LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
10 Diễn đàn chuyên đề trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam 
Nhằm phát huy, tập trung trí tuệ của các đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đóng góp các ý kiến sâu sắc, trọng tâm, trọng điểm về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của hoạt động Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028. 


Đồng chí Phạm Tiến Nam, UVBCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, TUV, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tham luận tại Diễn đàn.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức 10 diễn đàn thảo luận chuyên đề. Các diễn đàn được tổ chức thiết thực, hiệu quả, trên tinh thần nêu cao trách nhiệm, sáng tạo của các đại biểu tham dự; phát huy trí tuệ của đại biểu trong việc thảo luận, đề xuất sáng kiến để giải quyết những vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức công đoàn trong tình hình mới, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tại diễn đàn, đồng chí Phạm Tiến Nam, Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, TUV, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đại diện đoàn đại biểu Quảng Bình tham gia diễn đàn số 5 với chủ đề “Kinh nghiệm trong tổ chức công khai tài chính, tài sản công đoàn đối với các cấp công đoàn tại Công đoàn tỉnh Quảng Bình - Thực trạng và giải pháp” tổ chức tại Hội trường Hoa Sen - Tòa nhà VN1 - Số 200 Nguyễn Sơn, phường Bồ Đề, Quận Long Biên, TP Hà Nội.

Sau đây là toàn văn nội dung tham luận:

Kính thưa Chủ trì Diễn đàn!
Thưa các Quý đại biểu tham dự Diễn đàn!
Hôm nay đoàn đại biểu LĐLĐ tỉnh Quảng Bình về dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vinh dự được tham gia diễn đàn thảo luận chuyên đề tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Thay mặt đoàn đại biểu LĐLĐ tỉnh Quảng Bình tham dự hội thảo tôi xin gửi lời chào trân trọng, lời chúc sức khoẻ tới các đồng chí Lãnh đạo Tổng Liên đoàn, lãnh đạo các Ban Tổng Liên đoàn, các vị đại biểu khách quý, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Kính thưa toàn thể các đồng chí!
Tại diễn đàn thảo luận chuyên đề số 5 với chủ đề
“Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn” ngày hôm nay, thay mặt đoàn đại biểu LĐLĐ tỉnh Quảng Bình tôi xin tham luận với nội dung: “Kinh nghiệm trong công tác tổ chức công khai tài chính, tài sản công đoàn đối với các cấp công đoàn tại LĐLĐ tỉnh Quảng Bình”.
Kính thưa các đồng chí!
Đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc ngày càng sâu rộng, tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt cho tổ chức công đoàn nhiều cơ hội cũng như khó khăn, thách thức, yêu cầu tổ chức công đoàn phải đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động, phát huy hơn nữa vai trò chức năng, nhiệm vụ của mình, duy trì các hoạt động trong toàn hệ thống công đoàn mang tính bền vững.
Một trong những nhiệm vụ đó là cần phải xây dựng nguồn lực tài chính công đoàn đủ mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực theo hướng chuyên nghiệp, phát huy hiệu quả, góp phần to lớn nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của đoàn viên và người lao động.
Tài chính công đoàn là điều kiện, là công cụ phục vụ đắc lực cho các hoạt động của tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh. Để tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn phục vụ nhiệm vụ trung tâm của tổ chức công đoàn, tăng cường cơ sở vật chất, tài sản của tổ chức công đoàn ngày càng tốt hơn, đảm bảo điều kiện làm việc, nâng cao đời sống cho cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động. Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018-2023 nêu rõ:“Tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính, quản lý tài sản công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, thực hiện phân phối công bằng, hiệu quả; xây dựng nguồn lực đủ mạnh để đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”. Chính vì thế hoạt động tài chính công đoàn cần phát huy tốt vai trò của mình, việc tổ chức công khai tài chính, tài sản là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch; kiểm soát có hiệu quả để quản lý tài chính của công đoàn, việc quản lý tài sản được nâng lên nhằm đảm bảo phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức công đoàn.
Căn cứ các quy định của Luật Công đoàn 2012, Nghị định 191/NĐ-CP của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện công tác quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn: Nghị quyết 7b/NQ-TLĐ ngày 21/01/2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác tài chính trong tình hình mới; Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 về việc ban hành Quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn; xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình số 740/CTr-TLĐ về “Xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”…, đặc biệt Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có Hướng dẫn số 42/HDTLĐ ngày 11/11/2021 về hướng dẫn công khai tài chính, tài sản công đoàn đối với các cấp công đoàn.
Tại LĐLĐ tỉnh Quảng Bình hiện nay đang quản lý 08 LĐLĐ huyện, thị, thành phố, 07 Công đoàn ngành và tương đương, 10 Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc. Tổng số Công đoàn cơ sở LĐLĐ tỉnh Quảng Bình quản lý là 1135 đơn vị gồm 899 CĐCS khối hành chính sự nghiệp (HCSN), 236 CĐCS khối sản xuất kinh doanh (SXKD). Mỗi LĐLĐ huyện phụ trách bình quân khoảng 125 công đoàn cơ sở bao gồm các công đoàn cơ sở trường học, các công đoàn cơ sở xã phường, các công đoàn cơ sở khối HCSN và SXKD trên địa bàn, với đầu mối công đoàn cơ sở nhiều, yêu cầu công tác quản lý tài chính ngày càng cao, đội ngũ làm công tác kế toán chỉ có kiêm nhiệm không thể tham mưu cho lãnh đạo điều hành sử dụng nguồn kinh phí có hiệu quả. Tổng số lao động toàn tỉnh hơn 64 nghìn người: Số lao động SXKD trung ương đóng trên địa bàn: 4.741 người; số lao động do tỉnh quản lý: 57.015 người; số lao động đã có tổ chức Công đoàn: 52.274 người, trong đó: khối HCSN: 35.324 người, khối SXKD: 16.350 người.
Thực hiện quy định của pháp luật, các chủ trương, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết 7b/NQ-TLĐ ngày 21/01/2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác tài chính trong tình hình mới, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình số 740/CTr-TLĐ về “Xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”. Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo đúng quy định; Công tác chi tiêu và sử dụng tài chính, kinh phí công đoàn chặt chẽ, có kế hoạch, tiết kiệm và hiệu quả. Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, sử dụng tài chính, kinh phí công đoàn đúng chế độ, tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn. Thực hiện việc công khai tài chính ở các cấp công đoàn.
Công khai tài chính ở các cấp công đoàn là một khâu quan trọng trong công tác quản lý tài chính công đoàn. Mục đích công khai tài chính không chỉ nhằm phòng ngừa tham nhũng mà còn là biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, người lao động trong việc thực hiện quyền kiểm tra, giám sát quá trình quản lý và sử dụng tài chính công đoàn; huy động, quản lý và sử dụng các nguồn thu khác phục vụ hoạt động công đoàn; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính; bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài chính công đoàn, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp công đoàn.
Trong thời gian qua, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Quảng Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc công khai tài chính theo Hướng dẫn số 460/HD –TLĐ ngày 17 tháng 4 năm 2014 và Hướng dẫn số 42/HD-TLĐ ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đối với Liên đoàn Lao động tỉnh và các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc nghiêm túc thực hiện công khai báo cáo dự toán, báo cáo quyết toán thu, chi tài chính  ông đoàn sau khi được công đoàn cấp trên phê duyệt đều được công khai tại hội nghị ban chấp hành công đoàn cùng cấp trong kỳ họp gần nhất; Công khai quyết toán dự án hoàn xây dựng cơ bản thành (nếu có) sau khi được công đoàn cấp trên hoặc Uỷ ban nhân dân các cấp phê duyệt được công khai tại hội nghị ban chấp hành công đoàn cùng cấp kỳ họp gần nhất; công khai vận động thu, nộp và chi quỹ xã hội công đoàn; công khai dự toán, quyết toán thu, chi cơ quan công đoàn; Công khai quản lý, sử dụng tài sản công trong các cơ quan công đoàn tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hằng năm. Đối với các CĐCS đã tiến hành công khai báo cáo dự toán, báo cáo quyết toán được công đoàn cấp trên phê duyệt; công khai việc thu, nộp và chi các quỹ do công đoàn quản lý đạt tỷ lệ trên 80%. Từ những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện và chỉ đạo công tác công khai tài chính đối với các cấp công đoàn trong tại địa phương, những bài học được rút ra đó là: Nắm vững các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý, công khai tài chính; các quy định của Tổng Liên đoàn về công tác quản lý, công tác công khai tài chính Công đoàn. Ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác quản lý và kiểm tra tài chính đối với các cấp công đoàn; Chỉ đạo bộ phận tài chính công đoàn tỉnh trực tiếp hướng dẫn cho đội ngũ làm công tác tài chính tại các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Xây dựng nội dung về hướng dẫn công khai tài chính trong chương trình tập huấn các lớp tập huấn về nghiệp vụ công đoàn.
Bên cạnh những kết quả mà Liên đoàn Lao động đã đạt được vẫn còn tồn tai một số khó khăn bất cập: Công tác công khai tài chính đối với các CĐCS, nhất là khu vực ngoài nhà nước chưa đươc quan tâm thực hiện; Trên thực tế trong những năm qua nhiều đơn vị, việc công khai tài chính công đoàn chưa thực hiện thông báo công khai riêng theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn mà lồng ghép vào báo cáo hoạt động công đoàn trong đó bao gồm cả công tác tài chính. Nguyên nhân của những hạn chế này bởi cán bộ làm công tác công đoàn tại các CĐCS là kiêm thường xuyên thay đổi, việc nắm bắt các văn bản hướng dẫn về công tác công khai tài chính còn hạn chế. Một số chủ tịch công đoàn cơ sơ chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng về công tác thu, chi, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính, kế toán còn thiếu, chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, 100% kế toán công đoàn cơ sở đều kiêm nhiệm. Biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách thiếu dẫn đến nhiều công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không có cán bộ làm công tác kế toán, phải nhờ kế toán của đơn vị khác. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kế toán của đội ngũ kế toán công đoàn cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Để công tác công khai tài chính tại các cấp công đoàn ngày càng tốt hơn trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh Quảng Bình đưa ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên nhất là người đứng đầu các cấp công đoàn về công tác tài chính theo hướng quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản công đoàn.

Thứ hai, tăng cường công tác thu tài chính công đoàn, chống thất thu, đặc biệt nguồn thu kinh phí công đoàn 2% theo Luật Công đoàn 2012/2012/QH13 ngày 20/6/2012 Quốc hội khóa XIII; Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn, phối hợp với cơ quan Bảo hiểm Xã hội, Sở Lao động Thương binh Xã hội, Thuế, Kho bạc, Thanh tra, Công an...; Thực hiện thu kinh phí công đoàn, đối chiếu thu kinh phí công đoàn. Thực hiện nghiêm các quy định về công tác tài chính công đoàn của Tổng Liên đoàn, của Liên đoàn Lao động tỉnh, đặc biệt quy định về phân cấp thu, tiêu chuẩn, định mức chế độ chi tiêu của công đoàn các cấp. Chỉ đạo các cấp công đoàn đôn đốc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng cường kiểm tra tài chính nhằm đưa công tác quản lý tài chính, tài sản vào nề nếp, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật tài chính, thực hiện đúng chế độ quản lý của Nhà nước và hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ưu tiên kinh phí cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, đào tạo, tập huấn cán bộ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới công tác giao dự toán thu, chi tài chính công đoàn cho các đơn vị, đảm bảo số giao sát với thực tế từng đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, làm tốt công tác quyết toán thu, chi ngân sách công đoàn hàng năm.
Thứ tư, chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện thu kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua một tài khoản Công đoàn Việt Nam, từ đó có cơ sở thực hiện các biện pháp, giải pháp chống thất thu tại các đơn vị không thực hiện  nghiêm túc việc đóng kinh phí công đoàn 2% theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn.
Thứ năm, tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 7b/NQ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác tài chính công đoàn trong tình hình mới, thực hiện nghiêm túc về phân cấp thu, chi, phân phối tài chính
CĐ theo Luật Công đoàn năm 2012 và Quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam; tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 740/CTr-TLĐ ngày 22/7/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới đến các cấp công đoàn.
Thứ sáu, Đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ công đoàn,
quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế toán có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính, tài sản trong tình hình mới theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch. Các cấp công đoàn cần phải chú trọng làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông qua tổ chức tập huấn nghiệp vụ; tuyên truyền phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định mới có liên quan đến công tác quản lý tài chính. Đưa nội dung khai tài chính theo Hướng dẫn số 42/HD-TLĐ vào tài liệu tập huấn công tác tài chính.
Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các cấp công đoàn trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra công tác tài chính công đoàn.
Thứ tám, Định kỳ hàng năm hoặc kết thúc nhiệm kỳ có sơ kết, tổng kết, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, phân loại và thực hiện khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tài chính; ngược lại phê bình, khiển trách những cá nhân, tập thể chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa tốt các
chế độ quy định về công tác này.

Trải qua hơn 93 năm hình thành và phát triển, sau 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt. Tổ chức công đoàn được củng cố, phát triển, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở tăng nhanh, đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, công tác quản lý tài chính công đoàn từng bước được hoàn thiện, ngày càng chặt chẽ, chấp hành đúng kỷ luật tài chính và tuân thủ chế độ kế toán. Nguồn tài chính công đoàn hiện nay chủ yếu được tập trung để Công đoàn cơ sở thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên và người lao động.

Trong thời gian tới, nhằm xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới, tại Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị yêu cầu Công đoàn Việt Nam cần kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn, tài sản công đoàn phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kính thưa các quý vị đại biểu.
Trên đây tôi vừa trình bày tham luận “Kinh nghiệm trong công tác tổ chức công khai tài chính, tài sản công đoàn đối với các cấp công đoàn tại LĐLĐ tỉnh Quảng Bình”.
Một lần nữa xin kính chúc quý vị đại biểu, khách quý lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 thành công tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn!

  BBT

  

 

[Trở về]