình thành sau 2 cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Là một tỉnh nhỏ lẻ ở miền Trung thuần tuý về nông nghiệp, giai cấp công nhân Quảng Bình hình thành chậm, chủ yếu xuất thân từ nông dân và số lượng ít so với các khu vực trong cả nước. Họ bị thực dân Pháp tước hết mọi tư liệu sản xuất, trở thành người vô sản, rơi vào tình cảnh khó khăn, phải đem ruộng cầm cố cho địa chủ và bị gán nợ... dẫn đến bần cùng hoá, trở thành lao động làm thuê tự do. Cùng với  lực lượng lao động chuyên nghiệp ngành giao thông lúc đó - đường sắt và đường bộ trên tuyến  quốc lộ 1A-  đã thu hút một lực lượng lao động ở nông thôn, họ tập hợp thành đội ngũ công nhân chủ yếu đầu tiên ở Quảng Bình... Công đoàn Quảng Bình cũng được ra đời tại đây. 

Trong những năm 1925-1929, nhiều địa phương trong cả nước đã thành lập tổ chức Công hội đỏ như: Công hội Sài Gòn năm 1925, tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (7/1929), tổng Công hội Vinh – Bến Thuỷ (11/1929)...Trong cùng thời gian ở Quảng Bình đã xuất hiện nhiều tổ chức biến tướng của công nhân như “Hội Cứu tế đỏ”, “Hội tương tế”... và hoạt động theo mục tiêu của Công hội. Như vậy, những tổ chức quần chúng mang chức năng Công hội đã được thành lập trong đội ngũ công nhân Quảng Bình thời kỳ 1930-1931.

Sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, một sự kiện quan trọng là ngày 22/4/1930 Chi bộ cộng sản đầu tiên trên tuyến đường sắt ở ga Kẻ Rấy ra đời, theo đó một số chi bộ khác cũng được thành lập, là cơ sở để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng trong công nhân Quảng Bình. Đến năm 1945, các tổ chức công nhân cứu quốc (CNCQ) ở Đồng Hới, ở công trường Áng Sơn, công trường Dốc Sỏi ra đời đã có những hoạt động tích cực trong công tác cứu đói, chống âm mưu của Pháp và tẩy chay các hoạt động của tổ chức thân Nhật.

 Đầu năm 1946, đồng chí Hồng Xích Tâm – UV BCH Đảng bộ tỉnh triệu tập Hội nghị đại biểu các tổ chức CNCQ ở cơ sở, họp bàn việc thành lập “Hội CNCQ” trong toàn tỉnh. Sau hội nghị, đồng chí được tỉnh ủy Quảng Bình cử kiêm thư ký “Hội CNCQ” tỉnh. Ngày 01 tháng 8/1946, BCH lâm thời Hội CNCQ tỉnh đã triệu tập Đại hội Đại biểu toàn tỉnh tại thị xã Đồng Hới, gồm 40 đồng chí thay mặt cho trên 2.000 đoàn viên toàn tỉnh về dự. Đại hội được nghe thông báo đổi tên Hội CNCQ Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Hội CNCQ tỉnh thành LĐLĐ tỉnh, chi hội CNCQ đổi tên thành công đoàn và hội viên CNCQ thành đoàn viên công đoàn. Đại hội bầu 07 đồng chí vào BCH, đồng chí Hồng Xích Tâm làm Thư ký, đồng chí Nguyễn Văn Đài làm Ủy viên Thường trực. LĐLĐ tỉnh Quảng Bình đã ra đời từ đó.

Như vậy, từ sự ra đời của CNLĐ làm thuê tự do ở các đồn điền, công trường, xí nghiệp cùng với phong trào CNLĐ chuyên nghiệp trong lĩnh vực giao thông... với mầm móng của “Hội tương tế”, “Hội CNCQ” đã hình thành và là tổ chức tiền thân của công đoàn Quảng Bình. Qua 78 năm lịch sử, công đoàn Quảng Bình đã có các tên gọi khác nhau như: Hội CNCQ (1945-1946); LĐLĐ (1946-1961); Liên hiệp công đoàn (LHCĐ) (1961-1988). Từ năm 1988 đến nay là LĐLĐ.

 Từ ngày thành lập đến nay, Công đoàn Quảng Bình đã trải qua 19 kỳ Đại hội, Từ Đại hội thứ nhất (01/8/1946) đến Đại hội lần thứ VIII (09/8/1974) đều tổ chức tại tỉnh Quảng Bình (lần thứ II tại Tuyên Hóa, các lần khác tại thị xã Đồng Hới). Những  đồng chí giữ cương vị Thư ký (Chủ tịch) qua 8 kỳ Đại hội trên là: đ/c Hồng Xích Tâm (1946-1950); đ/c Nguyễn Duy Đàn (1950-1957); đồng chí Cổ Kim Thành (1957-1960); đồng chí Nguyễn Công Trừng (1960-1962); đồng chí Nguyễn Văn Thụ (hai nhiệm kỳ Đại hội V và đại hội VI từ năm 1962-1972); đồng chí Nguyễn Văn Đài (1972-1974); đồng chí Nguyễn Văn Thụ (1974-1976).

Sau ngày đất nước ta hoàn toàn thống nhất (1975), thực hiện chủ trương của Trung ương, tháng 6/1976, tổ chức Công đoàn 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất thành LHCĐ Bình Trị Thiên. BCH  lâm thời gồm 31 uỷ viên do đ/c Nguyễn Văn Thụ làm Thư ký. Đại hội LHCĐ Bình Trị Thiên lần thứ nhất cho đến lần thứ IV (LHCĐ Quảng Bình lần thứ IX đến lần thứ XII) đều được tổ chức tại thành phố Huế. Giữ cương vị Thư ký (Chủ tịch) trong 4 kỳ đại hội trên là các đồng chí: Nguyễn Văn Thụ (1977-1981); Lê Viết Tâm giữ chức vụ Thư ký trong 3 nhiệm kỳ còn lại (1981-1988). Tại Đại hội VI CĐ Việt Nam (tháng 10/1988) đã quyết định đổi tên Tổng CĐ Việt Nam thành Tổng LĐLĐ Việt Nam, LHCĐ các tỉnh thành LĐLĐ và các chức danh Thư ký thành Chủ tịch.

          Thực hiện chủ trương của Trung ương, ngày 1/7/1989 tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 03 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. BCH LĐLĐ tỉnh Quảng Bình được thành lập trên cơ sở các uỷ viên BCH từ tỉnh Bình Trị Thiên, gồm 18 uỷ viên, đ/c Đinh Hữu Cường được cử làm Chủ tịch, đ/c Nguyễn Thị Hồng Giáo được cử làm Phó Chủ tịch. Từ năm 1989-1993 có 09 đồng chí được chỉ định bổ sung BCH LĐLĐ tỉnh, đ/c Nguyễn Thanh Ba làm Chủ tịch thay đ/c Đinh Hữu Cường đi nhận công tác khác.

          - Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Bình lần thứ XIII họp từ ngày 22-24/6/1993 tại thị xã Đồng Hới, Đại hội đã bầu BCH gồm 25 đ/c, đ/c Nguyễn Thanh Ba được bầu lại làm Chủ tịch, đ/c Trần Đình Huề và đ/c Nguyễn Thị Hồng Giáo được bầu làm Phó Chủ tịch. Ngày 22/10/1996 đ/c Đinh Thị Bích Phú được BCH LĐLĐ tỉnh bầu giữ chức Phó Chủ tịch thay đ/c Nguyễn Thị Hồng Giáo đi nhận công tác khác. Ngày 9/8/1993 đ/c Trần Đình Huề được BCH LĐLĐ tỉnh bầu làm Chủ tịch thay đ/c Nguyễn Thanh Ba đi nhận công tác khác.

 - Đại hội công đoàn tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV họp từ ngày 15-17/6/1998 tại Thị xã Đồng Hới, Đại hội bầu BCH gồm 29 uỷ viên, đ/c Đinh Thị Bích Phú được bầu làm Chủ tịch; đ/c Lương Văn Luyến và đ/c Lê Quang Hiểu được bầu làm Phó Chủ tịch.

 - Đại hội công đoàn tỉnh Quảng Bình lần thứ XV họp từ ngày 29/6-1/7/2003 tại thị xã Đồng Hới, Đại hội bầu 33 đ/c uỷ viên BCH, đ/c Nguyễn Quang Tuynh được bầu làm Chủ tịch, đ/c Lê Quang Hiểu và đ/c Lê Thuận Văn được bầu làm Phó Chủ tịch.

- Đại hội Công đoàn Quảng Bình lần thứ XVI diễn ra từ ngày 19-21 tháng 8 năm 2008 tại thành phố Đồng Hới, Đại hội bầu 35 đ/c uỷ viên BCH, đ/c Lê Thuận Văn được bầu làm Chủ tịch, đ/c Nguyễn Văn Bảo và đ/c Nguyễn Xuân Thạch được bầu làm Phó Chủ tịch. Ngày 21/02/2012 đ/c Nguyễn Xuân Toàn được BCH LĐLĐ tỉnh bầu làm Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2008-2013.

- Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII diễn ra từ ngày 19-21 tháng 3 năm 2013 tại Thành phố Đồng Hới với 235 đại biểu chính thức dự Đại hội, Đại hội bầu 35 đồng chí ủy viên BCH, đ/c Lê Thuận Văn được bầu lại làm Chủ tịch, đ/c Nguyễn Văn Bảo, đ/c Nguyễn Xuân Thạch và đ/c Nguyễn Xuân Toàn  được bầu lại làm Phó Chủ tịch.  

Thực hiện quyết định của Tỉnh ủy Quảng Bình, tháng 9 năm 2015 đồng chí Nguyễn Lương Bình – TUV, Bí thư Huyện ủy huyện Minh Hóa được điều động về công tác tại LĐLĐ tỉnh và được BCH LĐLĐ tỉnh bầu bổ sung BCH, BTV và Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khóa XVII; tháng 11 năm 2015, đồng chí được BCH LĐLĐ tỉnh bầu giữ chức Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhiệm kỳ 2013 – 2018.

Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Bình lần thứ XVIII diễn ra từ ngày 15-16 tháng 5 năm 2018 tại Thành phố Đồng Hới, Đại hội bầu 35 đồng chí ủy viên BCH, đ/c Nguyễn Lương Bình được bầu lại làm Chủ tịch, đ/c Nguyễn Xuân Toàn, đ/c Nguyễn Phi Khanh và đ/c Võ Văn Tiến được bầu lại làm Phó Chủ tịch.

Thực hiện quyết định của Tỉnh ủy Quảng Bình, tháng 8 năm 2019, đồng chí Phạm Quang Long - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn đến nhận công tác tại Cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh và giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh khóa XVIII nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Cũng trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, thực hiện quyết định của Tỉnh ủy Quảng Bình, tháng 1 năm 2021, đồng chí Phạm Phạm Tiến Nam - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND đến nhận công tác tại Cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh và giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh.

Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Bình lần thứ XIX diễn ra từ ngày 25-26 tháng 9 năm 2023 tại Thành phố Đồng Hới, với 245 đại biểu tham dự. Đại hội bầu 32 đồng chí ủy viên BCH, đ/c Phạm Tiến Nam được bầu lại làm Chủ tịch, đ/c Võ Văn Tiến được bầu lại làm Phó Chủ tịch, đ/c Phan Thanh Lân được bầu làm Phó Chủ tịch. Đại hội đã đề ra 03 khâu đột phá quan trọng:

1- Tập trung đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; chăm lo đời sống, nâng cao phúc lợi đoàn viên, người lao động.

2- Nâng cao chất lượng cán bộ CĐCS, nhất là Chủ tịch CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

3- Thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính công đoàn.

Mục tiêu của Công đoàn Quảng Bình đặt ra qua 19 kỳ Đại hội luôn phù hợp với từng giai đoạn cách mạng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như công cuộc xây dựng đất nước. Qua 78 năm hình thành và phát triển, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Quảng Bình có những chuyển biến tích cực tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên. Từ 15 CĐCS với 2.600 đoàn viên cuối năm 1946 đến nay đã có 8 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, 6 công đoàn ngành, 01 công đoàn Viên chức, 01 Công đoàn Khu Kinh tế, với 1.143 CĐCS tập hợp 51.935 đoàn viên công đoàn. Tỷ lệ công đoàn cấp trên cơ sở hoạt động toàn diện và toàn diện xuất sắc; công đoàn cơ sở đạt vững mạnh và vững mạnh xuất sắc; đoàn viên công đoàn xuất sắc đều được tăng lên qua mỗi nhiệm kỳ. Giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới đất nước, của tỉnh, là chỗ dựa vững chắc của Đảng và là cầu nối giữa Đảng, nhà nước với người lao động. Phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh của tỉnh, vị thế của tổ chức công đoàn được nâng lên trong xã hội.

Tin tưởng rằng, phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân, CĐVN trong 95 năm qua, truyền thống “Hai giỏi” của quê hương Quảng Bình và lịch sử 78 năm hình thành và phát triển của công đoàn tỉnh ta, giai cấp công nhân và công đoàn trong tỉnh sẽ khắc phục khó khăn, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của tổ chức CĐ do Đại hội XIII CĐVN, Đại hội XIX CĐ tỉnh đề ra và chương trình hành động của CĐ thực hiện NQ Đại hội XIII Đảng CSVN, Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, ra sức phấn đấu thi đua lao động sản xuất, công tác, lập nhiều thành tích xuất sắc chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh năm 2024 và kế hoạch 5 năm  2020 - 2025.

                                                                   Tháng 6 năm 2024 

[Trở về]