LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Hiệu quả từ chương trình vốn vay giải quyết việc làm trong CNVCLĐ 

Thực hiện Chương trình vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm của Chính phủ, trong những năm qua Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cấp công đoàn rà soát các đối tượng CB, CC, VC, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu việc làm để triển khai dự án. Từ chương trình này đã thu hút được nhiều đối tượng người lao động tham gia vay vốn, giải quyết được hàng nghìn trường hợp thiếu việc làm ở các cấp Công đoàn trong tỉnh. 

Với tổng số vốn là 1,2 tỷ đồng do Tổng LĐLĐ Việt Nam phân bổ quản lý, LĐLĐ tỉnh đã xét cho các đơn vị có nhu cầu vay vốn, triển khai nhiều dự án vừa và nhỏ như: Trồng rừng kinh tế, chăn nuôi bò, lợn sinh sản và nuôi trồng, chế biến thủy hải sản... qua đó hỗ trợ cho nhiều hộ gia đình vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm cho con em CB, CC, VC, CNLĐ khắc phục khó khăn, vươn lên ổn định cuốc sống. Tiêu biểu có mô hình chăn nuôi bò sinh sản và trồng rừng kinh tế thuộc Lâm trường rừng thông Bố Trạch. Từ nguồn vốn ban đầu 237 triệu đồng, Công đoàn lâm trường đã cho 24  hộ gia đình công nhân vay vốn phát triển kinh tế, chia làm hai giai đoạn: từ 2009 - 2012 phát triển chăn nuôi, từ 2011 - 2017 trồng rừng kinh tế. Riêng mô hình phát triển chăn nuôi đã thu hút được 14 hộ công nhân, tạo được việc làm cho 19 lao động trong, nâng mức thu nhập bình quân từ 500.000đ - 700.000đ/người/tháng. Nhiều công nhân còn đã tận dụng được đồng cỏ ở các rừng trồng để phát triển chăn nuôi kết hợp chăm sóc bảo vệ rừng. Đây được xem là một trong những mô hình phát triển kinh tế triển vọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Công đoàn Lâm trường rừng thông Bố Trạch, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, giúp họ ổn định cuộc sống.

Mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của Công đoàn cơ sở xã Nam Hóa, huyện Tuyên Hóa có tổng nguồn vốn vay là 100 triệu đồng với 5 hộ tham gia.  Trên cơ sở số vốn được cấp từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, nhóm vay đã đầu tư chăn nuôi bò lai sin. Tuy dự án vay mới bước vào năm thứ 3, nhưng đến nay từ 5 con bò giống đã phát triển lên được 13 con, cơ bản các gia đình đoàn viên trong nhóm đã bắt đầu có lãi.

Theo báo cáo của Công đoàn cơ sở xã Nam Hóa, mỗi hộ được vay vốn phát triển chăn nuôi có thu nhập thêm từ 600 -7 00.000đ/người/tháng, cuộc sống dần ổn định hơn.

Những năm qua, phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình trong đoàn viên Công đoàn ở phường Bắc Nghĩa đã đạt nhiều kết quả đáng kể. Việc đẩy mạnh xây dựng các mô hình phát triển kinh tế với quy mô ngày càng lớn, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình đã được nhiều đoàn viên tích cực tham gia hưởng ứng.

Năm 2014, nhóm vay vốn gồm 8 hộ gia đình người lao động được vay 126 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Với nguồn vốn này,  nhóm đã quyết định huy động mọi nguồn lực để đầu tư nuôi chăn nuôi gia súc gia cầm theo hướng trang trại. Thành công của mô hình kinh tế trang trại đã mang lại mức thu nhập bình quân mỗi năm cho mỗi hộ gia đình khoảng từ 20 - 30 triệu đồng.

Trong quá trình triển khai dự án, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách - Xã hội tỉnh, Phòng giao dịch NHCSXH huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn các chủ dự án và hộ vay làm đúng thủ tục quy định, thẩm định, giải ngân kịp thời. Những dự án đến hạn đôn đốc thu hồi và cho vay luân chuyển nhanh, đảm bảo vốn vay được sử dụng liên tục. Các chủ dự án và hộ vay đều có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, không có trường hợp rủi ro xảy ra. Nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã góp phần hỗ trợ CB, CC, VC, CNLĐ khắc phục khó khăn, khai thác được tiềm năng, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, khắc phục khó khăn, ổn định đời sống,  góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng thêm niềm tin và động lực phấn đấu cho CB, CC, VC, CNLĐ, nâng cao vai trò, trách nhiệm và vị thế  của tổ chức Công đoàn trong đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

 

  Xuân Hạnh 

 

[Trở về]