LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
10 năm thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH và Chỉ thị 03/CT-TLĐ giai đoạn 2010 - 2020 

10 năm qua, đội ngũ nữ CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, là lực lượng đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; hiện nay, nữ đoàn viên công đoàn chiếm tỷ lệ 57,7%. 


Các đồng chí lãnh đạo LĐLĐ tỉnh biểu dương nữ CNVCLĐ tiêu biểu

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết 6b/NQ-BCH về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và Chỉ thị 03/CT-TLĐ về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; ngay sau khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết, Liên đoàn Lao động tỉnh đã kịp thời xây dựng Kế hoạch triển khai đến các cấp công đoàn trong tỉnh. Trong công tác chỉ đạo đã gắn với việc tổ chức quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị 05-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Đồng thời, chỉ đạo công đoàn trực thuộc tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phối hợp với chuyên môn xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

 Hàng năm, các cấp công đoàn đã lồng ghép kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ; khảo sát thực trạng về điều kiện làm việc, tiền lương, tiền thưởng, chính sách BHXH, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch tạo nguồn cán bộ nữ, chính sách đãi ngộ, khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản, chất lượng bữa ăn ca, nơi nghỉ ngơi, buồng tắm, vệ sinh cho lao động nữ tại các đơn vị, doanh nghiệp. Nhân các ngày kỷ niệm của phụ nữ và trẻ em và dịp lễ, Tết các cấp Công đoàn đã duy trì tổ chức thăm hỏi, động viên nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh gia đình khó khăn; gặp mặt tặng quà, biểu dương khen thưởng con CNVCLĐ đạt thành tích cao trong học tập, tổ chức Các hoạt động thiết thực trong nữ CNVCLĐ....

 Kết quả thực hiện chương trình phối hợp với Hội Phụ nữ cùng cấp trong công tác vận động nữ CNVCLĐ được duy trì thường xuyên; đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở; qua đó, tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong các cấp công đoàn được đông đảo nữ đoàn viên nhiệt tình hưởng ứng. Hầu hết Trưởng Ban nữ công LĐLĐ từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố đều tham gia BCH Hội LHPN cùng cấp, lãnh đạo Hội LHPN từ tỉnh đến cấp huyện đều tham gia BCH LĐLĐ cùng cấp; vì vậy, các chủ trương, chương trình của công đoàn cũng như của hội đều được phối hợp triển khai đầy đủ, kịp thời.

Thực hiện Nghị quyết 12b/NQ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động về Ban nữ công quần chúng doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; đến nay, có 878/878 CĐCS đủ điều kiện đã thành lập ban nữ công quần chúng. Hoạt động của Ban nữ công quần chúng các cấp công đoàn đã phát huy được vai trò tham mưu trong đề xuất những giải pháp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nữ công nhân, viên chức lao động.

Qua 10 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định Nghị quyết 6b/NQ-BCH, Chỉ thị 03/CT-TLĐ đã thực sự đi vào đời sống của nữ CNVCLĐ; các cấp công đoàn trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác vận động nữ CNVCLĐ, nhất là nữ CNLĐ tại các doanh nghiệp; thực hiện tốt việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ; tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến lao động nữ và trẻ em.

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ đã phát huy được vai trò, tiềm năng to lớn của nữ CNVCLĐ trong công cuộc đổi mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; phong trào đã được triển khai sâu rộng, gắn với các phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; "Phụ nữ Quảng Bình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và các phong trào thi đua khác tạo nên khí thế sôi nổi trong lao động sản xuất, học tập, công tác được đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia. Thông qua các phong trào thi đua, nữ CNVCLĐ đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành nhiều mặt; phát huy được năng lực, phẩm chất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt vai trò người mẹ, người vợ, người con trong gia đình. Nhiều nữ CNVCLĐ đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, được đảm nhận vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp; hàng năm có trên 95% nữ CNVCLĐ được công nhận danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà".

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ: tỷ lệ nữ tham gia BCH công đoàn các cấp đạt 39% (chỉ tiêu 30%); 100% công đoàn cơ sở có 30% nữ CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn trở lên có cán bộ lãnh đạo chủ chốt công đoàn là nữ hoặc có nữ là ủy viên Ban Thường vụ, Ban chấp hành công đoàn. Có 100% số cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp, 100% số cán bộ nữ công công đoàn cấp trên cơ sở được bồi dưỡng, tập huấn nội dung về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn.

Với những thành tích đã đạt được 10 năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam Bằng khen chuyên đề cho 02 cá nhân; LĐLĐ tỉnh tặng Bằng khen chuyên đề cho 20 tập thể, 33 cá nhân, Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen cho 4 cá nhân. Trong công tác chuyên môn, nhiều chị được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen...

Trong những năm tiếp theo, dự báo sẽ có nhiều thuận lợi, khó khăn đặt ra đối với phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn nói chung và nữ CNVCLĐ nói riêng. Vì vậy, đặt ra cho tổ chức công đoàn các cấp phải đổi mới, sáng tạo, vận dụng linh hoạt trong phương pháp vận động nữ CNVCLĐ và tổ chức các phong trào thi đua trong lao động nữ; cần lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện sống và làm việc của nữ CNVCLĐ, chú trọng hơn ở doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước; tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, nâng cao chất lượng nghiệp vụ công tác nữ công; vận động nữ CNVCLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, tay nghề; tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, các phong trào thi đua do các cấp công đoàn phát động; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, chú trọng xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, cụ thể hóa nội dung thi đua, tiêu chuẩn thi đua phù hợp với nữ CNVCLĐ trong từng cơ quan, đơn vi, doanh nghiệp nhằm thực hiện có hiệu quả hơn công tác vận động nữ CNVCLĐ của các cấp công đoàn trong tỉnh.

                                                                                      Thu Hạnh 

[Trở về]