LỊCH LÀM VIỆC
    Bản in     Gởi bài viết  
Nhà công vụ cho giáo viên, thực trạng và những giải pháp. 

Nhà công vụ, một vấn đề nổi cộm từ trước đến nay chưa được chú ý, dù ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống giáo viên, đặc biệt là những huyện có nhiều giáo viên từ nơi khác đến giảng dạy. Mặc dù, chính quyền, công đoàn ngành giáo dục đã và đang nỗ lực để các thầy cô giáo yên tâm gắn bó với nghề, với trường…, nhưng nhu cầu nhà công vụ cho giáo viên vẫn chưa thể giải quyết thấu đáo. Vì vậy, chính sách về nhà ở cho giáo viên có thể coi là giải pháp để giữ chân các thầy cô giáo gắn bó và hướng đến sự phát triển bền vững giáo dục ở niền núi, vùng cao. Chính vì vậy, xây dựng nhà công vụ là yêu cầu mang tính cấp thiết và lâu dài giúp đội ngũ giáo viên gắn bó với những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. 

Có mặt tại xã Trọng hóa, huyện Minh Hóa, chúng tôi đã chứng kiến được cảnh 3 - 4 giáo viên phải tá túc trong một căn phòng với diện tích khoảng 15m2 nhưng cũng hết sức tạm bợ, và còn nhiều giáo viên chưa có chổ ở phải thuê nhà dân, điều này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của các giáo viên. nhiều giáo viên ở cách xa nhà trường từ 40-50 cây số nhưng không có phòng để ở đành chắt bóp từ khoản tiền lương ít ỏi để thuê nhà dân mất 400 đến 500.000 đồng/tháng… Đó là chưa kể đến việc giáo viên thuê nhà dân để ở trong điều kiện sinh hoạt chung cùng gia đình khá nhiều bất lợi, nhất là công tác chuẩn bị bài giảng cho mỗi ngày. Tuy nhiên ở những nơi chưa có nhà công vụ cho giáo viên, nhưng nhà trường và Công đoàn chỉ biết động viên để giáo viên mình khắc phục khó khăn yên tâm công tác, đáp ứng chất lượng dạy học của nhà trường. Mặc dù nhiều năm nay nhà trường đã có nhiều kiến nghị và đề xuất với chính quyền địa phương, các cấp các ngành nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Khi mùa gieo chữ đến, bên những gương mặt háo hức, hồn nhiên của học trò, chúng tôi bắt gặp những khuôn mặt đầy lo âu của các thầy, cô giáo đang dạy học tại các trường khó khăn rẻo cao. Sau những ngày nghỉ hè thoải mái, các thầy cô lại đến với trường, với lớp, sẽ phải trở lại với cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn trong những căn phòng công vụ tạm bợ, tồi tàn, rét mướt và hiểm nguy. Có lẽ với những ai đã chứng kiến cảnh các thầy cô giáo trường THCS Cao Quảng mới biết được cuộc sống sinh hoạt như thế nào khi phải sống trong những căn phòng công vụ tạm bợ khoảng 9m2, điều mà nhà trường bấy lâu nay luôn trăn trở. Hiện nay trường có 4 dãy nhà công vụ, với 12 phòng ở, so với số lượng phòng thì cũng đủ để cho số giáo viên có nhu cầu ở lại. Tuy nhiên, sau cơn bão số 10 năm 2017, một số nhà nội trú của trường đã bị hư hỏng nặng, đã bị xiêu không còn đảm bảo an toàn cho giáo viên, nhưng nếu không đưa vào sử dụng thì giáo viên không biết phải ở đâu. Trao đổi với chúng tôi thầy giáo Hoàng Quang Vinh, hiệu trưởng nhà trường cho biết:

Trước thực trạng trên, để giáo viên vùng sâu, vùng xa yên tâm dạy và học, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhà ở nội trú và một số phòng học tại những điểm trường khó khăn nhất trong tỉnh. Đây là món quà và cũng là nguồn động viên tinh thần giúp các giáo viên và học sinh yên tâm bám lớp, bám trường.

Quảng Thạch là một trong những xã khó khăn của huyện Quảng Trạch. Cơ sở vật chất, nhà ở cho giáo viên và các trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn. Toàn xã có 73 giáo viên (bao gồm 3 cấp học: Mầm non, Tiểu học và THCS), trong đó 20 giáo viên có nhu cầu ở nội trú, trong khi mới chỉ giải quyết được 6 giáo viên ở nội trú, hiện những giáo viên còn lại phải thuê hoặc ở nhờ nhà người dân. Cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học cho giáo viên và học sinh rất khó khăn… Để giải quyết những khó khăn về nhu cầu nhà ở, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ 150 triệu đồng, LĐLĐ huyện Quảng Trạch hỗ trợ 100 triệu đồng cùng với chính quyền địa phương xã Quảng Thạch quyết định đầu tư 541 triệu đồng xây dựng nhà nội trú cho giáo viên. Nhà nội trú được xây dựng có quy mô 03 phòng ở kiên cố, 2 nhà vệ sinh chung, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cần thiết cho giáo viên. Đến nay công trình chuẩn bị hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Trước những khó khăn, vất vả của những giáo viên cắm bản ở những điểm trường trên, LĐLĐ tỉnh đã quyết định trích một phần kinh phí để xây dựng nhà nội trú cho giáo viên ở đây. Việc đầu tư xây dựng nhà nội trú cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là việc làm cần thiết và cũng là chủ trương của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh để đồng hành cùng giáo viên, giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm giảng dạy. Hiện nay, LĐLĐ tỉnh đã đầu tư 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 3 nhà nội trú cho giáo viên ở điểm trường bản Sắt thuộc Trường Tiểu học Trường Sơn, điểm trường bản Yên Hợp thuộc Trường Tiểu học và THCS Thượng Hóa và Trường THCS Quảng Thạch, Quảng Trạch.

Không chỉ khởi công xây dựng ba nhà nội trú cho giáo viên tại xã Trường Sơn, Quảng Thạch và Thượng Hóa, LĐLĐ tỉnh cũng đã kêu gọi các tổ chức cùng chung tay hỗ trợ xây dựng nhà nội trú cho giáo viên và phòng học cho các em học sinh tại một số nơi khó khăn khác như: Xây dựng 1 phòng học tại điểm trường bản Lâm Ninh, thuộc trường Tiểu học Trường Xuân, Quảng Ninh với kinh phí 200 triệu đồng do Qũy tấm lòng vàng, Báo Lao động hỗ trợ; xây dựng nhà nội trú cho giáo viên ở trường Tiểu học số 1 Hưng Trạch, Bố Trạch với kinh phí 900 triệu đồng, do công đoàn ngành giáo dục đầu tư.

Có thể thấy, nhu cầu được dạy học ở nơi có điều kiện tốt là điều chính đáng của mọi giáo viên. Lúc đó họ thêm yêu nghề, yêu mảnh đất nơi họ cống hiến. An cư lạc nghiệp có thể coi là giải pháp để giữ chân giáo viên gắn bó với giáo dục, góp phần vào sự phát triển toàn diện, hướng đến sự phát triển lâu dài, bền vững của nền giáo dục.

 

Xuân Hạnh

 

[Trở về]