LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Tài liệu tuyên truyền 70 năm ngày thành lập Công đoàn Quảng Bình 

I. SỰ RA ĐỜI CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VÀ TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, tập trung đầu tư vào các ngành chủ yếu như: khai thác mỏ, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ...nhằm tăng cường vơ vét, bóc lột nhân dân thuộc địa để bù đắp những tổn thất trong chiến tranh. Từ sự đầu tư vào công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, đã làm cho số lượng công nhân tăng nhanh, sự ra đời tất yếu khách quan của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam và đó cũng là điều kiện cơ bản làm xuất hiện một giai cấp mới - giai cấp công nhân Việt Nam.

Trước sự bóc lột thậm tệ và đàn áp dã man của tư bản thực dân, công nhân lao động nước ta đã tự nguyện tập hợp nhau lập ra các tổ chức nghiệp đoàn, công hội để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình ở nhiều nơi trong cả nước. Tiêu biểu nhất là Công hội Ba Son do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập.

Quá trình hình thành, ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Những năm tháng hoạt động trong phong trào công nhân và Công đoàn Quốc tế, Người đã nghiên cứu hình thức tổ chức Công đoàn ở các nước tư bản, thuộc địa và nửa thuộc địa. Từ đó rút ra kinh nghiệm hoạt động Công đoàn nói chung và hình thức tổ chức cho Công đoàn Việt Nam nói riêng. Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh", Người viết: "Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới".

Quá trình Người chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập một chính Đảng vô sản cũng là quá trình Người xây dựng cơ sở lý luận và biện pháp tổ chức Công đoàn Cách mạng. Từ năm 1925 đến năm1928, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên hoạt động mạnh mẽ đã thành lập nhiều tổ chức, nhiều Công hội bí mật trong công nhân.

Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, lấy việc vận động công nhân làm nhiệm vụ công tác trung tâm của mình. Để tập hợp các Công hội đỏ ở cơ sở, Đảng đã tổ chức Tổng Công hội cấp tỉnh và giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng tổ chức Hội nghị đại biểu Công hội đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất.

Ngày 28/7/1929 Hội nghị đại biểu Công hội đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất họp tại trụ sở của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ số 15 Hàng Nón, Hà Nội. Hội nghị đã nhất trí thông qua chương trình, điều lệ, phương hướng hoạt động của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ và bầu ra Ban chấp hành lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Hội nghị quyết định cho xuất bản báo Lao động làm cơ quan thông tin, tuyên truyền và tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan lý luận truyền bá quan điểm, chủ trương của Công hội đỏ trong giai cấp công nhân (Ngày 25/8/1983 Bộ Chính trị quyết định lấy ngày tổ chức Hội nghị Công hội đỏ Bắc Kỳ (28/7/1929) làm ngày thành lập Công hội đỏ cả nước và Công đoàn Việt Nam lấy ngày này làm Ngày truyền thống).

Việc thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân Việt Nam. Đó vừa là kết quả tất yếu của sự trưởng thành về chất lượng của phong trào công nhân nước ta, vừa là thắng lợi của đường lối công vận của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng Sản Đông Dương, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tổ chức của phong trào công nhân Việt Nam. Việc thành lập tổ chức Công đoàn đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam góp phần vào sự lớn mạnh của phong trào cộng sản công nhân quốc tế. Mối quan hệ giữa phong trào công nhân Việt Nam với phong trào công nhân thế giới, đặc biệt là với công nhân và Công đoàn Pháp đã được Công hội đỏ thiết lập.

Chặng đường cách mạng 87 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua 11 kỳ Đại hội, Công đoàn Việt Nam đã vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách và nhiều lần thay đổi tên gọi theo từng giai đoạn lịch sử. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Việt Nam đều phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng của mình; luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và dân tộc; luôn tổ chức, vận động giai cấp công nhân đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, hào hùng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn và dân tộc Việt Nam. Với những đóng góp to lớn Công đoàn Việt Nam đã hai lần vinh dự đón nhận Huân chương Sao vàng; một Huân chương Hồ Chí Minh; một Huân chương Độc lập hạng Nhất của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Từ ngày thành lập đến nay Công đoàn Việt Nam trải qua 11 kỳ Đại hội và để phù hợp với từng giai đoạn của lịch sử, Công đoàn Việt Nam có các tên gọi khác nhau.

* Tên gọi

- Giai đoạn 1929 – 1935: Công hội đỏ.

- Giai đoạn 1935 – 1939: Nghiệp đoàn Hữu Ái.

- Giai đoạn 1939 – 1941: Hội Công nhân phản đế.

- Giai đoạn 1941 – 1946: Hội Công nhân cứu quốc.

- Giai đoạn từ 1946 – 1961: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Giai đoạn từ 1961 – 1988: Tổng Công đoàn Việt Nam.

- Từ năm 1988 đến nay: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

* Các kỳ Đại hội của Công đoàn Việt Nam

- Đại hội lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 15/01/1950 tại tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, ủy viên Bộ Chính trị được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Đại hội lần thứ hai được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 27/02/1961 tại Trường Thương nghiệp, Thủ đô Hà Nội. Đ/c Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch.

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam.

- Đại hội lần thứ III được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 14/02/1974 tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Đ/c Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được bầu làm Chủ tịch danh dự. Đ/c Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch .

- Đại hội lần thứ IV được tổ chức từ ngày 8 đến ngày 11/5/1978 tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng) được bầu làm Chủ tịch.

- Đại hội lần thứ V được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 18/11/1983 tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, ủy viên TW Đảng được bầu làm Chủ tịch. Tháng 2/1987 đồng chí Phạm Thế Duyệt được bầu làm Chủ tịch thay đ/c Nguyễn Đức Thuận.

- Đại hội lần thứ VI được tổ chức từ ngày 17 đến ngày 20/10/1988 tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Văn Tư, ủy viên dự khuyết Ban chấp hành TW Đảng được bầu làm Chủ tịch.

Đại hội VI đã quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đổi tên Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành Liên đoàn lao động tỉnh.

- Đại hội lần thứ VII được tổ chức từ ngày 09 đến ngày 12/11/1993 tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Văn Tư, ủy viên BCH TW Đảng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch.

- Đại hội lần thứ VIII được tổ chức từ ngày 03 đến ngày 06/11/1998 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Cù Thị Hậu, ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch.

- Đại hội lần thứ IX được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 13/10/2003 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Cù Thị Hậu, ủy viên BCH Trung ương Đảng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch. Tháng 12/2006 đồng chí Đặng Ngọc Tùng được bầu làm Chủ tịch thay đ/c Cù Thị Hậu.

- Đại hội lần thứ X được tổ chức từ ngày 02 đến ngày 05/11/2008 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch.

- Đại hội XI nhiệm kỳ 2013-2018 được tổ chức tháng 7/2013. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, ủy viên BCH Trung ương Đảng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch. Tháng 04/2016 đ/c Bùi Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nguyên Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, được bầu làm Chủ tịch thay đ/c Đặng Ngọc Tùng nghỉ hưu.

II. HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN QUẢNG BÌNH QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ

1. Phong trào công nhân và Công đoàn Quảng Bình trước cách mạng tháng Tám năm 1945

Là một tỉnh nhỏ miền Trung thuần túy về nông nghiệp, giai cấp công nhân Quảng Bình hình thành chậm, chủ yếu xuất thân từ nông dân và số lượng ít so với các khu vực trong cả nước. Dưới tác động trực tiếp của những chính sách thực dân, cuộc sống của người nông dân bị dồn đến cùng cực, không lối thoát, một số nông dân phải bán ruộng, gán nợ và trở thành một nhóm nhỏ công nhân lao động làm thuê, một số khác bị bắt đi lính chiến và lính thợ.

Để thực hiện chính sách khai thác một cách quy mô, thực dân Pháp thực hiện xây dựng một số công trình hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ xuyên quốc gia đi qua Quảng Bình, vì vậy đã thu hút một lực lượng khá lớn lao động Quảng Bình và dần dần đã hình thành một đội ngũ công nhân chuyên nghiệp. Đây chính là lực lượng công nhân đầu tiên ở Quảng Bình.

Cùng với sự xuất hiện của đội ngũ công nhân chuyên nghiệp (chủ yếu trên lĩnh vực xây dựng và quản lý các công trình giao thông vận tải) sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, ở Quảng Bình đã xuất hiện một lực lượng công nhân mới: đó là công nhân nông nghiệp, làm việc trong các đồn điền với số lượng hàng chục nghìn người. Bên cạnh đó, một lực lượng lao động mà vị trí của họ không kém phần quan trọng trong phong trào công nhân thời kỳ này là tầng lớp công chức làm thuê trong các cơ quan do Pháp thành lập và một số cơ quan của chính phủ Nam Triều; thợ thủ công.

Trong những năm 1925 – 1929 nhiều tổ chức công hội của giai cấp công nhân đã ra đời như: Công hội Sài Gòn (năm 1925), Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (thành lập ngày 28/7/1929), Tổng Công hội Vinh - Bến Thủy (11/1929)...ở Quảng Bình cùng với việc tác động tích cực của các hội viên tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí hội”, thì những công nhân làm việc dọc tuyến ga xe lửa là những hạt giống đỏ đầu tiên trong đội ngũ công nhân tự do và lao động làm thuê có công trong việc truyền bá sách báo tiến bộ, giác ngộ tinh thần yêu nước và tư tưởng cách mạng cho quần chúng cách mạng Quảng Bình nói chung và đội ngũ công nhân nói riêng. Trong thời kỳ này ở Quảng Bình đã xuất hiện nhiều tổ chức biến tướng của công nhân, nông dân và các thành phần lao động khác như: “Nông hội đỏ”, “Hội cứu tế đỏ”, “Hội tương tế”. Các tổ chức hội quần chúng dưới nhiều dạng khác nhau được thành lập khắp nơi, nhất là trong thời kỳ 1930 – 1931 hàng loạt các tổ chức quần chúng (dưới hình thức “hội”) đã ra đời tập hợp hàng ngũ công nhân, lao động, viên chức, trí thức, nông dân có tư tưởng tiến bộ, cùng chí hướng mục tiêu. Tuy trong tất cả các tổ chức hội quần chúng nói trên không có tổ chức nào mang tên “Công hội”, nhưng trong thực chất nhiều tổ chức hoạt động theo mục tiêu công hội và thành phần của tổ chức bao gồm công nhân, lao động và lao động tự do mang tên “Hội tương tế”. Một số khác tuy mang tên “Nông hội” nhưng thành phần của hội bao gồm nông dân, công nhân tự do, giáo chức, trong đó thành phần công nhân, lao động tự do nắm quyền chi phối hội.

Như vậy, trên danh nghĩa Công hội chưa có tên ở Quảng Bình thời kỳ 1930 – 1931 nhưng những tổ chức quần chúng mang chức năng Công hội đã được thành lập trong đội ngũ công nhân Quảng Bình.

Từ khi Đảng CSVN được thành lập, với vai trò nòng cốt của đội ngũ công nhân chuyên nghiệp, nhiều cơ sở yêu nước và cách mạng đã được thành lập. Xứ ủy Trung Kỳ và những người cộng sản đã có môi trường cách mạng thuận lợi trong đội ngũ công nhân Quảng Bình để xây dựng cơ sở. Ngày 22/4/1930 chi bộ Cộng sản đầu tiên – Chi bộ Kẻ Rấy đã ra đời trong cơ sở công nhân, theo đó một số chi bộ khác cũng được thành lập, là cơ sở để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng trong công nhân Quảng Bình. Đến năm 1945, trong đội ngũ công nhân Quảng Bình đã xuất hiện một tổ chức chính trị của công nhân đó là “Hội công nhân cứu quốc”. Các tổ chức công nhân cứu quốc ở Đồng Hới, ở công trường Áng Sơn, Hội công nhân cứu quốc ở công trường Dốc Sỏi ra đời đã có những hoạt động tích cực trong công tác cứu đói, chống âm mưu của Pháp và tẩy chay các hoạt động của tổ chức thân Nhật. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ công nhân lao động đã cùng với các lực lượng, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đứng lên giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

2. Công đoàn Quảng Bình trong cuộc đấu tranh bảo vệ, xây dựng chính quyền và kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược (1945 - 1954)

Ngay sau hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh (ngày 7.10.1945), Tỉnh ủy Quảng Bình giao nhiệm vụ cho đồng chí Hồng Xích Tâm - Ủy viên BCH lâm thời tỉnh Đảng bộ, cùng với một số đồng chí ở Phòng tuyên truyền tỉnh thành lập Hội công nhân cứu quốc tỉnh. Đầu năm 1946, đồng chí Hồng Xích Tâm triệu tập Hội nghị đại biểu các tổ chức công nhân cứu quốc ở cơ sở, họp bàn việc thành lập Hội Công nhân cứu quốc trong toàn tỉnh. Tại tỉnh Ban chấp hành Hội công nhân cứu quốc chính thức ra mắt. Đồng chí Hồng Xích Tâm ủy viên BCH tỉnh Đảng bộ Quảng Bình kiêm thư ký Hội công nhân cứu quốc tỉnh.

Dưới sự lãnh đạo của tỉnh Đảng bộ Quảng Bình cùng với toàn Đảng, toàn dân và các hội cứu quốc khác, Hội công nhân cứu quốc vừa ra sức sản xuất, khôi phục kinh tế, vừa xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân mới thành lập. Đồng thời Hội tích cực tham gia phong trào “chống giặc đói,chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm”. Ngày 06/01/1946 giai cấp công nhân Việt Nam đã cùng nhân dân cả nước phấn khởi thực hiện quyền dân chủ tham gia tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hội công nhân cứu quốc tỉnh đã tổ chức học tập, tuyên truyền vận động quần chúng, hội viên đi bầu cử. Hội viên Hội công nhân cứu quốc còn tham gia các tổ bảo vệ bầu cử, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên ở Quảng Bình.

Với sự kiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tuyên bố chính thức thành lập và ra mắt quần chúng ngày 20/7/1946 tại Thủ đô Hà Nội đã đánh dấu một bước phát triển của giai cấp công nhân và phong trào Công đoàn Việt Nam; có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy quá trình phát triển về chính trị và tổ chức của công nhân Quảng Bình. Tháng 8/1946, được sự chỉ đạo chặt chẽ của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, Ban chấp hành lâm thời Hội công nhân cứu quốc tỉnh đã triệu tập Đại hội đại biểu toàn tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất tại thị xã Đồng Hới.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, song song với trọng tâm công tác củng cố tổ chức, công đoàn coi trọng việc tổ chức các lò rèn vũ khí, tuyển chọn thợ giỏi tham gia xưởng chế tạo vũ khí, thành lập đội tự vệ vũ trang, huy động đoàn viên tham gia thực hiện “tiêu thồ kháng chiến”. Hàng ngàn công nhân, viên chức theo tiếng gọi của Hồ Chủ tịch “tản cư cũng là kháng chiến” đã hy sinh nhà cửa, tài sản, tất cả để kháng chiến. Công đoàn tổ chức lực lượng công nhân, lao động tham gia chiến đấu; di chuyển máy móc, vật liệu lên các chiến khu để xây dựng cơ sở sản xuất, phục vụ kháng chiến lâu dài. Liên đoàn Lao động Quảng Bình chỉ đạo các công đoàn cơ sở ở các huyện, thị phối hợp cùng các cơ quan và nhân dân xây dựng các chiến khu kháng chiến thành căn cứ kháng chiến ở các địa phương; tham gia các đội cứu tế, phá hoại, bố phòng, tiếp tế vận tải, giao thông liên lạc. Các cơ sở công đoàn trong vùng địch vận động tổ chức quần chúng đấu tranh hợp pháp với địch; tuyên truyền, vận động nhân dân vùng tạm chiếm đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến; tổ chức các tổ du kích bí mật chờ khi có lệnh sẵn sàng phối hợp chiến đấu.

Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua Ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công đoàn đã phối hợp với chính quyền cổ vũ công nhân lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để làm ra nhiều vũ khí mới, sản xuất các mặt hàng thiết yếu cho đời sống nhân dân. Đồng thời phối hợp với các lực lượng đẩy mạnh tấn công diệt tề theo chỉ thị của Tỉnh ủy. Từ phong trào “Thi đua Ái quốc” đến tổng phá tề, tổ chức Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo công nhân, công đoàn cơ sở đóng góp tích cực vào phong trào chung, tích cực tham gia mọi công tác kháng chiến.

3. Công đoàn Quảng Bình trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước (giai đoạn 1954 - 1975)

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng đã nhanh chóng bắt tay tiến hành khôi phục kinh tế.

Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới, công nhân và tổ chức Công đoàn luôn đóng vai trò nòng cốt, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Liên đoàn Lao động Quảng Bình đã phát động đoàn viên kiêm nhiệm công việc, gánh vác công tác của những đồng chí đi phát động quần chúng, cải cách ruộng đất, đi chống lụt, chống đói; quyết tâm vượt mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời cùng một số cơ quan chuyên môn đề đạt kế hoạch lên Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh thực hiện các chế độ đã được Đảng, Nhà nước ban hành đối với người lao động. Đôn đốc công đoàn cơ sở chủ động, sáng tạo, cùng thảo luận bàn bạc với chuyên môn tìm cách cải thiện đời sống cho đoàn viên như: tu sửa, sắm thêm dụng cụ ở bếp ăn tập đoàn, đóng thêm giường nằm, làm nhà giữ trẻ, truy lĩnh trợ cấp con, phụ cấp cho những gia đình gặp khó khăn; cấp chăn, màn, áo ấm cho cán bộ, công nhân miền Nam tập kết...

Ngày 05/11/1957 Chủ tịch nước ra Sắc lệnh số 108-SL/L10  ban hành Luật Công đoàn. Đây là cơ sở pháp lý cho hoạt động công đoàn, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc kiện toàn tổ chức và nâng cao vị thế của Công đoàn Việt Nam. Trong giai đoạn này, Liên đoàn Lao động Quảng Bình tập trung chấn chỉnh hệ thống tổ chức, kiện toàn bộ máy công đoàn các cấp, nhằm tăng cường sự lãnh đạo. Tính đến năm 1959 số lượng đoàn viên công đoàn trong tỉnh có trên 10.000 người; trình độ giác ngộ giai cấp và ý thức tổ chức kỷ luật của công nhân, lao động được nâng cao. Các đơn vị công đoàn cơ sở bước đầu đã chuyển hướng phương pháp công tác đi sâu vào việc phục vụ sản xuất, lấy tổ công đoàn làm cơ sở cho đoàn viên tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý sản xuất, phát huy vai trò, tác dụng của công đoàn trong việc tham gia quản lý kinh tế theo nội dung căn bản của Luật Công đoàn đề ra.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội và nghị quyết của tổ chức công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh đã động viên công nhân, viên chức thi đua thực hiện các phong trào “Hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Vì miền Nam ruột thịt”, “Lo cho cơ quan trước khi tự lo cho mình”, “Hai giỏi”; phấn đấu xây dựng “tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”, thực hiện cuộc vận động “3 xây, 3 chống”, “Công đoàn 4 tốt”, “Tăng năng suất lao động”...Lấy nội dung cuộc vận động “Công đoàn 4 tốt” làm căn cứ để xây dựng tổ chức công đoàn. Đến cuối năm 1966, mạng lưới Công đoàn Quảng Bình đã xây dựng được 156 công đoàn bộ phận, 1.711 tổ công đoàn với 17.000 đoàn viên.

Tháng 4/1972, đế quốc Mỹ lại đánh phá miền Bắc với quy mô ác liệt hơn, tàn bạo hơn. Ở Quảng Bình ngay từ đầu tháng 4/1972 máy bay và tàu chiến Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc đánh phá lớn đã gây nên một số tổn thất nghiêm trọng. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Tổng Công đoàn, Liên hiệp Công đoàn Quảng Bình đã phát động tinh thần xả thân vì nước, động viên công nhân, viên chức hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, dũng cảm lao vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, tiếp tục bảo vệ và phát triển sản xuất, chi viện cao nhất cho tiền tuyến lớn, nhất là chiến trường Trị Thiên.

Trong giai đoạn này, thực hiện chính sách vừa sản xuất, vừa chiến đấu, là hậu phương trực tiếp đối với cách mạng Miền Nam, đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn đã cùng với nhân dân trong tỉnh giành nhiều thắng lợi vẻ vang, góp phần cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc, giai đoạn cả nước cùng đi lên XHCN.

3. Công đoàn Quảng Bình trong những năm xây dựng và bảo vệ tổ quốc (giai đoạn 1975 – 1986)

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bên cạnh những thuận lợi, Quảng Bình đang đứng trước những khó khăn, thử thách hết sức gay gắt. Hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề, các công trình dân sinh, cơ sở kỹ thuật công nghiệp, nông nghiệp, nhất là hệ thống thuỷ lợi bị tàn phá đang là gánh nặng trong quá trình khôi phục và xây dựng. Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho nhân dân Quảng Bình lúc này là tập trung đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và chú trọng về sản xuất vật liệu xây dựng, tăng nhanh nguồn thu của địa phương, phấn đấu giải quyết phần lớn nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh đồng thời bước đầu có hàng hoá làm nghĩa vụ cho Nhà nước. Liên hiệp Công đoàn tỉnh đã phối hợp với chính quyền phát động phong trào thi đua lao động sản xuất và cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với các ngày lễ kỷ niệm lớn trong năm... Vì vậy, đã có nhiều công trình, sản phẩm mang tên "1/5", "19/5" "30/4" "Đời đời nhớ ơn Bác," "Mừng miền Nam đại thắng" ra đời đáp ứng kịp thời sinh hoạt của nhân dân.

 Các cấp công đoàn cùng với các cơ quan chuyên môn mở các hội nghị chuyên đề bàn về vấn đề ăn, ở, nhà trẻ, phúc lợi tập thể, thực hiện các chế độ, chính sách đối với quần chúng. Công đoàn các cấp đã chú ý đến việc giám sát, tham gia với chuyên môn thi hành các chính sách, chế độ tiền lương, tiền thưởng, quỹ phúc lợi; thi hành chính sách BHXH, xây dựng gia đình văn hóa, vận động quần chúng tham gia xây dựng và thực hiện định mức chỉ tiêu trong lao động sản xuất theo các lĩnh vực chuyên môn, ngành nghề.

Tháng 3 năm 1976, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Tháng 6/1976 tổ chức Công đoàn 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất thành Liên hiệp Công đoàn Bình Trị Thiên. Sau khi tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh, nhân dân Bình Trị Thiên đã có cơ hội sát cánh bên nhau trong công cuộc xây dựng xã hội mới. Đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn trong tỉnh đã đoàn kết, gắn bó cùng chung sức, chung lòng phấn đấu khắc phục khó khăn, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, huy động mọi nguồn lực để duy trì sự ổn định của nền kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Thông qua phong trào hành động cách mạng, công nhân viên chức toàn tỉnh đã nêu cao tinh thần cách mạng, chủ động khắc phục vượt qua khó khăn, năng động sáng tạo, tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. có bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Phong trào lao động sáng tạo ngày càng phát triển với hàng vạn sáng kiến, làm lợi cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng. Số tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa phát triển từ 517 (1975) lên 1.937 tổ (1985), số chiến sĩ thi đua tăng từ 1.764 người năm 1975 lên 4.628 người năm 1985. Hệ thống tổ chức Công đoàn của tỉnh Bình Trị Thiên ngày càng  phát triển và trưởng thành. Đây chính là thời kỳ tổ chức Công đoàn được mở rộng trong trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, ở các huyện, thị, thành phố và lực lượng vũ trang. Số lượng đoàn viên và tổ chức công đoàn cơ sở tăng nhanh. Đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp có bước phát triển về số lượng, được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và trưởng thành trong hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và phong trào công nhân trong giai đoạn cách mạng mới. Những kết quả đã đạt được của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Bình Trị Thiên nói chung và Quảng Bình nói riêng trong thời gian qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo đà cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn tỉnh nhà vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

4. Công đoàn Quảng Bình trong công cuộc đổi mới đất nước (giai đoạn 1986 đến nay)

Trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hoạt động công đoàn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Trình độ, năng lực nhiều cán bộ công đoàn còn yếu; cơ chế và phương thức hoạt động chưa kịp đổi mới theo yêu cầu chung. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện thực tiễn, Liên hiệp Công đoàn Bình Trị Thiên đã chỉ đạo các cấp công đoàn bám sát mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh, tổ chức các phong trào thi đua, vận động công nhân, viên chức, lao động thực hiện ba chương trình kinh tế lớn là sản xuất lương thực, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Phong trào phục vụ sản xuất lương thực - thực phẩm được duy trì liên tục, phát triển rộng, bước đầu có đổi mới về hình thức và nội dung liên kết giữa công đoàn với các ngành hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; một số cơ sở thuộc các ngành đóng trên những địa bàn khác nhau đã liên kết cùng thực hiện một nhiệm vụ để phục vụ hoạt động sản xuất và sinh hoạt đời sống nhân dân các vùng trong tỉnh.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, ngày 01/7/1989 tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 03 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Tỉnh Quảng Bình được tái thành lập, trở về địa giới cũ. Những năm đầu tái lập tỉnh, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đội ngũ CNVCLĐ Quảng Bình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và chống chọi thiên tai, cần cù lao động, thông minh và sáng tạo, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh. Bằng nhiều hoạt động phong phú và thiết thực, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tập hợp, động viên đông đảo CNVCLĐ tham gia các phong trào hành động cách mạng, tích cực và đi đầu trong mọi hoạt động thực tiễn, mang lại những hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế, xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh.

Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động Quảng Bình đã quan tâm chỉ đạo, từng bước đổi mới tổ chức, kiện toàn, củng cố bộ máy công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cấp cơ sở. Đội ngũ, cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp công đoàn từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đoàn viên công đoàn trong tỉnh ngày càng tăng về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, thực sự phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do công đoàn phát động phát triển mạnh mẽ và ngày càng có sức lan tỏa như: phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi", cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức "Trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu" ...  Ngày càng chú trọng quan tâm tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo cho đoàn viên, lao động, nhất là đoàn viên, lao động có hoàn cảnh khó khăn như: tổ chức Chương trình “Công đoàn Quảng Bình đồng hành cùng người lao động”, “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân”... Tập trung vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp; vận động đoàn viên, CNVCLĐ tích cực thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện phong trào "Thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn",  xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội...góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra, đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Các cấp công đoàn vận động CNVCLĐ tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đấu tranh với mọi biểu hiện tiêu cực, tham những, lãng phí, mất dân chủ, bè phái, cục bộ địa phương… Tăng cường và phát huy vai trò làm chủ của giai cấp công nhân; phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bồi dưỡng, giới thiệu những đoàn viên công đoàn ưu tú để tổ chức Đảng xem xét, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

5. Các kỳ Đại hội và tên gọi Công đoàn Quảng Bình qua các thời kỳ

5.1. Tên gọi Công đoàn Quảng Bình qua các thời kỳ

Từ ngày thành lập (8/1946) đến nay, để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử,  Công đoàn Quảng Bình đã có các tên gọi khác nhau như:

- Hội Công nhân cứu quốc tỉnh (1945 - 1946);

- Liên đoàn Lao động tỉnh (1946 - 1961);

- Liên hiệp Công đoàn tỉnh (1961 - 1988);

- Từ năm 1988 đến nay là Liên đoàn Lao động tỉnh.

5.2.  Công đoàn Quảng Bình qua các kỳ Đại hội

Công đoàn Quảng Bình tiền thân là Hội Công nhân cứu quốc, từ khi thành lập năm 1946 đến nay đã trải qua 17 kỳ Đại hội.

- Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 8/1946 tại thị xã Đồng Hới; tham dự Đại hội gần 40 đại biểu thay mặt cho trên 2.000 đoàn viên toàn tỉnh. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 07 đồng chí, đồng chí Hồng Xích Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh được bầu làm Thư ký, đồng chí Nguyễn Văn Đài - Uỷ viên Thường trực. Đại hội được nghe thông báo đổi tên “Hội công nhân cứu quốc” thành “Liên đoàn Lao động”.

- Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ II được tổ chức vào ngày 22/4/1950 tại xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa; tham dự Đại hội có 286 đại biểu thay mặt cho hơn 8.000 đoàn viên công đoàn trong tỉnh. Đại hội bầu BCH gồm 13 đồng chí, đồng chí Nguyễn Duy Đàn được bầu làm Thư ký, đồng chí Hồ Văn Hai được bầu làm Phó Thư ký, đồng chí Tống Châu Sỹ - Ủy viên thường trực.

- Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ III được tổ chức từ ngày 23-25/6/1957 tại thị xã Đồng Hới; tham dự Đại hội có đại biểu của tất cả công đoàn ở các cơ sở công, nông trường, xí nghiệp, cơ quan, đại diện cho các ngành, các giới, các lĩnh vực hoạt động và các đồng chí chiến sỹ thi đua nông nghiệp. Đại hội đã bầu BCH mới gồm 11 đồng chí, đồng chí Cổ Kim Thành được bầu làm Thư ký và đồng chí Nguyễn Văn Thụ làm Phó Thư ký.

- Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ IV được tổ chức từ ngày 11-14/01/1960 tại thị xã Đồng Hới; tham dự Đại hội có 130 đại biểu chính thức và 25 đại biểu dự thính. Đại hội đã bầu BCH mới gồm 17 đồng chí ủy viên chính thức và 02 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Công Trừng được bầu làm Thư ký và đồng chí Nguyễn Văn Thụ được bầu làm Phó Thư ký.

- Tháng 01/1962, Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ V (vòng 2) được tổ chức tại thị xã Đồng Hới (Trước đó ngày 8/01/1961 Công đoàn tỉnh đã tổ chức Đại hội lần thứ V vòng 1 để thảo luận báo cáo của BCH Tổng Liên đoàn và bầu đại biểu đi dự Đại hội II của Tổng Liên đoàn). Tham dự Đại hội có 149 đại biểu ưu tú đại diện cho 13.500 công nhân, viên chức trong toàn tỉnh. Đại hội đã bầu BCH mới gồm 19 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Thụ được bầu làm Thư ký.

- Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ VI  được tổ chức từ ngày 12-15/5/1964 tại thị xã Đồng Hới; tham dự Đại hội có 157 đại biểu đại diện cho hơn 15.000 đoàn viên công đoàn toàn tỉnh. Đại hội đã bầu BCH mới gồm 19 đồng chí, 05 đồng chí ủy viên Thường vụ, Đồng chí Nguyễn Văn Thụ được bầu làm Thư ký, đồng chí Lê Hùng được bầu làm Phó Thư ký.

- Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ VII được tổ chức ngày 12/4/1972 tại Mỹ Cương, Đồng Hới; tham dự Đại hội có 175 đại biểu đại diện cho hơn 16.000 đoàn viên. Đại hội đã bầu BCH mới gồm 35 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Đài được bầu làm Thư ký.

- Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ VIII (vòng 1) được tổ vào tháng 12/1973 để tham gia báo cáo của chính trị BCH Tổng Liên đoàn và bầu đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ III. Đại hội (vòng 2) được tổ chức vào ngày 09/8/1974 tại thị xã Đồng Hới. Đại hội đã bầu BCH mới gồm 24 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Thụ được bầu làm Thư ký, đồng chí Đoàn Phúc Thắng và đồng chí Nguyễn Đình Chuẩn được bầu làm Phó Thư ký.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), thực hiện chủ trương của Trung ương về hợp nhất tỉnh, tháng 6/1976 tổ chức Công đoàn 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất thành Liên hiệp Công đoàn Bình Trị Thiên. Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn lâm thời gồm 31 uỷ viên do đồng chí Nguyễn Văn Thụ làm Thư ký, đồng chí Phạm Ngọc Đệ và đ/c Nguyễn Thanh Tùng làm Phó Thư ký.

- Đại hội Liên hiệp Công đoàn tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ nhất (Công đoàn Quảng Bình lần thứ IX) được tổ chức từ ngày 22-27/11/1977 tại thành phố Huế; tham dự Đại hội có 412 đại biểu đại diện cho hơn 80.000 đoàn viên. Đại hội đã bầu BCH mới gồm 39 đồng chí; BCH bầu 11 đồng chí Ban Thường vụ, đ/c Nguyễn Văn Thụ được bầu làm Thư ký, đ/c Trần Duy Kham làm Phó Thư ký.

- Đại hội Liên hiệp Công đoàn tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ II (Công đoàn Quảng Bình lần thứ X) được tổ chức từ ngày 14-16/8/1981 tại thành phố Huế; tham dự Đại hội có 350 đại biểu đại diện cho hơn 85.500 đoàn viên. Đại hội đã bầu BCH mới gồm 41 đồng chí; BCH bầu 11 đồng chí Ban Thường vụ, đ/c Lê Viết Tâm được bầu làm Thư ký, đ/c Trần Duy Kham làm Phó Thư ký.

- Đại hội Liên hiệp Công đoàn tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ III (Công đoàn Quảng Bình lần thứ XI) được tổ chức từ ngày 26-28/8/1983 tại thành phố Huế; tham dự Đại hội có 300 đại biểu đại diện cho 86.000 đoàn viên. Đại hội đã bầu BCH mới gồm 45 đồng chí; BCH bầu 13 đồng chí Ban Thường vụ, đ/c Lê Viết Tâm được bầu làm Thư ký, đ/c Trần Duy Kham làm Phó Thư ký.

- Đại hội Liên hiệp Công đoàn tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ IV (Công đoàn Quảng Bình lần thứ XII) được tổ chức từ ngày 28-30/7/1988 tại thành phố Huế; tham dự Đại hội có 280 đại biểu đại diện cho hơn 87.000 đoàn viên. Đại hội đã bầu BCH mới gồm 41 đồng chí; BCH bầu 12 đồng chí Ban Thường vụ, đ/c Lê Viết Tâm được bầu làm Thư ký, đ/c Đinh Hữu Cường và đ/c Nguyễn Xuân Lý làm Phó Thư ký.

Tại Đại hội VI Công đoàn Việt Nam (tháng 10/1988) đã quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên hiệp Công đoàn các tỉnh thành Liên đoàn Lao động tỉnh và các chức danh Thư ký thành Chủ tịch.

 Ngày 01/7/1989 thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 03 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình được thành lập trên cơ sở các uỷ viên Ban chấp hành từ tỉnh Bình Trị Thiên về (có bổ sung). Ban chấp hành gồm 18 uỷ viên, đồng chí Đinh Hữu Cường được cử làm Chủ tịch, đ/c Nguyễn Thị Hồng Giáo làm Phó Chủ tịch. Từ năm 1989 đến năm 1993 có 09 đồng chí được chỉ định bổ sung Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh. Năm 1990 đồng chí Nguyễn Thanh Ba làm Chủ tịch thay đồng chí Đinh Hữu Cường đi nhận công tác khác.

- Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Bình lần thứ XIII được tổ chức từ ngày 22 - 24/6/1993 tại Thị xã Đồng Hới; tham dự Đại hội có 159 đại biểu. Đại hội đã bầu BCH gồm 25 đồng chí, BCH bầu Ban Thường vụ có 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Thanh Ba được bầu làm Chủ tịch, đ/c Trần Đình Huề và đ/c Nguyễn Thị Hồng Giáo được bầu làm Phó Chủ tịch. Ngày 9/8/1993 đồng chí Trần Đình Huề được Ban chấp hành LĐLĐ tỉnh bầu làm Chủ tịch thay đồng chí Nguyễn Thanh Ba đi nhận công tác khác. Ngày 22/10/1996 đ/c Đinh Thị Bích Phú được BCH LĐLĐ tỉnh bầu giữ chức Phó Chủ tịch thay đ/c Nguyễn Thị Hồng Giáo đi nhận công tác khác.

- Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV được tổ chức từ ngày 15 - 17/6/1998 tại Thị xã Đồng Hới; tham dự Đại hội có 200 đại biểu đại diện cho trên 23.000 đoàn viên trong toàn tỉnh. Đại hội bầu BCH gồm 29 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất, Ban chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí, đồng chí Đinh Thị Bích Phú được bầu làm Chủ tịch, đ/c Lương Văn Luyến và đ/c Lê Quang Hiểu được bầu làm Phó Chủ tịch.

 - Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Bình lần thứ XV được tổ chức từ ngày 29/6 - 01/7/2003 tại thị xã Đồng Hới; tham dự Đại hội có 217 đại biểu đại diện cho trên 31.000 đoàn viên, CNVCLĐ trong toàn tỉnh. Đại hội bầu BCH gồm 33 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất, BCH đã bầu Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí, đồng chí Nguyễn Quang Tuynh được bầu làm Chủ tịch,  đ/c Lê Quang Hiểu và đ/c Lê Thuận Văn được bầu làm Phó Chủ tịch.

- Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI được tổ chức từ ngày 19 - 21/8/2008 tại thành phố Đồng Hới; tham dự Đại hội có 223 đại biểu đại diện cho hơn 51.000 đoàn viên, CNVCLĐ trong toàn tỉnh. Đại hội bầu BCH gồm 35 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất, BCH đã bầu Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí, đồng chí Lê Thuận Văn được bầu làm Chủ tịch, đ/c Nguyễn Văn Bảo và đ/c Nguyễn Xuân Thạch được bầu làm Phó Chủ tịch. Ngày 21/02/2012 đ/c Nguyễn Xuân Toàn được BCH LĐLĐ tỉnh bầu làm Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2008-2013.

- Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII được tổ chức từ ngày 19 - 21/3/2013 tại Thành phố Đồng Hới; tham dự Đại hội có 231 đại biểu đại diện cho gần 60.000 đoàn viên, CNVCLĐ trong toàn tỉnh. Đại hội đã bầu BCH gồm 35 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất, BCH đã bầu Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí, đồng chí Lê Thuận Văn tiếp tục được bầu làm Chủ tịch, đ/c Nguyễn Văn Bảo, đ/c Nguyễn Xuân Thạch và đ/c Nguyễn Xuân Toàn  được bầu làm Phó Chủ tịch. 

Thực hiện quyết định của Tỉnh ủy Quảng Bình, tháng 9 năm 2015 đồng chí Nguyễn Lương Bình - TUV, Bí thư Huyện ủy huyện Minh Hóa được điều động về công tác tại LĐLĐ tỉnh và được BCH LĐLĐ tỉnh bầu bổ sung BCH, BTV và Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khóa XVII; tháng 11 năm 2015, đồng chí được BCH LĐLĐ tỉnh bầu giữ chức Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhiệm kỳ 2013 – 2018.

Mục tiêu của Công đoàn Quảng Bình đặt ra qua 17 kỳ Đại hội luôn phù hợp với từng giai đoạn cách mạng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như công cuộc xây dựng đất nước. Trải qua 70 năm, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Quảng Bình có những chuyển biến tích cực tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên. Từ 15 CĐCS với 2.600 đoàn viên cuối năm 1946 đến nay đã có 8 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, 7 công đoàn ngành và tương đương, với 1.104 công đoàn cơ sở, tập hợp trên 52.000 CNVCLĐ. Tỷ lệ công đoàn cấp trên cơ sở hoạt động toàn diện và toàn diện xuất sắc; công đoàn cơ sở đạt vững mạnh và vững mạnh xuất sắc; đoàn viên công đoàn xuất sắc đều được tăng lên qua mỗi nhiệm kỳ. Giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới đất nước, của tỉnh, là chỗ dựa vững chắc của Đảng và là cầu nối giữa Đảng, nhà nước với người lao động. Phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh của tỉnh, vị thế của tổ chức công đoàn được nâng lên trong xã hội.

          Phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân, CĐVN trong 87 năm qua, truyền thống “Hai giỏi” của quê hương Quảng Bình và lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của công đoàn tỉnh ta, giai cấp công nhân và công đoàn trong tỉnh sẽ khắc phục khó khăn, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, Đại hội XVII Công đoàn tỉnh đề ra và chương trình hành động của tổ chức công đoàn thực hiện nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh và nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; ra sức thi đua lao động sản xuất, công tác, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh năm 2016 và kế hoạch 5 năm  2016 - 2020.

                                                                                                                                                                           Ban Tuyên giáo tổng hợp 

[Trở về]