LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Phản biện Luật Lao động (sửa đổi): Lắng nghe ý kiến trực tiếp NLĐ nhiều hơn 

Sáng 3.6, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). 

Chủ trì Hội nghị có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN - Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - Ngọ Duy Hiểu và bà Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Bà Bùi Thị Thỏa - đại diện Tổng LĐLĐVN cho biết, theo khảo sát, phần lớn người lao động (NLĐ) không muốn mở rộng khung giờ làm thêm mà cho rằng cần có giải pháp tăng năng suất cho doanh nghiệp (DN) và thu nhập của NLĐ; chỉ có một số NLĐ vì sức ép thu nhập nên buộc phải chấp nhận tăng giờ làm thêm.

Theo đại diện Tổng LĐLĐVN, việc xem xét tăng thời giờ làm thêm phải đặt trong mối quan hệ với các yếu tố khác như việc làm, thất nghiệp, sức khỏe của NLĐ, an toàn lao động, các vấn đề về xã hội… và cả xu hướng của thế giới hiện nay (giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi). Quy định về giờ làm thêm phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với chính sách tiền lương của DN, bảo đảm quyền lợi của NLĐ, tránh việc DN lợi dụng tăng giờ làm thêm để trả lương thấp, buộc NLĐ không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải “tự nguyện” làm thêm giờ mới có thu nhập để đủ trang trải cuộc sống.

“Tăng thời gian làm thêm phải tăng lợi ích cho NLĐ. Việc tăng giờ làm thêm phải tính toán trong mối tương quan với thời giờ làm việc chính thức, đảm bảo tái tạo kịp thời sức lao động cho NLĐ. Hiện nay, quy định về thời giờ làm việc chính thức của Việt Nam rất cao (48 giờ/tuần); nghỉ lễ, tết rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới” - bà Thỏa cho hay.

Khảo sát của các cấp công đoàn cho thấy, NLĐ chỉ đồng tình mở rộng khung tối đa giờ làm thêm nếu được chi trả tiền lương làm thêm giờ theo lũy tiến. Đây là giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, đồng thời, góp phần khắc phục tình trạng DN không tuyển dụng lao động phù hợp với quy mô và năng lực (để trốn tránh nghĩa vụ) mà huy động làm thêm giờ.

Thực tế cho thấy, số giờ làm thêm tăng tỉ lệ thuận với lợi ích DN thu được; trong khi đó, NLĐ dù tăng thu nhập nhưng lại phải đối mặt với nhiều nguy cơ và chi phí phát sinh từ việc làm thêm ngoài giờ như: chi phí tái tạo sức lao động, chăm sóc con cái, nguy cơ tai nạn lao động; tăng nguy cơ bị quấy rối (khi phải thường xuyên đi làm về muộn), bạo hành…

Liên quan đến các vấn đề khác, nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình NLĐ cần có thêm ngày nghỉ lễ, nhưng không đồng tình lấy ngày 27.7 (Ngày Thương binh liệt sỹ) như trong dự thảo. Các ý kiến cho rằng, nên chọn một ngày khác, như: Ngày gia đình Việt Nam; ngày Đại đoàn kết toàn dân; ngày của cha; ngày của mẹ để lấy làm ngày nghỉ lễ…  

Các đại biểu còn phản biện về nội dung tuổi nghỉ hưu, hợp đồng lao động, tổ chức đại diện NLĐ…


Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại Hội nghị.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng với trách nhiệm của mình, CĐ Việt Nam đã tổ chức nhiều hình thức lấy ý kiến NLĐ và mong muốn chuyển tải ý kiến đến Ban Soạn thảo.

Pháp luật là ý chí, nguyện vọng của nhân dân nên cần phải lắng  nghe nhân dân thật thấu đáo. Với Bộ luật Lao động, phải lắng nghe ý kiến trực tiếp NLĐ nhiều hơn. Chỉ có như vậy, Bộ luật mới mang tính khả thi, có tuổi thọ dài, khắc phục tình trạng nhiều luật có đời sống rất ngắn. Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh tính khả thi của Bộ luật đặt trong quan hệ với năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực LĐ; thanh tra, xử phạt vì khâu này ở nước ta còn hạn chế… 

BBT

[Trở về]