LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam 

Ngay từ những năm 1913, khi đang làm công việc của một đầu bếp ở khách sạn Các Tơn nổi tiếng ở Luân Đôn, Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ) đã tham gia tổ chức lao động Hải ngoại – một tổ chức nghiệp đoàn của những người thợ thuyền thuộc địa sống trên đất Anh. Khi trở lại Pháp, thông qua công việc Bác đã làm quen và kết thân với những thủ lĩnh có tên tuổi của tổ chức Công đoàn cánh tả. Năm 1918, Người tham gia Đảng xã hội Pháp và tham gia xây dựng các tổ chức Công đoàn trong công nhân Pháp. Năm 1919, Bác gia nhập Công đoàn kim khí Quận 17 Paris thuộc lực lượng Công đoàn vô Chính phủ có xu hướng khuynh tả. Người tiếp thu Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng của cách mạng tháng Mười Nga. Tại đây Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên (1920). Sau khi trở thành người Cộng sản, trong nhiều việc lớn chuẩn bị cho dân tộc trên lộ trình cách mạng lâu dài thì việc tìm kiếm những hình thức nhằm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân Việt Nam hay nói cách khác là xây dựng những cơ sở đầu tiên cho tổ chức Công đoàn nước ta đã chiếm một phần không nhỏ trong hoạt động phong phú và đa dạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Những năm tháng hoạt động trong phong trào công nhân và Công đoàn Quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy nghỉ rất nhiều về Tổ quốc, về những người công nhân lao động cùng khổ, về việc tổ chức họ lại đấu tranh chống đế quốc thực dân. Người đã nghiên cứu hình thức tổ chức công đoàn ở các nước Tư bản, thuộc địa và nửa thuộc địa. Từ đó rút ra kinh nghiệm thực tiễn, đặt cơ sở lý luận và hình thức tổ chức cho công đoàn Việt Nam.

Người nghiên cứu kỹ cuộc đấu tranh của công đoàn ở các nước thuộc địa của Ban Chấp hành Quốc tế Công hội đỏ và đưa vào cuốn sách nổi tiếng của mình “Bản án chế độ thực dân Pháp” trong đó có đoạn viết: “ ...Việc cần thiết hiện nay là phát động một cuộc tuyên truyền rộng lớn để thành lập các tổ chức Công đoàn ở các nước thuộc địa, nữa thuộc địa và phát triển các công đoàn hiện có dưới hình thức phôi thai”. Năm 1924, Người sang Liên Xô làm việc ở Quốc tế Cộng sản. Đến năm 1927, Người đã viết tác phẩm “Đường cách mệnh” bao gồm những bài giảng của Người ở lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu (Trung Quốc), xác định rõ tính chất, nhiệm vụ của tổ chức Công hội: “Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho Quốc dân, giúp cho thế giới”. Sau khi giải thích về nhiệm vụ của Công hội, Người khẳng định: “ Công hội là cơ quan của công nhân để chống lại Tư bản và Đế quốc chủ nghĩa”.

Như vậy, giữa những năm 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú ý đến chức năng bảo vệ quyền lợi của người lao động. Đã hơn 87 năm qua, song tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức công đoàn Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, có tính chất kinh điển về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn sau này.

Từ những cơ sở Công hội đầu tiên trên đất Pháp, những hội tương tế mang nặng tính chất Phường, Hội, từ những đốm lửa Công hội đỏ đầu tiên của Tôn Đức Thắng ở Sài gòn - Chợ Lớn đầu những năm 20 cùng với sự xâm nhập của tư tưởng XHCN vào nước ta qua Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, từ tự phát đến tự giác phong trào công nhân phát triển như vũ bão. Đặc biệt theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra ở Quảng Châu. Sau khi được học ở các lớp huấn luyện, những học trò ưu tú của Người như Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong Sắc...trở về nước hoạt động và đã phát động phong trào vô sản nổi tiếng. Nhiều Công hội bí mật đã hình thành trong giai đoạn từ 1925 – 1928. Đặc biệt từ năm 1928, khi Kỳ bộ Bắc Kỳ của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng phát động phong trào “Vô sản hóa” thì phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam càng sôi nổi, đã thúc đẩy sự phát triển của tổ chức Công hội lên một bước mới, làm cho tổ chức Công hội đỏ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ thực sự lan rộng, phát triển mạnh mẽ.

Trên bước đường đi tới Chủ nghĩa Mác – Lênin và thành lập các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm rất sớm đến tổ chức giai cấp của giai cấp công nhân. Quá trình Người chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập một chính Đảng vô sản cũng là quá trình Người xây dựng cơ sở lý luận và phương pháp tổ chức công đoàn cách mạng, những lý luận đó được phổ biến rộng rãi trong phong trào công nhân qua những lực lượng ưu tú của phong trào và đã trở thành kim chỉ nam cho giai cấp công nhân Việt Nam hướng tới. Đó cũng chính là bối cảnh để Đông Dương Cộng sản Đảng giao trọng trách cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28/7/1929 tại số nhà 15 – Hàng Nón – Hà Nội, là tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay. Đại hội còn quyết định ra Báo Lao động, cơ quan thông tin tuyên truyền và tạp chí Công hội đỏ làm cơ sở lý luận truyền bá chủ trương công tác của Công hội đỏ trong công nhân.

Sự ra đời của tổ chức Công đoàn cách mạng Việt Nam là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là hết sức quan trọng, nó có tác dụng rất lớn trong việc làm nổi bật tầm quan trọng của tổ chức Công hội đỏ đối với cuộc sống và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân.

Công đoàn cách mạng Việt Nam ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phong trào của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trên con đường tiến tới hợp nhất thành lập chính Đảng của giai cấp công nhân, Đảng Cộng sản Việt Nam.

                                                                              Lê Mậu Hai 

 

[Trở về]