LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Đổi mới công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế 

Với tổng số nữ đoàn viên thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh quản lý 29.115 người, chiếm 58,12% trong tổng số đoàn viên công đoàn tỉnh. Là lực lượng lao động đông đảo, tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đồng thời là lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ tỉnh nhà. 5 năm qua, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đội ngũ nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tiếp tục có sự phát triển nhanh về số lượng, sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu. 

Đổi mới công tác vận động nữ công nhân việc chức lao động luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn. Trong 5 năm qua, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đội ngũ nữ CNVCLĐ của tỉnh tiếp tục có sự phát triển nhanh về số lượng, sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu. Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của quê hương “Hai giỏi”, nữ CNVCLĐ Quảng Bình luôn năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất và công tác, khắc phục mọi khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tập trung chỉ đạo đổi mới công tác vận động nữ CNVCLĐ trên cơ sở chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục về giới, bình đẳng giới, chính sách pháp luật lao động liên quan đến lao động nữ. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ; tăng cường đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt nữ công. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội trong nữ CNVCLĐ, chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ.

Quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế đã và đang có tác động sâu rộng đến tư tưởng, đời sống, việc làm nữ CNVCLĐ; tiền lương, thu nhập của công nhân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhìn chung chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động; có nơi thu nhập của người lao động chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của bản thân và gia đình. Mong muốn lớn nhất của đa số lao động nữ hiện nay là có việc làm ổn định với thu nhập cao để cải thiện đời sống; có nhà ở; có thời gian chăm sóc gia đình và con cái; có đủ cơ sở khám chữa bệnh và trường học cho con trẻ, có nơi sinh hoạt văn hóa thể thao để nâng cao đời sống tinh thần…


Giao lưu, biểu dương tập thể, cá nhân nữ điển hình trong các phong trào thi đua

Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức cho lao động nữ. Thực tiễn đó đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải có những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng công tác vận động nữ CNVCLĐ góp phần xây dựng giai cấp công nhân  và tổ chức Công đoàn vững mạnh.

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu về công tác vận động phụ nữ của Đảng trong tình hình mới, qua đó nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp công đoàn đối với công tác vận động nữ CNVCLĐ. Tăng cường phối hợp với Hội phụ nữ các cấp triển khai các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong nữ CNVCLĐ và lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn.

Hai là, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ CNVCLĐ; phối hợp các ban, ngành liên quan tham gia triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề về nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng các thiết chế văn hóa... tại các khu, cụm công nghiệp, nơi có đông nữ CNLĐ. 

Ba là, thường xuyên nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc trong đời sống của nữ CNVCLĐ để có biện pháp phối hợp giải quyết kịp thời. Tham mưu cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; bố trí sử dụng lao động nữ hợp lý nhằm phát huy được năng lực và sở trường của chị em.

Bốn là, triển khai sâu rộng phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" gắn với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" trong nữ CNVCLĐ. Chú trọng xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, cụ thể hóa nội dung thi đua, tiêu chuẩn thi đua phù hợp với nữ CNVCLĐ trong từng loại hình đơn vị và ngành nghề khác nhau.

Năm là, Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS và của các ban nữ công quần chúng, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tại cơ sở.

Sáu là, Phối hợp với Hội LHPN tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác vận động phụ nữ của Đảng tới các cấp công đoàn trong tỉnh; trước mắt là quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh lần thứ XVI, hướng tới Đại hội phụ nữ Toàn quốc lần thứ XIII tới đông đảo nữ CNVCLĐ góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của phong trào phụ nữ toàn tỉnh.

Từ Thu Hạnh 

[Trở về]